0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Nhân vật cô đơn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 47 -52 )

6. Kết cấu luận văn

2.1.3. Nhân vật cô đơn

Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, cô đơn đã trở thành một trạng thái tinh thần khá phổ biến đối với con người. Trong hành trình khám phá con người với tất cả những vỉa tâm hồn sâu kín nhất, văn học đã và đang hướng đến khám phá trọn vẹn hơn những trạng thái đời sống tinh thần của con người, trong đó, nỗi cô đơn với nhiều trạng thái, cung bậc và những biểu hiện khác nhau là

điều không thể thiếu. Trong sáng tác của Thùy Dương, ta bắt gặp không ít những nhân vật cô đơn – có thể là cô đơn, chơi vơi, lạc lõng, mãi mãi chả thể trở về; có thể là gặp những người thân quen nhưng khoảng cách sinh tử khiến họ không thể nào cảm nhận được hơi ấm và sự hiện diện của nhau trong thế giới của mình; cũng có thể là sự xa cách của những người vốn thân nhưng lại không còn thân nữa; hoặc cũng có thể là sự cô đơn không tìm được tiếng nói chung giữa những thế hệ khác nhau, giới tính khác nhau…

Tác phẩm của Thùy Dương thhường đi sâu khám phá nhân vật cô đơn. Có lẽ bởi Thùy Dương muốn giúp người đọc hiểu bản thân mình hơn, hiểu rõ hơn những tình cảm sâu kín thuộc về con người. Nỗi cô đơn của nhân vật cũng thật đa dạng: từ nỗi cô đơn của phụ nữ đến nỗi cô đơn của nam giới, từ nỗi cô đơn trong lý tưởng đến nỗi cô đơn trong tình cảm…

Đầu tiên là sự cô đơn của nữ giới. Cô đơn là trạng thái thường thấy ở người phụ nữ. Nỗi cô đơn của phụ nữ thường gắn với tình cảm vì trong tình yêu và cuộc sống hôn nhân, người phụ nữ thường chịu bất hạnh và cô đơn hơn vì sự nhạy cảm và mềm yếu bản năng. Ta có thể thấy rõ nhất qua nhân vật Yên Thao trong Thức giấc. Yên Thao là một cô gái có đời sống nội tâm phong phú. Yên Thao đến với Trung bằng tất cả tình yêu và sự tin tưởng tuyệt đối. Cô đã trao thân cho người mình yêu và ảo tưởng đây chính là người đàn ông dành cho mình. Cô tin tưởng rằng, với anh và chắc chắn chỉ với anh, cô mới có được nỗi sung sướng và hạnh phúc nhường này. Khi gặp sự ngăn cản của mẹ Trung, Trung vội vã ra nước ngoài, bỏ lại sau lưng tình yêu sâu đậm của Yên Thao và một khoảng trống không thể bù đắp trong tâm hồn cô. Cô đơn, chống chếnh, Yên Thao trong Thức giấc đau đớn khi nghe mẹ của người yêu mình nói "Nếu cháu có chuyện gì, cứ đến đây tìm bác. Bạn bác là bác sĩ sản khoa viện C. Bác hứa sẽ lo cho cháu. Kín đáo. Bác phải có trách nhiệm" [7, 115]. Dưới mắt cô, tất cả đều thật tàn nhẫn và bỉ ổi. Bởi địa vị, tiền bạc, họ xem nhẹ những giá trị đạo đức và tình cảm thiêng liêng giữa

con người với con người. Trong phút giây nông nổi của tuổi trẻ, Yên Thao mong mình tắt kinh, có chửa, mà chắc chắn nó sẽ là con trai, trong khi rất có thể họ chỉ có cháu gái mà chẳng có cháu trai. Yên Thao mong muốn trả thù lại những con người đã gây đau đớn cho mình. Nhưng cuối cùng, Yên Thao cũng như tỉnh lại. Cô nhận ra chính cô đang là kẻ tự cào xước trái tim mình. Nỗi cô đơn của Yên Thao là nỗi cô đơn của một cô gái bị bỏ rơi trong tình yêu, yêu hết mình, dâng hiến hết mình - cả thể xác và tâm hồn, nhưng kết cục mà cô nhận được là sự hèn nhát, chạy trốn khỏi tình yêu của người cô yêu và yêu cô.

Sau những đau đớn trong mối tình ấy, Yên Thao rồi cũng lấy chồng. Nhưng trong hôn nhân, Yên Thao lại rơi vào trạng thái cô đơn khác khi không tìm được sự đồng cảm trong cuộc sống hôn nhân. Yên Thao "không thể chấp nhận sự tương đối được", còn Nghi - chồng Yên Thao lại cho rằng "cái gì cũng có ý nghĩa tương đối" [7, 238]. Yên Thao trong Thức giấc gặp nỗi cô đơn trong hôn nhân một phần vì sự có mặt của người thứ ba, nhưng nguyên nhân chính lại là tình yêu của họ cứ lặp đi lặp lại những điều nhàm chán, xưa cũ. Cô là một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh, có niềm say mê trong công việc còn chồng cô - Nghi - một kiến trúc sư tài hoa và lãng mạn, luôn theo đuổi sáng tạo trong thiết kế. Giữa họ tồn tại một sự đam mê cả thể xác lẫn tâm hồn vì thế cuộc hôn nhân cứ diễn ra một cách tự nhiên, không cần bất cứ một sự cố gắng, nỗ lực nào. Nhưng đã có lúc, Yên Thao giật mình nhận ra "không có tôi, núi lửa của anh trào dâng đi đâu? Biển đêm trong tôi sẽ không thôi gào thét nếu không có nham thạch nóng rực cuộn trào và trút đầy" [7, 238]. Khi bắt gặp chồng mình ngoại tình với một cô gái khác, Yên Thao đã rơi vào trạng thái đổ vỡ. Bất hạnh là tiềm thức còn đang mê đắm trong hạnh phúc với người chồng là ý thức lại phải chứng kiến chồng ngoại tình: “Trong phòng có tiếng động. Mặt tôi lạnh toát. Tim như thắt lại, không đập nổi. Tiếng rên đầy thèm khát – Nưa đi, nữa đi anh. Tiếng Nghi thở thật rõ và cả tiếng rít thỏa mãn của anh mà tôi từng biết…Tôi ra khỏi phòng, đóng lại cánh cửa. Khó thở quá. Ngực tôi như bị đá đè. Không gian xung quanh như đặc quánh lại. Tôi hớp

hớp chút không khí. Bản năng khiến tôi cố sức thở thật sâu. Và đi như một người mộng du.” [7,236]. Trong phút chốc, cô thấy tất cả những việc mình đã làm đều vô nghĩa. Tiền bạc, công danh, địa vị cũng chẳng còn là gì đối với người đàn bà nếu như họ không nắm giữ được hạnh phúc của chính mình.

Mẹ chồng Yên Thao hay mẹ anh Cả trong Thức giấc cũng vậy. Họ là những người phụ nữ cùng thế hệ, cùng có cách nhìn nhận và cách suy nghĩ. Mẹ chồng Yên Thao lại cô đơn với chính thiên chức làm vợ và làm mẹ của mình. Sống cùng một ông chồng quá say mê nghiên cứu Toán học còn con trai lại thích sống độc lập nên sự "quên mình" của bà không được ai nhìn thấy và lâu dần, bà rơi chìm trong tâm trạng cô đơn. Đặc biệt, bà cam chịu cô đơn, chấp nhận cô đơn, kiên quyết sống cô đơn để giữ tình yêu, sự yên ấm của gia đình. Trong con người bà, tình yêu và sự cô đơn luôn song hành, nhưng đó là cô đơn trong kiêu hãnh. Ở những người đàn bà này, cô đơn không chỉ là tâm trạng khi thiếu vắng chỗ dựa tinh thần, mà nó còn thể hiện sự chịu đựng, can trường của một thế hệ phụ nữ Việt Nam.

Kỳ Thanh trong Nhân gian phải chịu cuộc sống cô đơn vì chồng cô yêu tiền bạc hơn nghĩa vợ chồng. Cô từng có một gia đình hạnh phúc với chồng và con trai mười lăm tuổi nhưng chồng đã phản bội để đi theo bạn học của cô "buôn bán giàu có nổi tiếng và đã bỏ chồng. Nó xấu và trong đầu lúc nào cũng tính toán tiền nong…" vì ham cái gia tài kếch sù" ba căn nhà mặt phố, một công ty thương mại, một biệt thự ngoại ô, một chiếc Lexus giá trị bằng cả một gia tài…" [8, 48]. Kỳ Thanh chia tay chồng trong căm hận. Trong cô luôn chất chứa nỗi đau về một hạnh phúc tan vỡ, ly dị chồng, con đi học xa. Đằng sau vẻ phớt đời của Kỳ Thanh là nỗi cô đơn cùng cực, là khao khát cứ phải đè chặt từng đêm, từng đêm vì thế cô mở quán cà phê để lẩn trốn đau khổ. Nhưng đau khổ lại tìm tới, người chồng cũ đến và thường xuyên ngồi uống nước ở quán của Kỳ Thanh như muốn cố gắng tìm lại tình yêu. Anh ta không tìm được hạnh phúc bên người vợ mới và gia tài

kếch sù kia. Trong một phút cả Kỳ Thanh và chồng cũ đều không tự chủ được, họ đã trở lại những giây phút êm đềm như "mười tám năm trước, khi ý thức trở về thì cả sự bẽ bàng tủi hổ cả căm hận về theo. Kỳ Thanh đã làm mọi cách để khiến cho người chồng cũ phải chịu một chút thống khổ mà cô đã trải qua. Không chỉ làm cho người chồng cũ tưởng rằng chuyện diễn ra giữa hai người là mua - bán sòng phẳng, cô còn thuê Hạnh - một đứa thực sự chọn nghề ấy làm thêm để lột mặt nạ chồng.

Hay nhân vật cô gái trẻ trong tiểu thuyết Nhân gian cũng gặp sự cô đơn trong gia đình. Cô gái là con gái út trong một gia đình làm chính trị, có bố làm Phó chủ tịch tỉnh. Khi gặp Rush - một bác sỹ người Mỹ tình nguyện sang Việt Nam làm "phẫu thuật nụ cười", cô đã đem lòng yêu. Tình yêu ấy chưa kịp công khai đã bị vùi dập trong đau đớn. Cả gia đình lo ngại rằng cô có quan hệ với người Mỹ sẽ ảnh hưởng tới con đường công danh sự nghiệp của bố cô nên ra sức cấm đoán, thậm chí khi biết con gái mình có thai, mẹ cô đã tìm mọi cách phá bỏ cái bào thai như phá bỏ kết quả tình yêu giữa hai dòng máu và phá bỏ vật cản trên con đường thăng tiến của bố cô. Tất cả việc làm ấy chỉ vì bố cô là Phó chủ tịch tỉnh và sắp được đề bạt lên Chủ tịch. Bi kịch lên tới đỉnh điểm khi cô quyết định

"…bố chưa về hưu, con hứa sẽ không có tờ giấy kết hôn nào hết, sẽ chẳng có đứa cháu ngoại nào của ông bà có mặt trên đời!" [8, 296] để được sống với người mình yêu. Cô đã gào lên trong tuyệt vọng "Mẹ nỡ giết con của con, cháu của mẹ sao?" [8,248]

Nguyên nhân của sự cô đơn ấy bắt nguồn từ cuộc sống thời kinh tế thị trường với những cái mới từ bên ngoài vào. Thùy Dương nhận thấy "Bước ra từ một cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, dường như chúng ta rơi vào cái bẫy của chính mình mà không biết. Sự ngổn ngang rạn vỡ bày ra trên nhiều phương diện. Nỗi bất an thường trực trong cuộc sống và tính người đang đứng trước sự thách thức cũng như những cám dỗ chết người" [5]. Chị quan tâm tới số phận con người

trong thời kinh tế thị trường, đến tìnhyêu, hôn nhân khi bị chi phối bởi đồng tiền, tham vọng…và chị đã thể hiện chúng trong tiểu thuyết theo cách rất riêng mà chị cảm nhận.

Không thường trực như những người phụ nữ nhưng những người đàn ông dù mạnh mẽ đến mấy cũng có lúc cô đơn. Nhân vật bố Yên Thao trong Thức giấc

có nỗi cô đơn thật riêng của đàn ông. Ông muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp nhưng thực tế phũ phàng đã cản đường. Khi đứng trước sự lựa chọn lý tưởng và gia đình, anh đã chấp nhận sự sắp đặt của mẹ mình là sống gần gia đình nhưng không có được sự say mê trong nghề nghiệp. Bố của Yên Thao tuy không nói ra điều ấy nhưng nỗi cô đơn cứ âm ỉ diễn ra trong lòng. Những người đàn ông dù lựa chọn vì lý tưởng hay vì gia đình thì vẫn không tránh khỏi nỗi cô đơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 47 -52 )

×