Nam
Tăng trưởng GDP được hình thành bởi 3 yếu tố: vốn, lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp. Đối với các nước đang phát triển nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, trong giai đoạn đầu khi nền kinh tế ngoài tài nguyên thiên nhiên thì còn thiếu quá nhiều các yếu tố cần thiết khác, quá trình công nghiệp hóa đất nước thường sẽ được lựa chọn tiến hành theo chiều rộng. Tức là nền kinh tế sử dụng vốn làm yếu tố chính cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên từ những năm của thập niên 90, khi Liên Xô và một số quốc gia phương Tây cắt nguồn viện trợ, trong khi nền kinh tế đang chuyển dần từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường với sự quản lý còn non kém thì đã làm tăng lượng nợ tồn đọng từ những năm trước. Giai đoạn này thật sự rất khó khăn. Chỉ từ năm 1993, Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế tái cơ cấu nợ thì tình hình dần khá lên. Đặc biệt là từ sau khi gia nhập làm thành viên của HIPCs, với nguồn vốn dài hạn có mức ưu đãi khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bắt đầu cải thiện và tăng mạnh. Đến năm 2010, Việt Nam chính thức thoát nghèo và gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình. Như vậy nguồn vốn nước ngoài đã là nhân tố chủ chốt cho sự phát triển của Việt Nam ngày hôm nay.
Về lợi ích của nợ nước ngoài đối với tăng trưởng, có thể thấy rõ rệt nhất đó là bổ sung nguồn vốn trong quá trình cải tạo, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng xã hội, là chất xúc tác để thu hút các nguồn vốn khác và kích thích kinh tế phát triển. Tác động tích cực của nợ nước ngoài được thể hiện bằng những thành tựu kinh tế và xã hội mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, mà trước tiên là sự tăng trưởng kinh tế liên tục và khá cao so với các nước trong khu vực. Giai đoạn 2002-2006 là khoảng thời gian kinh tế Việt Nam bắt đầu tăng trưởng nóng, tốc độ tăng trưởng GDP có chiều hướng tăng liên tục, bình quân cho cả giai đoạn đạt 7,8%, thấp nhất là 7,08% năm 2002 và cao nhất là 8,23% vào năm 2006. Trong khi đó, tăng trưởng bình quân cùng giai đoạn ở các nước khác trong khu vực chỉ khoảng 6%; cụ thể
Singapore là 6,11% (thấp nhất 3,11% năm 2003 và cao nhất là 8,8% năm 2004); Maylaysia là 5,77%; Philippin là 5,2% và Thái Lan là 5,6%.
Bước sang giai đoạn 2007-2012, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng cao ở năm tiếp theo với mức tăng 8,46%, rồi bắt đầu xu thế suy giảm nhanh và liên tục từ cuối năm 2007, bình quân tăng trưởng trong 5 năm kể từ năm 2008 chỉ đạt 5,9%. Đến cuối năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,03%, nằm ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Theo đánh giá của một số chuyên gia trong nước, mặc dù tăng trưởng kinh tế giảm song trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn thì đây là mức tăng trưởng hợp lý trong giai đoạn này. Tuy nhiên từ năm 2011, khi nền kinh tế một số nước có khởi sắc và tăng trưởng trở lại thì tăng trưởng Việt Nam vẫn còn chậm. Cụ thể: giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân chỉ đạt 5,6%/năm. Trong khi đó, ngoài Brunei (từ 3,4% năm 2011 xuống 0,9% năm 2012) và Singapore (từ 5,2% năm 2011 xuống 1,3% năm 2012) thì các nước khác có chuyển biến tích cực như Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà điều hành ở Việt Nam. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã phần nào cho thấy đóng góp của nguồn vốn đầu tư, nhất là các khoản vay nước ngoài ưu đãi. Tuy nhiên, như đã phân tích ở các mục trên, cùng với sự gia tăng quy mô vốn đầu tư, hệ số ICOR cũng tăng và khá cao, có lúc cần phải dành 8 đồng vốn đầu tư để đổi lại 1 đồng tăng thu nhập. Điều đó cho thấy rằng vốn không đem lại hiệu quả tăng trưởng tương xứng. Để nền kinh tế có thể tiến xa hơn nữa, Việt Nam cần đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng chuyển sang chiều sâu, tức là tập trung sử dụng yếu tố công nghệ, tránh để rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước đang phát triển khác.