0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Kết cấu bổ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 75 -77 )

6. Kết cấu luận văn

3.1.3. Kết cấu bổ thuật

Bổ thuật là hình thức bổ sung thêm câu chuyện khác để làm rõ câu chuyện đang kể. Nó có thể theo dạng thức gối sóng: truyện gọi truyện là từ một câu truyện cốt lõi ban đầu, người kể bổ sung thêm các truyện khác làm rõ cái cốt ấy. Những truyện khác xuất hiện một cách tự nhiên theo dòng mở của cuộc đời nhân vật. Hình thức tiếp là bổ thuật theo dạng thức độc lập: tiểu truyện trong đại truyện là từ một truyện lớn ta chứng kiến thêm nhiều câu truyện nhỏ. Đây là cách mà tác giả chia nhỏ và phân mảnh hiện thực để lần hồi khám phá, phản ánh những góc khuất.

Trong các tiểu thuyết của mình, Thùy Dương sử dụng chủ yếu kết cấu gối sóng. Chị đã khá thành công khi sử dụng kỹ thuật viết phức hợp này trong tiểu thuyết Thức giấc. Qua dòng kể của nhân vật chính Yên Thao, ta được biết thêm về cuộc đời mẹ chồng Yên Thao hay mẹ anh Cả. Mẹ chồng Yên Thao hiện lên với một gia đình thành đạt: chồng là nhà nghiên cứu, con trai làm kiến trúc sư có ông ti riêng, con dâu cũng giỏi làm ăn. Bà cũng rất hiểu chuyện và quan tâm tới người khác. Nhưng bà lại lùi lũi, cô đơn khi ai cũng có việc của mình, thích sống độc lập, bỏ mặc bà một mình. Còn mẹ anh Cả lại có cả một thiên tình sử trong nước mắt. Bà ở vậy nuôi con một mình và kiên quyết chờ đợi người đàn ông mình yêu, chỉ để chờ một ông già về nói mấy câu thông cảm. Tình yêu của bà thật dai dẳng, lạ lùng, kiêu hãnh, đầy sự chịu đựng, can trường mà không phải ai cũng có được. Khi Yên Thao nghe câu chuyện của bà, cô đã khóc rất nhiều. Rõ ràng, kết cấu bổ thuật đã giúp người đọc hiểu thêm về số phận nhiều phụ nữ khác, từ đó tạo nên cái nhìn khái quát về giới nữ trong tác phẩm.

Bên cạnh tiểu thuyết Thức giấc, một lần nữa chúng ta thấy sự xuất hiện của hình thức kết cấu này trong Nhân gian. Ở tiểu thuyết này, qua truyện về Thảo, ta thấy thêm truyện về Kì Thanh – người hàng xóm với Thảo hay qua truyện của cô gái con ông phó chủ tịch tỉnh ta thấy thêm truyện về Mai Vĩ – bạn thân của cô. Kì Thanh trong Nhân gian từng có một gia đình hạnh phúc với chồng song vì chồng cô là một tên đểu giả, bất nghĩa nên cô đã chia tay chồng trong căm hận. Cô sống một mình, chỉ có con chó là bầu bạn. Khi con chó mất, cả thế giới với cô sụp đổ, đau khổ. Với cô, trong hoàn cảnh vô vàn những nỗi đau về hạnh phúc tan vỡ cùng những nỗi cô đơn, uất hận đến tột cùng, con chó là người bầu bạn duy nhất. Khi có điều kiện cô đã trả thù chồng cùng đứa bạn giật chồng mình bằng chính chiêu ngày xưa bạn cô đã làm với cô. Cô thuê Hạnh - một đứa cave để quyến rũ chồng, lột mặt nạ trai gái đĩ bợm của chồng, làm cho cả chồng và bạn cô phải ê chề, hối hận. Đằng sau vẻ phớt đời của Kỳ Thanh là một bi kịch. Tuy vậy, cuối cùng lòng trắc ẩn của cô vẫn làm cô thấy thương người chồng, thương những người không

biết giữ hạnh phúc của mình mà chịu cả cuộc đời cô đơn. Việc bổ sung thêm câu truyện về Kỳ Thanh tạo cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Chính cái đó mới thực sự là một nhân gian – nơi tập hợp nhiều số phận con người khác nhau.

Kết cấu bổ thuật rõ ràng phù hợp với một tiểu thuyết dài hơi và có mảng đề tài nhân sinh rộng. Muốn tái hiện hết cuộc sống, đương nhiên tác giả phải đưa vào đó nhiều số phận, cuộc đời. Một trong những đặc trưng quan trọng của tiểu thuyết là phản ánh hiện thực trên cả bề rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, trong xu thế hiện đại, hình thức tiểu thuyết ngắn (thu hẹp thân xác bề thế trong một dung lượng văn bản ngắn gọn, số trang hạn chế nhưng vẫn phải thể hiện được ưu thế của tiểu thuyết trong việc phản ánh hiện thực) thì việc lồng ghép truyện trong truyện, truyện làm rõ truyện là một trong những xu thế đổi mới của tiểu thuyết để tiểu thuyết không chỉ đáp ứng với nhu cầu của thời đại mà còn thể hiện được sức mạnh to lớn của thể loại trong tham vọng khám phá hiện thực đời sống. Dù những câu truyện bổ thuật chỉ thoáng qua nhưng nó vẫn để lại dư âm. Từ đó, tác giả dẫn dắt tới sự đánh giá về cuộc sống vững chắc hơn. Trong Thức giấc, thông qua truyện của các nhân vật phụ, Thùy Dương đã làm bật lên được bi kịch của người phụ nữ, đồng thời ca ngợi họ với những nét đẹp truyền thống và hiện đại. Họ không chỉ ý thức được trách nhiệm, bổn phận của giới mình mà còn ý thức được giá trị, vị trí, vai trò, sự quan trọng của mình đối với gia đình, xã hội và luôn đứng lên làm chủ bản thân trong những nghịch cảnh trớ trêu của cuộc sống. thông qua những hình tượng nhân vật nữ giới ấy, âm hưởng nữ quyền đã phần nào được toát ra từ những chân dung nữ giới. Để từ đó, phái nữ thành chân dung chính góp phần quan trọng vào việc thay đổi cái nhìn về cuộc đời xưa cũ. Ở một khía cạnh khác, với Nhân gian, việc bổ thuật truyện trong truyện lại làm ta thấy rõ cuộc sống đa chiều, muôn mặt về giới nữ. Ở đó, cách ứng xử của họ có nét khác nhau nhưng vẫn thấm đẫm khát vọng được yêu, được sống nhân văn hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 75 -77 )

×