0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Nhân vật hồn ma

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 35 -41 )

6. Kết cấu luận văn

2.1.1. Nhân vật hồn ma

Mọi nền văn học đều luôn hướng đến nhận thức và phản ánh những vấn đề liên quan đến hiện thực đời sống con người. Tuy nhiên, ở mỗi nhà văn khác nhau lại có những cách xử lý và hướng lựa chọn riêng. Trong khi phần lớn nhà văn hướng đến “con người trần thế” để phản ánh hiện thực sinh tồn của con người trong đời sống hiện tại thì Thùy Dương lại chọn cho mình một hướng đi riêng. Trong những sáng tác của Thùy Dương, nhân vật hồn ma (linh hồn của con người sau khi chết) luôn giữ một vị trí vô cùng quan trọng – thậm chí trở thành một trong những nhân vật chính tham gia vào tiến trình tự sự từ đầu đến cuối tác phẩm – trở thành một yếu tố quan trọng góp phần truyền tải thông điệp chính của tác phẩm. Điều đầu tiên mà chúng ta cần phải khẳng định đó là: trong lịch sử văn học Việt Nam, nhân vật hồn ma đã xuất hiện từ khá sớm. Thậm chí, chúng ta còn thấy sự tồn tại bên cạnh một thế giới hiện tại có thể tri giác bằng các giác quan của con người là một thế giới chất chứa đầy những bí ẩn với những nhân vật hồn ma trong nhiều sáng tác của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du…Tuy nhiên, nếu trong sáng tác của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, nhân vật hồn ma thường chỉ thấp thoáng xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật chức năng thì trong sáng tác của Thùy Dương, nhân vật hồn ma lại xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, tham dự vào tiến trình tự sự của

tiểu thuyết, chi phối tới sự phát triển của cốt truyện và đặc biệt, đó là những tính cách phức tạp với đời sống tâm lý, tâm linh khá phong phú.

Như vậy, kiểu nhân vật hồn ma không phải là sáng tạo độc đáo riêng có trong sáng tác của Thùy Dương. Điều đặc biệt là, chỉ khi đặt kiểu nhân vật này trong mối tương quan so với nhân vật hồn ma trong sáng tác dân gian và trung đại chúng ta mới thấy được những đổi mới trong cách nhìn và xây dựng nhân vật của nhà văn nữ Thùy Dương. Trong tiểu thuyết của Thùy Dương, kiểu nhân vật tâm linh xuất hiện ở cả ba tác phẩm song xuất hiện tập trung và tiêu biểu nhất là ở

Nhân gian, Chân trần. Tần suất các nhân vật này xuất hiện khá cao, theo thống kê các nhân vật chính là nhân vật hồn ma chiếm tới 7 nhân vật trong hai tiểu thuyết. Đặc biệt, còn có cả những nhân vật đám đông là những hồn ma. Điều này cho thấy nhà văn Thùy Dương đã rất ý thức việc xây dựng kiểu nhân vật này như một nét riêng – độc đáo – gây ấn tượng mạnh mẽ đối với độc giả mỗi khi đọc tiểu thuyết của chị. Đặc biệt, xây dựng kiểu nhân vật này, Thùy Dương không chủ ý củng cố niềm tin hay sự mê tín của con người vào sự tồn tại của một thế giới của những linh hồn mà chỉ coi đó như một phương tiện nghệ thuật giúp con người nhìn thấu hơn về đời sống thực tại đồng thời đặt ra một khả năng của hiện thực cùng với những vấn đề mà trong hiện thực cuộc sống chúng ta vẫn còn chưa thể lý giải nổi. Nói cách khác, từ nhân vật hồn ma, nhà văn giúp người đọc hiểu hơn về con người trong đời sống hiện tại, hiểu hơn về thế giới thực với thế giới tâm lý, tâm linh, tiềm thức khó có thể lý giải được. Nhờ đó, nhân vật hồn ma mở ra khả năng mới trong việc khám phá góc khuất và chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống theo bề sâu trong tâm hồn con người và đời sống, bổ sung cho cách nhìn về hiện thực đời sống, khắc họa đậm nét hơn, nhiều chiều kích hơn về thế giới con người.

Quan niệm nghệ thuật về con người có thể coi là xuất phát điểm khiến cho kiểu nhân vật tâm linh xuất hiện khá phổ biến trong sáng tác của Thùy Dương. Thùy Dương nhận thấy sự bất an và khủng hoảng tinh thần như là một trạng thái

khá phổ biến đang xảy ra đối với con người trong xã hội hiện nay. Trong trạng thái khủng hoảng tinh thần ấy, thế giới tâm linh chính là nơi con người luôn hướng tìm tới để “giải cứu” chính mình, để tìm niềm an ủi hay tìm một con đường để giải thoát bản thân khỏi những trạng thái khủng hoảng ấy.

Trước hết, nhân vật hồn ma xuất hiện trong tiểu thuyết của Thùy Dương với vai trò là “nhân vật phù trợ” cho nhân vật chính trong tiến trình sự kiện. Vai trò “phù trợ” này khiến chúng ta liên tưởng đến bóng dáng của những ông Bụt, bà Tiên trong những truyện cổ tích. Tuy nhiên, trong những sáng tác của Thùy Dương, dù trước hết vẫn là một sự tiếp nối motíp “cứu giúp” trong văn học dân gian nhưng ít nhiều chúng ta đã thấy sự xóa bỏ khoảng cách dân gian để tiến đến một sự kết nối gần gũi hơn giữa những nhân vật trong đời sống thực tại với những nhân vật tâm linh. Nói cách khác, trong tiểu thuyết của Thùy Dương, những nhân vật hồn ma luôn có mối quan hệ “máu thịt”, hết sức gần gũi với những nhân vật sống trong “thế giới hiện thực”. Có lẽ bởi khi xây dựng kiểu nhân vật này, Thùy Dương cũng giống như bao nhiêu con người Việt Nam khác – đều có niềm tin rằng những người thân của chúng ta sau khi chết sẽ tiếp tục sống ở một thế giới khác và ở nơi đó, những người thân của chúng ta vẫn lặng lẽ quan sát, phù hộ cho cuộc sống của chúng ta. Điều này được thể hiện khá rõ nét qua những nhân vật tâm linh trong tiểu thuyết Thức giấc.

Trong tiểu thuyết Thức giấc, Thùy Dương xây dựng những nhân vật từ thế giới bên kia hiện về để phù trợ cho những con người đang sống. Đó là nhân vật ông nội Thu Ba dù đã mất nhưng vẫn hiện lên để báo trước số mệnh của Yên Thao: "Cả khu đất có mảnh đất này đẹp nhất. Khí vượng lắm tụ cả vào đây. Cô hợp với đất này. Rồi từ đây cô sẽ có rất nhiều đất đai…thoắt cái ông già đã đi như gió, mất hút ở đâu đó đầu ngõ"[7, 156-157]. Rõ ràng, nhân vật hồn ma ông nội Thu Ba đã xuất hiện với vai trò “dẫn đường chỉ nối” cho những người còn sống biết nắm bắt những cơ hội để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Bên cạnh nhân vật ông nội Thu Ba, trong Thức giấc, Thùy Dương còn xây dựng hình tượng thằng bé đi theo phù hộ cho cô: "Có thằng cu cứ bám lẵng nhẵng ở bên. Cô bỏ nó nhưng nó không giận, vẫn theo phù hộ đấy. Đấy, thằng cu đang toét miệng cười. Đẹp quá. Cứ như con tiên con phật ấy" [7, 266]. Như vậy, ngoài vai trò phù trợ, các nhân vật tâm linh ấy còn góp phần làm rõ một góc bí mật trong đời sống nhân vật Thu Ba và mang đến cho người đọc cái nhìn nhiều chiều về hiện thực, qua đó thấy được niềm tin và sự nối kết trong cuộc sống giữa những người đang sống và những người đã khuất.

Nếu như ở Thức giấc nhân vật hồn ma mới chỉ xuất hiện với vai trò phù trợ, tạo sự kết nối giữa thế giới hiện thực và tâm linh thì đến Nhân gian, một thế giới tâm linh đã thực sự mở ra với cả một cõi âm sinh động song hành cùng với cõi dương trần thế được tác giả xây dựng bằng trí tưởng tượng, sáng tạo độc đáo. Thùy Dương xây dựng tập trung hình ảnh những linh hồn liệt sĩ tuy chết nhưng họ luôn dõi theo cuộc sống trần thế với bao trăn trở, ám ảnh. Không còn xuất hiện với vai trò phù trợ cho nhân vật chính, nhân vật hồn ma trong Nhân gian đã thực sự đã trở thành nhân vật chính của tiểu thuyết – trực tiếp tham gia vào cốt truyện và là một trong những yếu tố then chốt, quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện đi đến cao trào và kết thúc.

Trong Nhân gian, Thùy Dương đã xây dựng cả một cõi âm với sự tồn tại của một đám đông nhân vật hồn ma. Trong đám đông ấy, nổi bật hơn cả là nhân vật Hoàng – một chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh. Nhà văn Thùy Dương đã để cho nhân vật Hoàng tự kể về mình, tự mình “vén tấm màn bí ẩn” về cuộc đời của mình, về những trải nghiệm duy nhất một lần trong đời – trải nghiệm “cái chết” – trải nghiệm mà không ai có thể thay thế nhân vật để kể lại: "Lúc tôi bị pháo dập, dính tới hơn chục mảnh đạn, chỉ kịp kêu hai tiếng mẹ ơi rồi thấy mình nhẹ bỗng bốc thẳng lên cao. Một làn khói nhẹ nâng hai chân tôi" [8, 101].

Khi xây dựng kiểu nhân vật tâm linh này, Thùy Dương như một lần thử sức trong việc khám phá về một “vùng lãnh địa” mà bản thân cũng chưa thể trải nghiệm nó. Bằng cách xây dựng nhân vật hồn ma, nhà văn đã để cho các nhân vật được tự do miêu tả về đời sống của những linh hồn – đời sống mà người trần mắt thịt khó ai có thể thấy được. Đó là một cuộc sống sau khi chết, những linh hồn có thể tồn tại dưới những hình dạng khác nhau, như linh hồn Hoàng được miêu tả giống con đom đóm, ngồi ngay trên cành cây trứng gà. Rồi hành động cũng rất đặc biệt, lúc nào cũng nhẹ bỗng, lướt tà tà, êm ru. Bên cạnh trải nghiệm của nhân vật Hoàng là linh hồn các liệt sĩ khác. Linh hồn các anh được miêu tả như các chấm sáng xanh: "linh hồn mình nhẹ bỗng, lơ lửng giữa thinh không… Không còn thân thể với bộ quân phục xanh, không còn những gương mặt xám xanh hốc hác, những vết thương ngưng đọng chưa lành. Tất cả chỉ còn những đốm linh hồn sáng xanh" [8, 101]. Các anh cũng có cuộc sống riêng nơi cõi âm, vẫn sinh hoạt chính trị theo tiểu đội hàng tuần và thảo luận, nói chuyện với nhà ngoại cảm, rồi cử người đi dự đại lễ cầu siêu…

Điều đáng nói là, bên cạnh những khác biệt ấy, Thùy Dương lại nhìn thấy một điểm tương đồng, sự kết nối giữa nhân vật tâm linh với những con người trần thế qua thế giới tâm lý, tình cảm. Cũng giống như “thế giới bên này”, những nhân vật đến từ thế giới tâm linh cũng có đời sống tình cảm, cũng ân hận, ăn năn cũng ước mơ và khát vọng… Như nhân vật Hoàng, sau nhiều hành trình về thăm nhà, thăm mẹ, anh cảm thấy đau như cắt từng khúc ruột: "có hôm ngồi chồm hổm ngay bên cạnh, nghe trong ngực bà gọi con ơi, mà muốn đứt ruột. Tôi níu vai bà, ôm lưng bà…Hôm sau nghe bà than đau lưng và sã cả vai, nhận ra hơi lạnh của mình…đôi khi sự gần gũi quá của mình cũng không tốt lắm cho người sống đâu" [8, 136]. Khi chứng kiến một lễ cưới người trần tổ chức cho người âm (Quân - Ngần), Hoàng đã xúc động và suy nghĩ mãi: "người ta bày một bó hoa cưới tết bằng hoa giấy. Lay ơn trắng lá xanh bọc nilông trong suốt. Bánh kẹo, trà thuốc thật…Quân dắt tay Ngần. Bộ trang phục mới và chiếc áo dài quần trắng cháy đến

mảnh cuối cùng thì bay đến phủ lên hai người. Cả hai xúng xính trong bộ đồ mới…Chúng tôi vỗ tay rầm trời…Cả khối lính ngồi nhấp nhô xanh xanh kín vạt rừng khẽ rung động" [8, 168]. Khi được gọi hồn, linh hồn Hoàng cũng bộc lộ bao nỗi niềm: "tôi rùng mình một cái - cái giọng oai vệ không còn nữa. Là một giọng khác cao hơn,trẻ hơn đầy hấp tấp: Anh Hải ơi, em đây mà. Lần nào anh vào em cũng biết hết. Thương mẹ và thương anh chị lắm…" [8, 176]. Ngay cả các chiến sĩ khi được gọi hồn, họ cũng nói về sự hy sinh và cống hiến, nói về sự trở về và nỗi buồn bị lãng quên: "nếu chỉ có mấy anh em chúng tôi về còn ngàn ngạt người xương thịt trộn với đất rừng thế này liệu chúng tôi có đành tâm?". Cuộc đối thoại âm - dương đã chứng tỏ "Con người chết không có nghĩa là chấm hết…nếu có thế giới bên kia thật thì cái chết không đến nỗi đáng sợ lắm. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn" [8, 197].

Trong Nhân gian, bên cạnh nhân vật hồn ma, Thùy Dương còn xây dựng nhân vật tâm linh Thảo như một chiếc cầu nối giữa cõi âm và cõi dương, kết nối với linh hồn Hoàng để gửi gắm, nhắn nhủ một thông điệp với dương gian. Thảo là người chuyên được các liệt sỹ nhập hồn để nói chuyện với người sống theo đúng tinh thần cõi âm vẫn tồn tại và cùng song hành với dương gian như người đời vẫn nghĩ "trần sao âm vậy". Sự kết hợp ấy khiến câu chuyện trở nên hư - thực và làm cho câu chuyện gần hơn với thực tế đời sống hôm nay.

Tới tiểu thuyết Chân trần, thế giới nhân vật hồn ma trở nên đậm đặc hơn với những người đàn bà có một mối dây liên lạc máu mủ xa xôi nhưng lại rất gần về đường dây tâm linh và những giấc mơ gắn liền với lịch sử thăng trầm của dòng họ. Họ là những số phận, những đôi chân trần nhọc nhằn trên con đường đời đầy sỏi đá, đầy những chông gai trên cõi thế vô cùng. Trong Chân trần, Thùy Dương đã xây dựng mối quan hệ giữa nhân vật hồn ma bà vợ ba với nhân vật nữ nhà báo. Bà ba được ông đốc tờ cưới về trong sự cảm mến từ hai phía ngay cả khi ông đã có hai bà vợ trước đó. Lịch sử cuộc tình của bà không được nói rõ như tạo thêm

sự bí ẩn cho câu chuyện. Tuy xuất hiện trong gia đình vừa phức tạp, vừa hài hước của ông đốc tờ đa thê nhưng bà là người còn lại duy nhất sau những biến cố của gia đình và đó là nơi neo giữ linh hồn của ngôi nhà. Bà đã chết và đi vào dĩ vãng từ lâu. Nhân vật nữ nhà báo là nhân vật sống trong thế giới thực tại nhưng bị nhấn chìm trong những giấc mơ gặp gỡ với người họ hàng của mình – trong đó có bà vợ ba của ông đốc tờ. Thùy Dương đã xây dựng cuộc gặp gỡ qua giấc mộng giữa bà vợ ba với cô nhà báo - hai người là hai thế giới: người sống và người chết, giữa cõi dương và cõi âm, giữa người “đời trước” với người “đời sau”.

Với kiểu nhân vật tâm linh, Thùy Dương đã đưa ngòi bút của mình chạm đến những vùng hiện thực chứa đầy những bí ẩn mà con người chưa thể khám phá hết. Với kiểu nhân vật tâm linh này, vấn đề sống/ chết, đường biên giữa cõi dương và cõi âm, thế giới thực và ảo dường như được làm mờ nhòe đi, qua đó làm nổi bật lên tình trạng sống của con người với những ám ảnh nhân sinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 35 -41 )

×