0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Phối hợp nhiềungười kể chuyện trên một văn bản trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 92 -97 )

6. Kết cấu luận văn

4.1.1. Phối hợp nhiềungười kể chuyện trên một văn bản trần thuật

Thay vì lựa chọn một người kể chuyện đứng ra đảm nhận vai trò “thuật truyện” như những mô hình tự sự kiểu truyền thống, Thùy Dương lại thử sức mìnhvới việc xây dựng song hành nhiều người kể chuyện với những cốt truyện “bổ thuật”, đan xen, tương hỗ cho nhau. Điều này khiến cho tiểu thuyết của Thùy Dương luôn tồn tại đan xen giữa những người kể chuyện khác nhau, nhờ đó, hiện thực đời sống được soi sáng từ nhiều phía hơn.

Muôn mặt nhân gian có bao giờ làm nên bởi một người. Đó có lẽ cũng là lí do vì sao trong Nhân gian, Thùy Dương lại chủ ý tạo lên nhiều tiếng nói trong tác phẩm. Điều ấy được thể hiện trước hết bởi sự dày công đan dệt những người kể

chuyện khác nhau cùng đảm nhận vai trò trần thuật. Đó là nơi hội tụ của những tiếng nói từ nơi “trần thế” (trong đó có tiếng nói vọng lại của những thế hệ đã từng sống và đang sống; tiếng nói của những người đã bước sang cái dốc bên kia của cuộc đời hòa lẫn tiếng nói của những thế hệ còn đang ở bên này sườn dốc; tiếng nói của những người đàn bà giữa thế giới của những người đàn ông…), và ở cả cõi xa xăm u tịch – cõi âm (tiếng nói của những hồn ma già, ma trẻ…). Dường như, muôn mặt nhân gian được hiện lên thông qua “lời kể” đan xen của những người trần thuật khác nhau trong tác phẩm. Mặc dù tồn tại nhiều người trần thuật khác nhau trên một văn bản trần thuật nhưng về cơ bản, vai trò trần thuật chính trong Nhân gian được trao cho linh hồn liệt sĩ Hoàng; Thảo – chị dâu liệt sĩ Hoàng - người có khả năng “ngoại cảm” và cô gái trẻ.

Trước hết là người kể chuyện đã mất - linh hồn liệt sĩ Hoàng. Có lẽ với bạn đọc trẻ hiện nay, chiến tranh đã có một độ lùi khá xa đủ để các bạn trẻ khó có thể hình dung ra được một thời kỳ lịch sử bom đạn ác liệt đến như thế nào. Và cũng chính bởi độ lùi ấy mà những con người ngay từ trong “trứng nước” đã được thụ hưởng nền hòa bình này khó có thể hiểu được tâm tư của những thế hệ đi trước. Bởi vì thế, để mang lại tính khách quan cho tác phẩm cũng như tăng thêm tính thuyết phục cho câu chuyện được kể, Thùy Dương đã trao vai trò trần thuật ấy cho Hoàng – một chiến sĩ cách mạng đã hy sinh nơi chiến trường. Những câu chuyện đời lính, sự ác liệt của chiến trận, những câu chuyện buồn vui đời trai trẻ, cả những luyến tiếc, những day dứt, những bồn chồn khắc khoải khi dõi theo hành trình người thân trên dương gian đang đi tìm mình... đều được hiện lên khá chân thực qua lời kể của Hoàng. Cái chết là thứ duy nhất mà người sống không thể trải nghiệm. Bởi thế, để một người lính kể về đời lính, một người tham gia chiến trận kể về chiến tranh bom bạn, một người đã chết kể những câu chuyện thường ngày của những linh hồn… sẽ là một sự lựa chọn khôn ngoan nhưng cũng đầy thách thức của Thùy Dương.

Người kể chuyện thứ hai trong Nhân gian là Thảo - vợ của Hải - chị dâu của liệt sĩ Hoàng. Hoàng và Hải vốn là hai anh em sinh đôi nên giống nhau như hai giọt nước. Giống nhau đến mức Thảo đã vô cùng sững sờ khi nhìn thấy bức ảnh của Hoàng trên ban thờ trong lần đầu tiên về nhà Hải. Kể từ đó, giữa Thảo và Hoàng không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa chị dâu với em chồng mà hơn thế - Thảo luôn thấy bóng dáng Hoàng ở trong Hải, đặc biệt là khi Thảo biết mình có khả năng “ngoại cảm”, thông linh được với Hoàng. Bởi vậy, đây cũng chính là giọng kể chính, liên kết những phần rời rạc tưởng như rời rạc của truyện kể trong một mạch nối thống nhất.

Người kể chuyện thứ ba trong Nhân gian là một cô gái trẻ - người không mang một chút hồi ức nào về chiến tranh và bom đạn nhưng cô lại đại diện cho một thế hệ trẻ với những cơ hội mới và cả những cuộc đụng độ thế hệ xoay quanh những hệ giá trị, chuẩn mực của cuộc sống hiện đại. Đó cũng là một thế hệ trẻ đang đứng trước những lựa chọn mà không phải lựa chọn nào cũng đều dễ dàng. Sự song hành của ba người kể chuyện trong tiểu thuyết khiến cho Nhân gian hiện ra như một “mạng lưới” của những mối quan hệ liên kết rất phức tạp giữa con người với con người, con người với những linh hồn, nam với nữ, trẻ với già, chiến tranh và những vấn đề hậu chiến… Ở đó, tác giả Thùy Dương dường như không có ý định gỡ rối, giải quyết tỏ tường mối quan hệ giữa các nhân vật mà thực chất nhà văn muốn người đọc qua đó thấy được sự phong phú, phức tạp với muôn mặt, muôn mảnh đời, muôn cảnh ngộ của dương gian này.

Không chỉ Nhân gian, hình thức kể chuyện này chúng ta cũng bắt gặp ở

Chân trần. Tiến trình tự sự của tiểu thuyết được thực hiện nhờ vai trò trần thuật của nhiều nhân vật được gối tiếp, đan xen liên tục, tạo cho tiểu thuyết có không chỉ mang bóng dáng của những cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng dòng tộc kinh điển mà còn là cuốn tiểu thuyết tự sự về những vấn đề hiện tại của cõi nhân sinh. Người kể đầu tiên là bà vợ ba ông đốc tờ đa thê giầu có. Nó cho thấy cuộc sống

gia đình vừa phức tạp vừa hài hước của ông đốc tờ trong mối quan hệ với năm bà vợ. Trải qua dâu bể, còn lại mỗi người vợ ba quán xuyến tất cả, như nơi neo giữ linh hồn của cả gia đình. Nhưng rồi, “người sót lại” ấy sống tới hiện tại cũng chỉ như là một cái cớ - một “chứng nhân” để chứng kiến sự trần trụi của quan hệ họ mạc thời nay đang bị chi phối bởi sức mạnh vạn năng của đồng tiền. Thằng cháu họ mà bà yêu quý lại chính là người giết bà để cướp các linh vật truyền đời của dòng họ. Song song đó là lời trần thuật vừa tỉnh táo, vừa sắc sảo khách quan của một nữ nhà báo về cuộc sống của giới viên chức văn phòng – không mang dáng dấp của những tự sự dòng tộc gia thế nữa nhưng cũng không kém phần phức tạp với những mối quan hệ lợi ích đan xen. Thứ ba là một người đàn bà nông dân “gốc tích” gia đình ông đốc tờ - một đứa con lưu lạc sau biến cố cách mạng tháng Tám, bỏ lại sau lưng danh tiếng dòng họ một thời để hàng ngày vật lộn với cảnh lao động mưu sinh chật vật của những con người nghèo đói trong xã hội hiện đại.

Như vậy, rõ ràng trong tiểu thuyết của Thùy Dương chúng ta đều thấy có sự phối hợp của nhiều người kể chuyện trên cùng một văn bản trần thuật. Điều ấy khiến cho những câu chuyện được kể (phần lớn là những câu chuyện về nhân gian, nhân sinh, những kiếp người, những thế hệ… tưởng chừng tách biệt nhưng lại được chồng xếp, đan bện vào nhau trong những mạch nối đầy chủ ý. Đó là những “mảnh ghép” giữa nhân gian đầy phức tạp với những câu chuyện thời chiến cũng như thời bình, người sống cũng như người chết, đều đầy rẫy những phức tạp, bộn bề. Nó có vui, có buồn, có hạnh phúc, có đau khổ, có mất mát, có hy sinh, có cả những cơ hội, lựa chọn, thành công và thất bại… Thiết nghĩ, thực sự đó mới mà “muôn hình vạn trạng” của hiện thực cuộc sống chúng ta.

Mặc dù có sự tồn tại đan xen của nhiều người trần thuật nhưng điểm chung trong hầu hết các tiểu thuyết của Thùy Dương đó là người trần thuật nữ giới. Bởi vậy, những vấn đề dù từ vĩ mô đến “bé mọn”, hệ trọng hay nhỏ bé… đều được nhìn qua lăng kính người kể chuyện nữ giới. Điều đó đã thể hiện ý thức cao độ

trong sáng tạo nghệ thuật của một nhà văn nữ. Thùy Dương không che dấu điều đó khi để cho nhân vật nữ xưng tôi luôn là nhân vật chính trong tiểu thuyết của mình. Từ góc nhìn nữ giới, những câu chuyện được kể lại vì thế mà luôn thấm đượm “tính nữ”, “tính mẫu”.

Không chỉ là người trần thuật nữ giới, điểm chung giữa những tiểu thuyết của Thùy Dương còn ở chỗ đều được trần thuật từ ngôi thứ nhất (cái tôi khi là chứng nhân, khi là trải nghiệm). Bởi vậy, cái tôi nữ giới đảm nhận vai trò người trần thuật chính có cơ hội được tự do phơi bày thế giới bên trong đầy phức tạp của mình. Nhân vật nữ xưng tôi được tự kể chuyện mình, bộc bạch những nỗi niềm tâm sự, suy tư của mình. Lối trần thuật này thể hiện cho một xu hướng trần thuật theo kiểu trải nghiệm cá nhân của bản thân, tạo sự gần gũi, đáng tin cậy cho câu chuyện được kể. Người kể chuyện lúc này xoá đi khoảng cách trần thuật của mình để có thể đối thoại, giao tiếp cùng với độc giả. Cùng với lối trần thuật để nhân vật tự kể về cuộc đời mình, tự bộc bạch nỗi lòng của mình, sự xuất hiện khá phổ biến của ngôn ngữ độc thoại, ngôn ngữ tự bạch đã khiến cho tiểu thuyết của Thùy Dương càng hướng sâu hơn vào đời tư, nói cách khác, đó là lối trần thuật bám sát hiện thực đời sống từ óc nhìn đời tư. Đó có thể là lời của một nữ doanh nhân nhìn nhận về sự nghiệp và cuộc sống tình cảm cá nhân một cách bản năng và nhạy bén trong Thức giấc. Đó cũng có thể là lời của nhiều thế hệ về những chuyện khác nhau của Nhân gian

Đặc biệt, lối trần thuật ngôi thứ nhất rất hiệu quả trong việc tạo sự khách quan, đáng tin cậy cho câu chuyện được kể. Trong Chân trần, ta có thể thấy rất rõ điều đó. Nữ nhà báo và bà ba vợ ông đốc tờ đều xưng tôi, đều kể chuyện riêng của mìh, kèm theo đó là đánh giá về gia đình, thời cuộc. Những đánh giá này chỉ người trong cuộc mới hiểu. Ví dụ bà ba đã từng nghĩ: tung hê hết cái kiếp lấy chồng chung sau khi chứng kiến bà tư và ba năm đánh nhau tới chết để giành quyền ngủ với ông đốc tờ. Còn nữ nhà báo là kẻ trong cuộc mới biết sự thật đằng

sau những bài báo nhảm nhí, những tô vẽ quá đà, nhưng lại không sao vì chả ai thèm đọc, đến ngay nhân vật chính được tô vẽ cũng không thèm đọc vì chả nhận ra được mình trong đó. Thật là chuyện bi hài! Còn trong Thức giấc, người kể chuyện ngôi thứ nhất –Yên Thao – một nữ doanh nhân mạnh mẽ. Cô là chứng nhân của tất cả sự chuyển xoay xã hội từ quan liêu bao cấp sang hiện đại, chứng kiến nhiều thân phận và biến cố trong và ngoài gia đình. Từ đó, nhân vật không khỏi nhiều lúc thương thân, thương phận, thương người bà một mình lầm lũi bước qua những nỗi đau để rồi tự thức tỉnh, tìm ra cách ứng xử phù hợp hơn.

Như vậy, người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng tôi trong tác phẩm đã phát huy tác dụng tối đa trong tái hiện hiện thực cuộc sống từ góc nhìn đời tư. Đặc biệt, với sự đan dệt, song hành của nhiều người kể chuyện xưng tôi trong tác phẩm, tiểu thuyết của Thùy Dương đã làm “nhân gian” hiện lên sống động hơn qua những cảnh đời, lối sống, số phận riêng của các nhân vật. Ở đó, ai cũng có một nhân gian riêng và hòa vào nhân gian chung bằng cái tôi. Nhân gian trở thành nơi hội tụ, hòa trộn của nhiều cái tôi giữa đời thường. Có thể những cái tôi ấy có mối liên hệ (tình cảm, máu mủ, quen biết,…) hoặc có thể chẳng có quan hệ gì. Ở trong các tiểu thuyết hiện đại của các nhà văn khác, thường người kể có thể khác nhau song phải có mối liên hệ, còn ở Nhân gian, Thùy Dương chẳng cần điều đó, bởi logic chị xây dựng lên là sự đa dạng, phức tạp của cuộc sống, của thân phận.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 92 -97 )

×