Nguyên nhân đầu tiên là do thiếu kinh nghiệm trong quản lý nợ nước ngoài. Việt Nam bắt đầu trả nợ từ năm 1995, các kiến thức về phương pháp phân tích các chỉ số, quy trình thu thập số liệu, báo cáo, tổ chức quản lý nợ còn đang trong quá trình trao đổi và học hỏi kinh nghiệm các nước. Hơn nữa, không thể áp dụng một cách máy móc các kinh nghiệm đó mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi nước, ở mỗi thời kỳ cụ thể thì mới hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế và thể chế phù hợp với yêu cầu quản lý nợ cũng đòi hỏi thời gian nhất định. Do đó, việc quản lý nợ ở Việt Nam ban đầu còn khá trúc trắc, không hệ thống, chưa thích ứng được ngay với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chẳng hạn công tác thống kê số liệu nợ do Bộ tài chính thực hiện chỉ bắt đầu từ giữa năm 2007 và chỉ thu thập các dữ liệu về nợ nước ngoài của chính phủ và nợ được chính phủ bảo lãnh từ năm 2002 trở về sau, trong đó có quy định thu thập riêng về nguồn vốn ODA. Qua đó có thể thấy được công tác thống kê nợ là thực hiện theo nhu cầu thực tế, chứ không bao quát toàn diện.
Nguyên nhân thứ hai đó là do thiếu hụt đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn. Đây là nguyên nhân gây hạn chế đến khả năng thu thập và đánh giá quản lý nợ. Các kinh nghiệm quản lý quốc tế được phổ biến thông qua các dự án ODA, trong khi ở Việt Nam chưa có một cơ sở, cơ quan nào đào tạo về lĩnh vực này. Mặt khác, kiến thức được thu thập theo từng dự án nên những kinh nghiệm quản lý hiện đại, những kỹ năng chuyên sâu về quản lý nợ nước ngoài không được cập nhật đầy đủ, thường xuyên và có hệ thống.
Cuối cùng, sự khác nhau trong cách tính nợ công của Việt Nam và thông lệ quốc tế xuất phát từ quan điểm của chính phủ về nợ doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, nợ của doanh nghiệp nhà nước bản chất là khoản nợ tự vay tự trả, không ảnh hưởng đến ngân sách nên không đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật nợ công. Sự khác nhau này là một trở ngại cho Việt Nam khi mà đất nước đang ngày càng hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, các tập quán chung cần phải được tuân thủ.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2, luận văn đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, thông qua trình bày các đặc điểm của nợ nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn 2002-2012 để xây dựng một bức tranh tổng quan về thực trạng nợ nước ngoài đó là: quy mô nợ đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhanh với dung lượng nợ lớn, trong đó chủ yếu là nợ của khu vực công. Mặc dù được ưu đãi về kỳ hạn và lãi suất, song nợ nước ngoài ở Việt Nam lại tập trung vào một số đồng tiền mạnh nhất định có sự thay đổi theo chiều hướng không thuận lợi trong thời gian qua, điều này làm cho quy mô nợ càng tăng. Đồng thời, luận văn cũng phân tích được việc bội chi ngân sách kéo dài và đầu tư công không hiệu quả là những nguyên nhân chính yếu khiến chính phủ vay nợ càng nhiều.
Thứ hai, dựa trên các cơ sở lý luận ở chương 1 để đánh giá tình trạng nợ và công tác quản lý nợ nước ngoài ở Việt Nam. Nhìn chung nợ Việt Nam vẫn trong giới hạn an toàn, song cần phải hết sức thận trọng. Luận văn cũng thực hiện đánh giá việc vay và trả nợ của chính phủ bằng nguồn ngân sách, qua đó rút ra những điểm còn tồn tại và nguyên nhân của nó. Dựa trên những hạn chế đó, luận văn sẽ đưa ra những gợi ý để nâng cao hiệu quả quản lý nợ nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới (sẽ được phân tích ở chương sau).
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NỢ NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM HIỆU QUẢ
3.1.MỘT SỐ YẾU TỐ KINH TẾ CỦA VIỆT NAM VỚI NỢ VÀ NGHĨA VỤ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI