ngân sách nhà nước
Thứ nhất, phải tăng cường rà soát công tác quản lý chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi đúng và trong phạm vi ngân sách đã được duyệt. Thực hành nghiêm túc chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí thông qua rà soát, cắt giảm các khoản mục không cần thiết và đang lãng phí trong chi tiêu thường xuyên, đặc biệt là các khoản chi điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, mua xe công, chi tổ chức lễ hội, hội thảo, xây dựng trụ sở mới, lễ ký kết khởi công, phong tặng danh hiệu… Song song với ban hành văn bản chỉ thị phải gắn kèm trách nhiệm giải trình và mức chế tài thật nặng để nâng cao ý thức của cán bộ, vì thực tế vấn đề này đã được đưa ra Quốc hội để thảo luận và từng có chủ trương khoán chi phí nhưng việc thực hiện không triệt để, đến nay tình trạng sử dụng lãng phí tài sản công cho các mục đích riêng vẫn tái diễn thường xuyên, cho thấy các biện pháp chế tài trước đây chưa đủ tính răng đe.
Đối với khoản chi đầu tư, để khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, cần rà soát lại các dự án đầu tư của nhà nước, ưu tiên giải ngân cho các dự án trọng điểm, cấp bách, hiệu quả sinh lời khá, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn; điều chuyển hoặc thu hồi vốn đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách đang eo hẹp, hạn chế tối đa khởi công mới dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà chuyển hướng khuyến khích mô hình hợp tác công tư. Mô hình này tận dụng sức mạnh tài chính của khu vực tư nhân nên sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đối với quản lý ngân sách địa phương, cần tổ chức các đoàn công tác đi cơ sở kiểm tra nắm tình hình tổ chức triển khai thực hiện hoạt động chi tiêu ở các địa phương, để có thể phát hiện kịp thời các đơn vị không chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán các khoản chi sai, chi không đúng mục đích như
các đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu, có sai số hoặc các khoản không có trong hợp đồng, dự toán của các dự án đầu tư. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng ngân sách để nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát thanh toán.
Thứ hai, việc cho vay lại và bảo lãnh vay cần hết sức thận trọng, chỉ nên ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia hoặc thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh trên cơ sở yêu cầu báo cáo và kiểm toán tài chính hàng năm, giám sát việc thanh toán các nghĩa vụ nợ để có thể phát hiện kịp thời các khoản nợ có vấn đề, đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể đối với dự án gặp khó khăn trong việc trả nợ đến hạn.