Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 52 - 55)

6. Kết cấu luận văn

2.2.1.Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Ngoại hình của nhân vật đóng vai trò khá quan trọng bởi nó gợi liên tưởng tới tính cách, phẩm chất con người. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình là cách miêu tả toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật, từ diện mạo, trang phục, hình dáng cho đến cử chỉ, tác phong…, sự miêu tả ấy có thể được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người kể chuyện hoặc qua cái nhìn của một nhân vật khác nhằm nói lên đặc điểm nhân vật.

Trong các tác phẩm của mình, Thùy Dương đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa bằng một vài nét thoáng qua nhưng những nét thoáng qua ấy lại có giá trị tạo hình, có ý nghĩa lớn trong việc bộc lộ con người

nhân vật. Thông qua ngoại hình, những tính cách, suy nghĩ, nghề nghiệp, vị trí của các nhân vật được bộc lộ. Là một nhà văn nữ, Thùy Dương có những ưu ái hơn trong việc miêu tả ngoại hình của các nhân vật nữ. Qua những trang viết của chị đã tạo nên chân dung những cô gái duyên dáng, xinh đẹp, đáng yêu, thật dịu dàng, hiền thục nhưng cũng đằm thắm, mặn mà. Vẻ đẹp người phụ nữ được cảm nhận từ những cô gái vùng quê chân lấm tay bùn đến những người phụ nữ thành thị sống trong cung cách của nhà giàu có.

Cũng giống như các nhà văn cùng thế hệ, chị quan tâm nhiều đến vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ vì đó là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ. Dưới ngòi bút của Thùy Dương, các nhân vật nữ đều hiện xinh đẹp, luôn ấn tượng từ những lần đầu gặp mặt, bất kể đó là những cô thôn nữ hay những cô gái Hà thành.

Trong Thức giấc, hình ảnh bà nội Yên Thao được miêu tả là một người biết quý trọng vẻ đẹp phụ nữ, biết gìn giữ cho vẻ đẹp để nó trở nên sang trọng, quý phái "Ai cũng bảo bà tôi đẹp, dáng cao sang quý phái. Tôi thấy điều ấy thật đúng. Ở bà cái gì cũng ưa nhìn. Nước da, đôi mắt, cái mũi, dáng người và đến cái cách bà đưa tay lên vén tóc hay quàng khăn…. Bà thì ngoài năm mươi tuổi rồi, ra đường dù quần áo chẳng có gì đặc biệt nhưng khoác lên người bà chúng lại có vẻ gì đó khác hẳn những người khác, khiến cho khối người đi ngang cũng phải dừng mắt nhìn" [7,12]. Vẻ đẹp bà nội Yên Thao là vẻ đẹp của con người được hưởng cuộc sống giàu sang phú quý mặc dù bà đã có tuổi. Mẹ Yên Thao (con dâu bà) cũng nhận thấy mẹ chồng mình "bà nội bọn trẻ - trong nhà túng chết đi được- vậy mà ra ngoài vẫn thong dong, chải chuốt như ai" [7, 8]. Dù trong cái nghèo, cái đói, vẻ đẹp hình thể cũng như tâm hồn của người phụ nữ vẫn được giữ gìn, tỏa sáng.

Vẻ đẹp hình thể người phụ nữ còn được Thùy Dương nhìn nhận qua sự chăm sóc chồng con. Trong Nhân gian, khi Thảo xuống thăm con trai ở Hà Nội,

lần đầu nhìn thấy Kỳ Thanh cũng nhận thấy vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ: "Ngực nây nẩy dáng óng ả thắt đáy lưng ong, cái gì ra cái đấy. Người thế chắc vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con" và trang phục của cô ấy là "váy đen, áo đen, một chiếc khăn bông bay rực rỡ (theo cách gọi ngày xưa) quàng hờ hững, nhưng mà thật là ấn tượng, hút ngay ánh mắt người ta" [8, 41].

Khi miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ, nhà văn Thùy Dương đã hướng đến nhấn mạnh vẻ đẹp nữ tính cũng như những nét đẹp phồn thực – đây là một trong những nội dung thể hiện ý thức nữ quyền, sự trân trọng đối với vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ, đặc biệt là những vẻ đẹp gắn liền với thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ. Nó làm ta nhớ tới những tác phẩm văn học trung đại của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương; đặc biệt Hồ Xuân Hương miêu tả vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ thật độc đáo, thật ấn tượng và ca ngợi vẻ đẹp của họ một cách rất riêng, rất đáng được trân trọng. Bà đặc biệt chú ý những bộ phận thân thể được giấu kín của con người thì nay được "phô" ra với vẻ đẹp mà tạo hóa ưu ái ban cho họ. Còn trong tác phẩm của Thùy Dương, vẻ nữ tính ấy còn thêm nét hiện đại. Đó là vẻ đẹp một người phụ nữ vừa truyền thống vừa hiện đại. Truyền thống thể hiện trong cách chăm sóc gia đình và hiện đại trong cách ăn mặc, trong cách nhìn nhận, suy nghĩ. Vì vậy mà cậu em trai của Yên Thao phải thốt lên "Người đâu mà đẹp thế, trắng thế. Giọng Hà Nội nghe hay quá…là con gái Hà thành không trộn lẫn vào đâu được" [7,134].

Hay vẻ đẹp ấy thể hiện qua Ngần – người yêu của liệt sĩ Hoàng trong Nhân gian. Dù Hoàng đã hi sinh nhưng không thể phai mờ trong tiềm thức của chàng trai vẻ đẹp người yêu mình. Hoàng tả lại Ngần qua lời kể đầy hồi ức xúc động. Vẻ đẹp của Ngần hiện lên trong sáng, thánh thiện:"…Ngần mười bảy tuổi, học hết cấp hai ở nhà giúp mẹ đồng áng. Ngần da trắng tóc dài, người nây nây, hai má lúc nào cũng đỏ căng. Mắt đen lúng la lúng liếng…"[8, 84]. Quả thực, vẻ đẹp của

người phụ nữ thôn quê là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho họ và cả cho xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của thùy dương (Trang 52 - 55)