Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường công tác quản trị nguồn nhân lực tại bưu điện thành phố bắc ninh (Trang 37 - 41)

6. Kết cấu của luận văn

1.1.3 Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Các nhân tố bên ngoài

Thứ nhất : Xu thế phát triển kinh tế của đất nước

Xu thế phát triển kinh tế hay đúng hơn là chu kỳ phát triển kinh tế, chu kỳ kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản trị nhân lực trong doanh nghiệp. Trong giai đoạn mà kinh tế suy thoái, hoặc kinh tế bất ổn định có chiều hướng đi xuống, doanh nghiệp một mặt vẫn cần phải duy trì lực lượng có tay nghề, một mặt phải giảm chi phí lao động. Do vậy, doanh nghiệp phải đưa ra các

quyết định phù hợp với tình hình mới như giảm qui mô về số lượng, đa dạng hoá năng lực lao động của từng cá nhân để người lao động có thể kiêm nhiệm nhiều loại công việc khác nhau, hoặc giảm giờ làm việc, cho nhân viên tạm nghỉ, nghỉ việc hoặc giảm phúc lợi...

Ngược lại, khi kinh tế phát triển và có chiều hướng ổn định, doanh nghiệp lại có nhu cầu phát triển nhân lực cả về số lượng và chất lượng, tăng cường đào tạo, huấn luyện, phát triển người lao động về mọi mặt nhằm thu hút người lao động tham gia vào các quá trình thực hiện và hoàn thành mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp là tăng cường và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ hai: Cơ chế quản lý - Hệ thống Luật pháp

Luật pháp của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản trị nhân lực của doanh nghiệp, đặc biệt là Luật lao động - các bộ luật này đòi hỏi doanh nghiệp phải quan tâm đến các lợi ích chính đáng của người lao động trong đó có nhu cầu phát triển nghề nghiệp chuyên môn, nhu cầu thăng tiến ..v.v.

Các bộ luật này cũng ràng buộc những điều khoản sử dụng lao động của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đúng các quy định về chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Các tiêu chuẩn về từng loại nhân lực ngoài việc phải đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ công việc còn phải nhất quán với đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, với các tiêu chuẩn về trình độ học vấn, tuổi tác, kinh nghiệm...do Nhà nước qui định.

Thứ ba: Văn hoá - Xã hội

Văn hoá xã hội của một nước ảnh hưởng rất lớn đến quản trị nhân lực của các doanh nghiệp. Sự thay đổi giá trị văn hoá của một nước cũng tạo ra các thách đố cho các cấp quản trị trong doanh nghiệp. Ngoài ra sự thay đổi về lối sống trong xã hội cũng ảnh hưởng tới cấu trúc của các công ty, doanh nghiệp và dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu lực lượng lao động, trong các ngành nghề kinh doanh.

Thứ tư: Trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ

Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin. Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp phải luôn quan tâm tới việc cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao trình độ cơ

giới hoá, tự động hoá, thay đổi qui trình sản xuất, chế tạo sản phẩm. Điều đó đòi hỏi số lượng, chất lượng, kinh nghiệm và kỹ năng lao động của đội ngũ nhân lực cũng phải có sự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Các nhân tố nội bộ doanh nghiệp

Thứ nhất: Phương hướng và mục tiêu phát triển, quản điểm của lãnh đạo doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp đều có những mục tiêu phát triển riêng, thể hiện thông qua những chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp ở từng thời kỳ phát triển. Mục tiêu phát triển của doanh nghiệp sẽ đặt ra những yêu cầu cụ thể về nhân lực của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp phải phát triển nhân lực cho phù hợp với những yêu cầu đó.

Quan điểm của các nhà quản trị đặc biệt là các nhà quản trị nhân lực có ảnh hưởng quan trọng đến việc phát triển nhân lực ở doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Điều này thể hiện ở chỗ các nhà quản trị của doanh nghiệp là những người đặt ra các chương trình, chính sách và là người huy động các nguồn lực trong doanh nghiệp để đạt được mục tiêu đề ra.

Mặt khác, Lãnh đạo đơn vị là những người nắm quyền quyết định lớn nhất tác động mạnh mẽ nhằm kính hoạt, thúc đẩy tiến bộ hay kìm hãm, sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến phát triển NNL thậm chí bác bỏ các chương trình, dự án phát triển NNL trong tổ chức. Mặt khác, mức độ nỗ lực phấn đấu nhằm phát triển sự nghiệp của người lãnh đạo có thể là tấm gương, sự khích lệ cho nhân viên noi theo.

Thứ hai: Mô hình tổ chức của doanh nghiệp

Mô hình tổ chức của doanh nghiệp có ảnh hưởng tới công tác quản trị nhân lực thể hiện ở chỗ: mô hình tổ chức sẽ chi phối đến nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân lực của doanh nghiệp. Mô hình tổ chức càng ổn định, hợp lý càng tạo điều kiện tốt cho công tác quản trị nhân lực của doanh nghiệp.

Các chính sách và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp có được thực hiện tốt hay không là tùy thuộc vào chiến lược dùng người của doanh nghiệp. Với mỗi chính sách và chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp phải lập được các kế hoạch nhân lực để tìm những người có đủ kỹ năng, trình độ thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba: Các nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực

Bao gồm: cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; nguồn tài chính.

Sự phát triển kinh tế luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, những công nghệ mới, hiện đại ra đời và tạo nên sự thách thức lớn đối với các tổ chức. Để tồn tại và phát triển, các tổ chức phải đầu tư trang bị công nghệ hiện đại, người lao động cần phải trang bị kiến thức và kỹ năng mới. Chính sách đào tạo và phát triển nhân lực vì thế sẽ phải được điều chỉnh.

Việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại sẽ tạo ra năng suất cao đòi hỏi phải thực hiện điều chuyển chỗ làm việc trong nội bộ tổ chức và tinh giản lao động ở các mắt xích công việc có sự thay đổi công nghệ. Chính sách về việc làm trong mô hình quản trị nhân lực vì vậy phải có sự điều chỉnh thích hợp.

Sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật và thông tin cũng gắn liền với sự xuất hiện một số ngành nghề mới, đồng thời một số nghề cũ sẽ mất đi, đòi hỏi phải đào tạo mới cho người lao động để làm chủ kỹ thuật, công nghệ mới và đào tạo lại cho người lao động dôi dư để họ có được việc làm. Đồng thời, sự triển công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi tính chất và hoạt động quản trị nhân lực, chuyển mô hình quản trị nhân lực sang trạng thái năng động hơn, hiệu quả hơn và là nguồn lực hạt nhân của mô hình này.

Nguồn tài chính: Tiền lương là thu nhập chính, có tác động trực tiếp đến người lao động. Một trong những mục tiêu chính của người lao động là làm việc để được đãi ngộ xứng đáng. Vì vậy vấn đề tiền lương thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người, nó là công cụ để thu hút lao động. Muốn cho công tác quản trị nhân sự được thực hiện một cách có hiệu quả thì các vấn đề về tiền lương phải được quan tâm một cách thích đáng.

Thứ tư: Bầu không khí văn hoá của công ty - doanh nghiệp

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có bầu không khí văn hoá của riêng mình. Bầu không khí văn hoá này được định nghĩa như là một hệ thống các giá trị, các niềm tin và các thói quen được chia sẻ trong phạm vi một tổ chức. Bầu không khí văn hóa tốt có tác dụng kích thích người lao động hăng hái làm việc và ngược lại sẽ khiến người lao động chán nản, không muốn làm việc.

Thứ năm: Nhận thức của người lao động trong doanh nghiệp

Để công tác quản trị nhân lực được thực hiện tốt thì người lao động phải tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan như phân tích công việc, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo và phát triển,…Nếu không có sự hiểu biết, tham gia nhiệt tình của người lao động thì các công tác này sẽ gặp nhiều khó khăn và không đạt được hiệu quả cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường công tác quản trị nguồn nhân lực tại bưu điện thành phố bắc ninh (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)