0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Không gian xã hội xưa cũ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 78 -80 )

6. Kết cấu luận văn

3.2.1. Không gian xã hội xưa cũ

Đến với văn của Thùy Dương, trước hết ta sẽ bắt gặp ở đó một không gian xã hội xưa cũ được hiện lên qua những kí ức chắp nối của các nhân vật. Đó là không gian những ngày trước cách mạng tháng Tám hay không gian xã hội Việt Nam thời bao cấp. Những không gian ấy phần lớn được hiện ra qua những làng quê nghèo, gắn liền với nỗi buồn và nước mắt của số phận các nhân vật chính mà trong suốt cuộc đời sau này của họ, dù có trải nghiệm ở những không gian sống khác nó vẫn là những ám ảnh mãi không thôi.

Trong Thức giấc, Thùy Dương miêu tả lại khung cảnh làng quê nghèo nàn nơi cô sinh ra vào những năm tháng thời bao cấp. Dù quê hương vô cùng thân thuộc song nó vẫn thấm đẫm cái xót xa bởi cảnh nghèo: “Người ta gọi là phố song suốt từ chợ đến nhà tôi rồi ra đến bờ đê và cánh đồng làng Gòi đã không còn đường nhựa. Đường đất trộn đá sỏi. Nắng to hay mưa rào thì chẳng vấn đề gì. Nhưng mùa mưa phùn thì lầy và bẩn phải biết. Hai bên đường cũng chưa làm hè…Ngói cũ, tường vôi vàng xỉn, cánh cổng gỗ xệ xuống mở bên hông nhà kêu khọt khà khọt khẹt”[7, 7]. Không gian tù túng, nghèo nàn, lầy lội gắn liền với cuộc sống nghèo nàn của những con người cam chịu, ít dám thay đổi điều gì. Nghèo vậy bởi con người có dám làm gì để thay đổi xã hội đâu. Hình ảnh trên là điển hình của xã hội Việt Nam trong thời bao cấp – một xã hội bị ngủ quên, một hình

ảnh mà ta cần thay đổi, cần đánh thức. Tác giả đã cố ý miêu tả không gian ấy như một phông nền, một không gian sống góp phần tô đậm cho những thân phân con người vừa nghèo nàn, cam chịu vừa đau khổ, bất hạnh và ở đâu đó, nó thôi thúc con người từ những cam chịu cần phải vùng lên để thay đổi cuộc sống. . Không gian ngôi làng nghèo ấy còn được tô điểm thêm bởi âm thanh vọng lại của những cái đài chuyên hô hào kêu gọi những điều đã trở thành khuôn mẫu. Hàng đêm, nó phát những câu chuyện được sáng tác theo tinh thần xã hội chủ nghĩa – những câu chuyện lặp đi lặp lại sáo mòn khiến cho người nghe đã ít nhiều cảm thấy chán chường nhưng nó vẫn cứ dội vào tâm trí khiến cho người nghe nhiều khi mất ngủ. Nào thì có bên tiến bộ bên lạc hậu. Bên tiến bộ là giai cấp công nông, bên lạc hậu chắc chắn là tư sản. Và chắc chắn bên tiến bộ phải chiến thắng toàn phần. Rồi hàng sáng, khi mọi người đang ngái ngủ nó đã ầm ầm kêu gọi mọi người dậy tập thể dục với lời hô nhức cả đầu. Cái đài phát thanh làng ấy chẳng bao giờ mảy may quan tâm tới đời sống cá nhân của nhân dân trong làng. Chính trong không gian ấy là nơi nảy sinh nỗi buồn trong lòng Yên Thao: “Cây sòi im phắc như chiều qua. Cánh đồng lúa rì rào dưới chân. Chợt thấy chạnh lòng. Làm cây cao đơn độc buồn bã quá. Bạt ngàn cỏ, bạt ngàn lúa chắc ít biết buồn”[7, 76].

Nếu trong Thức giấc là không gian cầm tù thôi thúc nữ nhân vật chính vượt lên trên những số phận cam chịu khác để tìm một hướng đi mới đổi thay cuộc đời và số phận mình thì trong Chân trần, ta gặp một không gian gắn liền với nạn đói năm 1945 qua lời kể của bà vợ ba ông đốc tờ. Không gian đầy ám ảnh ấy mở đầu bằng khung cảnh một người chết trên phố. Một người đàn ông da bọc xương co quắp trên phố, đôi mắt ngưng đọng nỗi đau đớn không thể khép nổi. Lúc bấy giờ dân tình còn bâu xúm lại xem và đồn đoán đủ thứ - người bảo bị cướp, người bảo bị bệnh. Nhưng không lâu sau đó, khi nạn đói lan tới tận Hà Nội, người chết khắp nơi, cái chết đã trở thành một lẽ thường nhật đến mức không ai còn quan tâm nữa thì họ mới thực sự thấm thía đó là chết đói. Không gian ấy được tái hiện lại trong những nỗi ám ảnhthật khủng khiếp: “Người sắp chết ở đâu đó về đầy đường đầy

phố. Những bộ xương người xiêu vẹo toàn mắt là mắt và cái hốc miệng rộng ngoác. Sáng sáng xe cẩm phải nhặt hàng đống xác mang ra bãi tha ma. Đổ ập xuống. Phủ vôi bột. Lấp đất lên thành đống. Có lần họ còn nhặt cả những người hấp hối. Vôi bột đổ xuống rồi mà còn cánh tay còn quờ quạng cố bám víu vào không trung. Không gian tràn ngập mùi tử khí. Chim lợn kêu eng éc từ phía Bắc sang Nam, từ phía Đông sang Tây”[9, 85]. Gia đình ông đốc tờ đã làm phúc mở kho thóc cứu đói nhưng chỉ như muối bỏ bể. Người chết vẫn đầy đường. Người ăn xin vẫn kéo nhau đầy cổng nhà ông đốc tờ. Những cánh tay thi nhau đập cổng nhưng còn sức đâu mà đập, chỉ còn những tiếng rên rỉ khổ sở. Tả lại cảnh chết đói một cách chân thực này, Thùy Dương là gợi lại một trang lịch sử đau thương song không thể không nhắc tới trong lịch sử nước nhà. Đó cũng chính là nơi khỏi đầu dẫn tới bi kịch của gia đình ông đốc tờ. Loạn lạc xảy ra, ông đốc tờ trúng đạn chết, gia đình li tán, người thì tự tử, người thì bán con ở đợ. Hiện thực của đất nước hiện lên qua hiện thực một gia đình. Dù lịch sử có ca ngợi cuộc cách mạng tháng Tám như một dấu mốc chói lọi trong lịch sử, đưa đất nước bước sang một trang sử mới thì dưới ngòi bút của Thùy Dương, bằng lòng trắc ẩn của người phụ nữ hiện đại nhưng vẫn luôn nặng lòng với những kí ức đau thương của dân tộc thì những năm tháng ấy vẫn luôn gắn liền với những mất mát, đau thương, gắn liền với những ám ảnh day dứt không thể nào quên trong kí ức của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 78 -80 )

×