0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Phối hợp linh hoạt nhiều điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 97 -100 )

6. Kết cấu luận văn

4.1.2. Phối hợp linh hoạt nhiều điểm nhìn trần thuật

Điểm nhìn (the point of view) được dùng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, có nghĩa là điểm hay chỗ đứng để xem xét, bình giá một sự vật, sự kiện, một hiện tượng tự nhiên hay xã hội. Cũng có lúc được mở rộng tương đương “với quan điểm” (quan điểm về thế giới, quan điểm về nhân sinh…) khá phổ biến trong triết học, chính trị và nghệ thuật như là thuật ngữ khoa học.

Trong nghiên cứu văn học, có nhiều định nghĩa khác nhau về điểm nhìn. Theo Từ điển văn học thế giới, điểm nhìn là: mối tương quan trong đó chỉ vị trí

đứng của người kể chuyện để kể câu chuyện. Nó có thể chi phối từ bên trong hoặc từ bên ngoài. Ở điểm nhìn bên trong, người kể chuyện là một trong các nhân vật; do đó câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất. Điểm nhìn bên ngoài được đem lại từ một ý nghĩ bên ngoài, của người không phải là một phần câu chuyện; trong trường hợp này câu chuyện thường được kể ở ngôi thứ ba. Will Greenway trong tiểu luận

Điểm nhìn, Phối cảnh và Thời gian (Viewpoint, Perspective and Time) phân xuất kĩ hơn: “Viewpoint hoặc point of view (điểm nhìn) là một kĩ thuật tự sự. Đó là vị trí mà người kể chuyện tồn tại trong phạm vi cơ cấu truyện kể. Các nhà viết truyện hư cấu cần biết rõ những cụm từ phổ biến liên qua tới điểm nhìn như: ngôi nhân xưng thứ nhất, ngôi nhân xưng thứ hai, và ngôi nhân xưng thứ ba”.

Điểm nhìn trong truyện kể dù được nghiên cứu theo nhiều cách khác nhau nhưng phần lớn được phân biệt thành điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài. Trong đó, điểm nhìn luôn mang ý nghĩa của sự lựa chọn và giới hạn thông tin trần thuật, của việc nhìn các sự kiện và cấu trúc của sự kiện từ điểm nhìn của một hoặc người nào đó và của việc tạo ra cái nhìn đồng cảm hoặc mỉa mai ở người quan sát.

Như một hệ quả tất yếu của lối trần thuật đa chủ thể - phối hợp nhiều người trần thuật trên một văn bản tự sự, việc tạo ra nhiều điểm nhìn trần thuật khác nhau (đặc biệt với sự xuất hiện đan bện, dày đặc của người kể chuyện ngôi thứ nhất) trong những tiểu thuyết của Thùy Dương là lẽ đương nhiên.

Trong Nhân gian, sự đan xen của ba người kể chuyện xưng tôi trong tác phẩm đã cho thấy ít nhất của ba điểm nhìn bên trong với ba mạch tự sự được đan dệt đều đặn từ đầu đến cuối tác phẩm – cứ lần lượt là người kể chuyện 1 (linh hồn Hoàng) - người kể chuyện 2 (nhân vật Thảo – chị dâu của Hoàng) – người kể chuyện 3 (nhân vật cô gái trẻ). Điều đặc biệt là, khi xem xét cách sắp xếp các điểm nhìn này, ít nhiều hé mở điều thú vị trong cách thức trần thuật của Nhân gian. Nếu cân đo đong đếm chính xác thì trong Nhân gian, tỉ lệ trần thuật giữa ba nhân vật là 1:1:1. Tuy nhiên, nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy - ở đó có 2 người kể chuyện

dương gian đan xen với một người kể chuyện cõi âm. Nghĩa là, tác giả đã có sự ưu tiên nhất định đối với những câu chuyện liên quan đến dương gian, trần thế. Người kể chuyện linh hồn nơi cõi âm là một sự bổ khuyết cho những tiếng nói còn thiếu nơi trần thế - những tiếng nói đã mất – hay nói đúng hơn, đó là những tiếng nói từ những miền tâm linh đầy bí ẩn mà bản thân chúng ta – những con người sống trên dương thế này không thể nghe được, không thể thấy, không thể hiểu, không thể lý giải nhưng cũng không thể phủ nhận. Nhân gian là vậy, là cõi dương, song đâu đó là một phần đời sống tâm linh với những câu chuyện về niềm tin, về linh hồn, về những người đã khuất… vẫn âm thầm tác động đến cuộc của chúng ta.

Trong Chân trần cũng vậy, cũng là sự tồn tại đan xen của những người kể chuyện từ cả cõi âm và cõi dương nên tiếng nói bên trong từ cả hai giới đều được thể hiện trong tác phẩm. Người kể là nữ nhà báo luôn đồng hiện với lời kể chuyện của bà ba vợ ông đốc tờ. Qua lời trần thuật của nhân vật nữ nhà báo, cứ mỗi khi chìm vào giấc ngủ - kể cả giấc ngủ dài ban đêm ở nhà mình hay những lúc chợp mắt giữa trưa nơi công sở, cô đều gặp người phụ nữ của những năm bốn mươi thế kỉ trước. Bởi vậy, mỗi khi nhân vật nữ chính chìm vào giấc ngủ thì lời trần thuật của bà vợ ông đốc tờ lại vang lên. Sự chuyển đổi liên tục ngôi kể và lời kể của hai nhân vật nữ trong Chân trần không chỉ nới rộng không gian giữa thực - ảo, giữa trần – âm, giữa hiện tại – quá khứ mà còn cho chúng ta thấy được góc nhìn bên trong với những quan điểm, cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau.

Bên cạnh sự độc đáo từ việc phối hợp điểm nhìn linh hoạt từ nhiều chủ thể trần thuật khác nhau, một điều đáng lưu ý là điểm nhìn trần thuật nữ giới trong tiểu thuyết của Thùy Dương. Nếu như trước đây, tiểu thuyết viết về người phụ nữ thường theo hướng phê phán hay ngợi ca từ cái nhìn đạo đức, chỉ sử dụng nhân vật nữ để chuyển tải một quan niệm, tư tưởng thì trong tác phẩm của Thùy Dương, điểm nhìn nữ giới giữ một vai trò rất quan trọng. Nó đánh dấu vị trí của nữ giới

từ chỗ là khách thể thẩm mĩ (đối tượng để chủ thể thẩm mĩ phê phán hay ca ngợi) đã trở thành chủ thể thẩm mỹ (chủ thể nhìn nhận, đánh giá, bộc lộ cảm xúc, bộc lộ cách nhìn, cách lý giải vấn đề...). Họ hiện lên như một thế giới riêng đầy bí ẩn và hấp dẫn cần được khám phá và lý giải. Khi điểm nhìn được đặt vào chính người trần thuật nữ giới với góc nhìn bên trong, người phụ nữ không còn là “người được quan sát” mà là “chủ thể trải nghiệm” để kể lại chính mình. Điều đó ghi dấu một ý thức sáng tạo rất mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật của Thùy Dương.

Thông qua điểm nhìn trần thuật bên trong – điểm nhìn nữ giới, Thùy Dương đem đến cho văn học những tiếng nói mới, trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Thống kê trong cả ba tiểu thuyết, ta thấy duy nhất có Nhân gian

là có điểm nhìn từ một nhân vật nam (là liệt sĩ Hoàng), còn lại toàn bộ là điểm nhìn bên trong của nữ giới: trong Thức giấc, điểm nhìn từ nhân vật Yên Thao – nữ doanh nhân tài ba, trong Nhân gian là từ Thảo – chị vợ của Hoàng và từ cô con gái ông phó chủ tịch tỉnh, trong Chân trần là từ nữ nhà báo, bà ba vợ ông đốc tờ và người đàn bà nông dân. Có lẽ cúng chính góc nhìn nữ giới này đã khiến cho tiểu thuyết của Thùy Dương, như lời nhận xét của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “tính nữ và tính mẫu thấm đượm bên trong” [7].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 97 -100 )

×