0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Kết cấu phân mảnh dán ghép

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 70 -75 )

6. Kết cấu luận văn

3.1.2. Kết cấu phân mảnh dán ghép

Phân mảnh – dán ghép là việc phân nhỏ và dán đè thông tin, sự kiện, không gian, thời gian, tâm trạng,…lên nhau. Thường theo cách kể truyền thống, sự kiện là một khối và được kể tịnh tiến theo thời gian, không gian và theo một nhân vật nhưng trong các tiểu thuyết hiện đại, sự kiện bị chia nhỏ ra và không xuất hiện liền mạch với nhau. Nó không đi theo trình tự thời gian tuyến tính mà quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, dán ghép lên nhau hoặc trong chuỗi sự kiện này ta lại thấy thêm các sự kiện khác chen ngang. Không gian và nhân vật kể cũng thay đổi liên tục, xen kẽ nhau. Không gian – thời gian không tĩnh tại mà xuất hiện nhiều

nơi, nhiều thời điểm ngay trong một sự kiện, một trường đoạn. Về thời gian, nó không đi theo trình tự thời gian tuyến tính, quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, dán ghép lên nhau. Về không gian, các địa điểm diễn ra sự kiện biến hóa linh hoạt, đang ở không gian này ta lại thấy thêm các không gian khác chen ngang. Dù logic thời gian, sự kiện không đảm bảo song khi đọc truyện, người xem vẫn hiểu được nội dung. Về tâm trạng, kết cấu này chia cắt cùng một tâm trạng ra nhiều sự kiện, nhiều nơi, nhiều thời điểm hoặc để xuất hiện nhiều tâm trạng ngay trong một sự kiện, một trường đoạn. Các tâm trạng này có thể của một hoặc nhiều người nhưng bao giờ nó cũng đan chồng lên nhau tạo thành một trường cảm xúc đa chiều.

Trong tiểu thuyết Chân trần, ta thấy rõ điều đó. Đầu tiên, Thùy Dương đã dán ghép sự kiện về nữ nhà báo với sự kiện về người vợ ba của một ông đốc tờ và sự kiện về người đàn bà nông dân. Cùng với người đàn bà của thời hiện đại, trong công việc hiện đại là làm báo còn có một người đàn bà khác. Đó là vợ ba của một ông đốc tờ Tây học những năm bốn mươi và người đàn bà nông dân ở vùng quê xa. Ba người có một mối dây liên hệ máu mủ rất xa xôi nhưng gần cận về đường dây tâm linh. Nhà báo nữ hay mơ những giấc mơ về những người kia, hay đúng hơn là tái hiện lại trong tiềm thức cả một chiều dài lịch sử thăng trầm của dòng họ. Qua đó ta thấy chuyện ân oán đời xưa, chuyện thời thế can qua, chuyện cải tạo tư sản, chuyện thời bao cấp ly loạn. Rồi hiện tại là chuyện con người nháo nhào tranh đoạt cái lợi thời nay bằng mọi giá, từ đấu đá cơ quan, chạy chức quyền đến những dục vọng trồi lên không chút ngượng ngập.

Thứ hai, Thùy Dương biết phân nhỏ các sự kiện và để một khoảng nghỉ hợp lí. Việc chia từng phần nhỏ trong cuốn tiểu thuyết, mỗi phần lại có những đề từ được dẫn từ kinh Phúc âm, F.Nietzsche, Kant, Milan Kundera hay Olga Bergoltz khiến cho độc giả dễ tiếp nhận và đây như là khoảng lặng của tâm hồn trong một cuốn tiểu thuyết dài hơi. Đôi khi người đọc rơi vào trầm tư bởi gặp ý của kinh Veda được gắn vào để chuyển tải một thông điệp ngầm ẩn trong tiểu thuyết: “Ta và

người tuy bên ngoài khác biệt nhưng bên trong lại như nhau, bởi tất cả đều cùng một gốc mà ra” [9, 27]. Tiếp đó, các chi tiết, hình ảnh bên ngoài cũng được dán ghép vào tiểu thuyết tạo nên một kết cấu dầy đặc sự kiện. Dường như trong lối viết của Thùy Dương, đặc biệt là các tiểu thuyết gần đây, ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nghề báo của chị: nhiều sự kiện, tràn thông tin. Ví dụ như trong tiểu thuyết

Chân trần, Thùy Dương cũng đã trích một đoạn văn khá dài gần hai trang về sex trong cuốn 50 sắc thái – một cuốn truyện viết về tình dục của nước ngoài: “A. Tôi rên lên. Anh quỳ gối trước mặt tôi, miệng anh đang thưởng thức cơ thể tôi, điều đó quá khó tưởng tượng nổi và quá nóng bỏng. Hai tay tôi luồn trong tóc anh, chà xát dụ dàng, tôi cố kìm chế hơi thở dường như quá rồn của mình. Anh ngước nhì tôi qua hàng mi dài quá đỗi, đôi mắt ngời lên màu xám khói. Tay anh mở nút quần jean của tôi rồi thích thú tuột dây kéo. Mắt anh vẫn không dời khỏi mắt tôi, tay anh lần theo lưng quần, thăm dò tôi rồi tiến sâu xuống mông. Tay anh trường nhẹ xuống phía sau đùi tôi, kéo chiếc quần jean tụt dần xuống. Tôi không thể ngừng bị mắt anh lôi cuốn. Anh dừng lại, liếm môi, mắt vẫn không dời mắt tôi. Anh ngả về phía trước, dịu mũi vào giữa hai đùi… ” [9, 267].

Sự đan xen như trên đã góp phần làm rõ thêm điều nhân vật nữ nhà báo đang đọc, đang nghĩ. Nó kéo độc giả vào cùng đọc, cùng cảm, cùng nghĩ với nhân vật. Và rồi cảm nhận của nhân vật thành cảm nhận của người đọc tự lúc nào. Điều đó khiến cho những trang văn của Thùy Dương trở nên “đời” hơn, chân thực hơn, hấp dẫn hơn. Đâu đó trong tiểu thuyết, thi thoảng Thùy Dương lại đan xen vào giữa mạch tự sự của cốt truyện một câu chuyện cười, một vài đoạn tán gẫu của cánh nhà báo làm cho cuốn tiểu thuyết thêm sinh động hơn: “Trong khu rừng kia có con khỉ vô cùng dâm đãng. Cả bầy khỉ khỉ cái, cả những con khác trong rừng đều bị nó xơi tái nhiều lần. Một hôm nó lên cơn mà không hiểu các con cái trong rừng trốn đâu sạch. Nó sục sạo khắp nơi, chỉ thấy một con cọp đang uống nước. Bí quá, nó đành chơi chiến thuật du kích, hiếp luôn con cọp và biến rất nhanh.

Cọp lồng lộn đi tìm. Tới bìa rừng, gặp con khỉ đang giương mục kỉnh đọc báo (chính là con khỉ láu cá kia), cọp hỏi:

- Mày có thấy con khỉ dâm đãng đâu không?

- Có phải con khỉ vừa mới chơi con cọp không?

Nó hỏi như là phản ứng tức thời nhưng con cọp nghe thấy vôi cúp đuôi chạy mất, mặt đỏ bừng tức tối.

- Tiên sư cái bọn làm báo. Vừa đây mà đã lên báo rồi!

Câu chuyện làm cả đám nhà báo cười ngặt nghẽo. Nó vừa tạo sự sinh động vừa là chi tiết chêm xen để mở rộng thêm cách nhìn về giới nhà báo – những con người hài hước, tự mỉa mai chính mình sau những lúc mệt nhoài với công việc.

Thùy Dương cũng khá thành công khi sử dụng hình thức kết cấu phân mảnh – dán ghép trong tiểu thuyết Nhân gian. Tiểu thuyết là sự phân mảnh và ghép nối cuộc đời ba nhân vật: linh hồn liệt sĩ Hoàng, cô gái trẻ con ông phó chủ tịch tỉnh và Thảo – chị dâu của Hoàng. Ba người đều đóng vai tôi, tự kể về cuộc đời mình. Để lời kể rõ ràng, Thùy Dương đã tách lời kể của từng nhân vật thành một trích đoạn riêng. Cùng một thời gian, câu chuyện đan cài ba thước phim về cuộc đời ba nhân vật đi song song với nhau.

Câu chuyện bắt đầu với lời kể của liệt sĩ Hoàng về khung cảnh sống trong rừng vào những ngày tháng 4. Lúc ấy anh và các đồng đội chỉ còn là những linh hồn lẩn quất trong rừng. Tiếp đoạn sau, câu chuyện thay đổi ngay với cảnh Thảo – chị dâu Hoàng đang ngần ngừ mua hoa ở chợ, đi ra đi vào để cuối cùng bó hoa bị bán mất, cùng đó là những suy nghĩ của cô về người chồng, về cuộc sống gia đình mình. Ngay sau đó, chuyện lại đổi hướng sang cuộc sống của con gái ông phó chủ tịch tỉnh trong cuộc sống hối hả, hiện đại. Từ đó, câu chuyện lăn bánh trong sự đồng hành lời kể của cả ba. Cách tổ chức sắp xếp ấy giúp, ta thêm hiểu về sự hi sinh, cuộc sống sau khi chết và những nỗi day dứt với trần thế của Hoàng ;

hiểu về Thảo trong cái nhìn về cuộc sống xã hội và gia đình và đặc biệt là chứng kiến bi kịch tình yêu của cô gái trẻ con ông phó chủ tịch.

Bên cạnh phân mảnh – dán ghép sự kiện, tâm trạng, không gian cũng được tác giả phân mảnh – dán ghép theo. Đó là tâm trạng miên man, đầy thương nhớ của nhân vật Hoàng đan xen với cảm hứng nhân văn của nhân vật Thảo và âm hưởng tươi vui tha thiết nhưng cũng đầy đau khổ của cô gái trẻ lúc lại thực tế song đầy nhân văn với Thảo. Lúc nói về Hoàng là không gian tâm linh của cõi âm với đầy rẫy những hình ảnh âm hồn, là không gian chiến trường nơi Hoàng hi sinh nhưng khi chuyển sang Thảo thì lại thành không gian gia đình thường nhật với vợ chồng con cái, khu phố, chợ búa. Và khi sang cô gái trẻ thì không gian gia đình lại thế chỗ cho không gian hiện đại của đô thị, sầm uất, nhộn nhịp với những shop hàng hiệu, nhà cao cửa đẹp, ôtôto sang trọng, môi trường làm việc hiện đại, tiện nghi,…Thoạt đầu, người đọc có thể có cảm giác những mảnh chuyện này không liên quan gì tới nhau- dường như mỗi người một thế giới, chẳng ai liên quan tới ai. Nhưng đọc kĩ lại, dành thêm thời gian để cùng suy ngẫm, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng – đó mới thực là nhân gian.. Nhân gian là tổng hợp của nhiều cuộc đời, nhiều số phậnvà mỗi con người sẽ đều có những trải nghiệm riêng, suy tư riêng. Điều đó làm nên cái phong phú của nhân gian. Tuy nhiên, từ trong muôn vàn sự phong phú, đa dạng và khác biệt ấy của nhân gian, có những giá trị mãi mãi bền vững – đó là tình thương yêu và lòng bác ái.Từ đó, tác giả thể hiện sự sẻ chia với mọi số phận, đúng như câu đề từ của tiểu thuyết: “Tất cả mọi vật chất gộp chung lại, cộng với tất cả tinh thần gộp chung lại, cộng với taatsr cả mọi sản phẩm của hai thứ đó gộp chugn lại, cũng không giá trị bằng một chút bác ái. Đó là trật tự khác hẳn, vô cùng cao cả hơn” (Pascal) [8, 5].

Với kết cấu này, thế giới hiện thực được tái hiện trong toàn bộ tính phức tạp, bề bộn của nó. Đó không chỉ là cái thế giới ngổn ngang bề bộn mà nó còn cho thấy một thế giới với đầy những xô nghịch, phi lý. Thế nên, kết cấu này được

Thùy Dương sử dụng khá phổ biến trong các tiểu thuyết của mình và ở một mức độ nhất định, nó đã giúp người đọc có cái nhìn chân thực hơn về thế giới.

Trong hai tiểu thuyết Nhân gianChân trần, kết cấu dán ghép, chắp nối được sử dụng khá phổ biến đã góp phần giúp người đọc hình dung về cuộc sống đầy đủ hơn, dưới nhiều khía cạnh phong phú hơn, buộc độc giả phải tham gia truy vấn cùng tác giả. Khi đọc những dòng về từng nhân vật, ta hiểu thêm được tâm tư, hoàn cảnh cụ thể của nhiều nhân vật khác. Kết cấu phân mảnh - dán ghép còn phản ánh đúng diễn trình tâm lí nhân vật, góp phần khai thác tốt khía cạnh hiện thực nội tâm, đồng thời tạo nên sự mới lạ cho nghệ thuật tự sự. Bằng kĩ thuật này, nhà văn Thùy Dương luôn biết đem những tâm trạng, cảm xúc hiện tại của mình để dự phần vào ký ức buồn đau của “đường trần”, vào nỗi buồn quá vãng trong cõi nhân thế. Tác phẩm đã đưa người đọc khám phá chiều sâu tâm lí của từng người với nhiều bất ngờ. Nếu như dán ghép sự kiện khiến cho hiện thực đời sống hiện lên với đủ các dáng vẻ thì dán ghép tâm trạng càng phơi bày chất hiện thực ấy hơn. Qua đánh giá suy ngẫm của nhân vật, ta hiểu về cuộc sống với những tàn khuyết kỷ niệm, ngày một tròn trặn, đủ đầy. Văn của chị nhờ vậy, cứ thấm tháp lặng lẽ, rơi chầm chậm từng giọt, từng giọt lấp lánh và thẳm sâu trong trí nhớ một cách dịu dàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 70 -75 )

×