0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (122 trang)

Nhân vật tự ý thức

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 41 -47 )

6. Kết cấu luận văn

2.1.2. Nhân vật tự ý thức

Nhân vật tự ý thức là nhân vật luôn chủ động trong việc khám phá, cắt nghĩa, lý giải những vấn đề liên quan đến hiện thực đời sống, về thế giới cũng như quan sát chính bản thân mình để tự nhận thức, tự hoàn thiện bản thân. Trong hành trình sáng tạo, nhà văn xây dựng kiểu nhân vật này nhằm thể hiện nhu cầu muốn nhận thức, khám phá bản thân của con người, gắn với sự thức tỉnh của nhà văn về giá trị cá nhân. Bởi vậy, kiểu nhận vật tự nhận thức xuất hiện khá sớm và trở thành kiểu nhân vật khá phổ biến trong văn học hiện thực và lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 qua những sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, văn chương lãng mạn Tự lực văn đoàn… Tuy nhiên, nhìn trong cả một diễn trình văn học, vấn đề nhận thức về vấn đề gì và nhận thức như thế nào lại chính là yếu tố mang lại nét riêng trong kiểu nhân vật tự ý thức của mỗi nhà văn, mỗi giai đoạn cũng như thời kỳ văn học.

Sáng tác trong bầu dưỡng chất đổi mới, văn chương Thùy Dương cũng hướng tới xây dựng kiểu nhân vật tự ý thức, trong đó đào sâu vào quá trình tự nhận thức về giá trị bản thể cũng như những vấn đề cốt lõi nhân sinh. Đặc biệt, với tâm thế sáng tạo của một nhà văn nữ, sự tự ý thức của nhân vật trong sáng tác của Thùy Dương là sự “thức giấc” của người phụ nữ giữa cõi “nhân gian” đầy phức tạp để tìm kiếm, khẳng định giá trị của chỉnh bản thân giới mình. Điều đó cho thấy, nhà văn Thùy Dương trong hành trình sáng tạo của mình đã đặt nhân vật trong những tình huống hư cấu tưởng tượng để thông qua những suy tư, trăn trở của nhân vật không chỉ nhân vật mà cả nhà văn cũng tự ý thức về mình, về giới mình. Nói cách khác, hành trình tự ý thức của nhân vật cũng chính là hành trình tự ý thức của bản thân nhà văn, thể hiện những “thức nhận” mới mẻ của nhà văn về giá trị cá nhân của con người.

Trong hành trình tự cắt nghĩa, lý giải và nhận thức, nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Thùy Dương trước hết tự ý thức về vấn đề rất đỗi “đàn bà” – đó là tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình. Từ những gia đình truyền thống đến hiện đại, từ những người bà, người mẹ đến những cô gái mới lớn, từ xuất thân địa vị giàu sang đến xuất thân nghèo hèn… những người phụ nữ trong tiểu thuyết của Thùy Dương ít cam chịu, ít an phận. Họ không ngừng hướng ra thế giới bên ngoài cũng như soi ngắm bản thân để tự ý thức về chính mình cũng như hiện thực đời sống.

Thức giấc của Thùy Dương thực chất là một quá trình tự ý thức, tự thức tỉnh của những người đàn bà về tình yêu, hạnh phúc của cuộc đời mình. Có thể nói, Thức giấc là hành trình tự vấn của hầu hết các nhân vật nữ để tìm lại vị trí, giá trị bản thân cũng như tình yêu và hạnh phúc của cuộc đời mình. Nhân vật chính của Thức giấc - Yên Thao – người đàn bà đã không thôi cật vấn mình những câu hỏi về tình yêu và tình bạn, về tiền bạc và hạnh phúc, về hận thù và sự bao dung, về lòng tự trọng và giá trị bản thân … Giữa lúc hạnh phúc đang tưởng như vẹn tròn, Yên Thao đã như bị đẩy đến bên thềm vực thẳm, đau đớn tột độ khi tận

mắt chứng kiến chồng và tình nhân “làm tình” trong chính ngôi nhà mình. Không thể vượt qua nổi cú sốc ấy, Yên Thao đã “âm thầm” trả thù mối hận ấy bằng việc mang thai với người đàn ông khác. Những tưởng người đàn bà ấy sẽ thỏa mãn khi đã trả thù được mối hận ấy nhưng không – đó mới là nơi bắt đầu cho những suy tư trăn trở đầy đau đớn của cô. Cô đã từng nghĩ, với khối tài sản khổng lồ của mình, cô dư sức nuôi con trưởng thành mà không phải dựa dẫm vào bóng của ai. Nhưng cho đến trước trang cuối cùng của tiểu thuyết, nhân vật vẫn trải lòng những suy tư chưa từng thôi trăn trở: “Tôi lại tự hỏi mình – với rất nhiều câu hỏi. Rằng tôi cư xử với Yên Ly, với Bi, với Nghi, với anh Cả, với….chính mình đã đúng chưa?... Tôi biết tôi sẽ không thể trả lời rốt ráo bất cứ điều gì. Và những câu hỏi ấy sẽ cứ trở đi trở lại nhiều lần trong đêm như thế này – khi tôi chỉ có một mình” [7, 373]. Đúng, đó là cả một hành trình nhân vật tự vấn, tự ý thức, tự đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của chính mình về những lựa chọn cũng như thái độ ứng xử của bản thân đối với những người xung quanh cũng như với chính bản thân mình. Chỉ khi nhân vật nhận ra rằng “Vì ta là đàn bà nên đôi khi ta nghĩ mình chẳng thua kém đàn ông – nếu không nói là hơn. Hóa ra ta nhầm” [7, 367] thì đó mới là lúc nhân vật đã tự ý thức được những sai lầm của bản thân để “biết lùi bước một chút” nhưng lại tìm lại được sự bình yên, thanh thản và hạnh phúc đích thực của chính mình.

Với cái nhìn tinh tế và sâu sắc, Thùy Dương không chỉ đặt nhân vật của mình vào những tình huống để phải tự suy ngẫm, tự nhận thức về mối quan hệ giữa nhân vật với thế giới xung quanh mà còn đặt nhân vật vào những tình huống để tự suy ngẫm về những gì “bí ẩn” nhất trong chính bản thân mình. Và nhờ hành trình tự ý thức ấy, những góc riêng tư thầm kín, bí ẩn và thậm chí cả những “góc khuất” thẳm sâu nhất trong mỗi con người.

Trong Thức giấc, khi Yên Thao biết Nghi ngoại tình, Yên Thao đã nhiều lần nghĩ thế là hết, thế hết thật rồi, như một cơn ác mộng không còn có gì có thể

cứu vãn được nữa. Nhưng chính trong hành trình tự nhận thức ấy, cô đã vô tình phát hiện ra điều mà lý trí cô cũng không thể giúp cô nhận thức đúng đắn được: “Hãy tỉnh lại đi, hãy chạy theo người đàn ông cô yêu, níu anh ta lại khi vẫn còn kịp. Trong tôi có tiếng gào réo. Vậy mà tôi vẫn ngồi yên chân tay lạnh tanh như nước đá” [7, tr286]. Đó là sự tự nhận thức của con tim, của một người đàn bà khi đứng giữa những lựa chọn hoặc rộng lòng tha thứ hoặc mãi mãi mất đi người đàn ông mà càng sống cô càng thấy rất rõ – chỉ anh, duy nhất anh mới có thể đánh thức bản năng người đàn bà mạnh mẽ trong cô.

Không chỉ nhận thức về tình yêu, hạnh phúc gia đình, các nhân vật trong tiểu thuyết của Thùy Dương còn không ngừng tự ý thức về giới mình – về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình cũng như giáo dục con cái. Nhân vật của Thùy Dương nhiều khi bị đặt vào sự rạn nứt mối quan hệ cha mẹ - con cái khi tất cả đều lao vào vòng xoáy tham vọng. Đó chính là lúc người phụ nữ trong tiểu thuyết của Thùy Dương ý thức về thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Trong

Thức giấc, nhân vật người mẹ xót xa cho bi kịch gia đình khi con trai của ông T có "quyền nghiêng thành phố" bị nghiện hút, được đưa về quê cai nghiện, không chịu nổi phải tự vẫn. Đến lúc ấy, người mẹ mới bừng tỉnh, hối hận thì đã muộn

"Mẹ không biết mẹ để tuột con từ lúc nào. Từ khi bố con lên chức? Từ khi tiền cứ chảy vào nhà mình theo nhiều hướng? Từ khi mẹ còn bận rộn sắm sửa, toan tính?"

[7,349]. Người mẹ ấy khóc thương con, trách mình rồi tự hỏi "Cái gì đã khiến con đi lạc đường? Cái gì đã đẩy con đến nông nỗi này… Mẹ có tội không dạy được con… Cuộc đời mẹ sẽ không bao giờ được yên ổn và hạnh phúc nữa. Mẹ sẽ tự hỏi mình những câu hỏi này đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác. Suốt đời!” [7, 350].

Tiểu thuyết mới nhất Chân trần cũng xây dựng những nhân vật ý thức rõ về bổn phận của mình. Tác phẩm xây dựng nhân vật người vợ thứ ba. Cụ Ca là người nhìn nhận được phải trái, đúng sai; là người sống biết trước biết sau và có

trách nhiệm với gia đình của mình dù người chồng làm bác sĩ có những năm bà vợ. Cách nhìn nhận của cụ Ca là của một người từng trải và cũng giống lời của một tiên tri. Để rồi qua Chân trần, bạn đọc sẽ nhận thấy một xã hội từ thời phong kiến với những hủ tục lạc hậu.

Ngoài ra đó còn là sự ý thức về vai trò của người mẹ (“Vẫn có câu phúc đức tại mẫu. Người mẹ là quan trọng lắm. Phúc lớn đức dày hay thế nào đều từ người mẹ mà ra cả…”[7, 69]), sự mất mát của người mẹ (“Cuộc đời mẹ sẽ không bao giờ được yên ổn và hạnh phúc nữa. Mẹ sẽ tự hỏi mình những câu hỏi này đêm này qua đêm khác, ngày này qua ngày khác. Tháng này qua tháng khác. Năm này qua năm khác. Suốt đời!” [7, 350] hay người đàn bà cần có thái độ ứng xử như thế nào để có được sự bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống (“Đàn bà là hay lụy tình lắm. Điều ấy không hay đâu. Đừng có bao giờ đặt hết lòng tin vào một ai đó thì sẽ khỏi phải thất vọng” [7, 69]; “Cuộc đời đâu có dài rộng cho cam, quay đi quay lại đã đến ngày về với tổ tiên… Đua tranh cho lắm thì cũng tay trắng mà đi chứ đem theo được gì. Thế nên người ta nhìn đi rồi cũng phải nhìn lại… Giờ thì tôi cũng biết phải sống chính cuộc đời mình cho mình chứ không phải cho ai khác” [8, 296]. Sau những hành trình tự nhận thức ấy, nhân vật trưởng thành hơn để tự “giải cứu” mình khỏi những nghịch cảnh của cuộc sống.

Rõ ràng, khi xây dựng nhân vật trong mối quan hệ gia đình, Thùy Dương để những người đàn bà ý thức được số phận nhọc nhằn trên con đường đời đầy sỏi đá và chông gai. Họ phải gánh trên vai bao trách nhiệm với gia đình, chồng con, họ tộc. Ngay cả với những đứa con riêng của chồng, trách nhiệm cũng buộc họ phải gánh vác. Rồi cả những sóng gió khi chồng ngoại tình, gia đình đứng trước nguy cơ đổ vỡ, họ vẫn phải đứng vững để tìm lối đi. Hướng giải quyết của họ luôn là quay về giá trị truyền thống, dù tình yêu không còn nhưng họ vẫn còn trách nhiệm với nhau và với con cái. Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của chị là người ngay trong lúc đau khổ, tăm tối nhất vẫn tỏa sáng, để có được ngày hôm

nay, có được những điều tốt đẹp còn lưu truyền lại là do những người mẹ từ hàng ngàn năm nay của chúng ta. Những con người ấy đã gìn giữ và trao truyền cho con cháu và gắng gỏi không mệt mỏi vì sự tốt đẹp của thế hệ mai sau.

Không chỉ tự ý thức về tình yêu và hạnh phúc cá nhân, về giới mình, các nhân vật trong tiểu thuyết còn tự ý thức về xã hội hiện đại cũng như hiện thực đời sống xung quanh. Xã hội là cái va đập hàng ngày vào những người phụ nữ hiện đại. Sống và làm việc trong xã hội này, nhiều khi người phụ nữ phải tự học cách thích nghi với nó, phải tự hiểu nó để sống. Nó thể hiện qua nhân vật nữ nhà báo. Nhân vật các nữ nhà báo luôn trở đi trở lại trong một số tác phẩm của Thùy Dương. Chị

trân trọng những người phụ nữ làm báo. Có dịp tiếp xúc với nhiều nữ đồng nghiệp, chị đã lấy hình mẫu xây dựng nên chân dung các nữ nhà báo say nghề, ham hiểu biết và rất sắc sảo trong tư duy, bản lĩnh trong xử lý vấn đề và một điều rất quan trọng là nhân văn. Đó là những người có học, có trách nhiệm với cuộc sống và có nhiều thông tin thì sự trăn trở, nỗi suy tư và sự tự vấn càng thôi thúc, riết róng hơn những người khác. Sự va đập của cuộc sống với lớp người này để lại những dấu vết, những ám ảnh hằn sâu hơn...

Tất nhiên, trong hành trình tự ý thức, không phải khi nào sự nhận thức đúng cũng đưa đến những cách hành động đúng đắn để nhân vật có thể thay đổi được cuộc sống của mình. Trong Nhân gian, dù biết rõ cuộc sống ngang trái nhưng Thảo lại chưa dám vượt qua chính mình để đấu tranh với cái xấu, cái không hợp thời. Khi biết Yên muốn làm rõ chuyện chồng mình bị đẩy ra khỏi chức Phó Tổng chỉ vì không chịu ăn tiền, Thảo chỉ nói đầy cay đắng: "xã hội bây giờ thế tất. Chỗ nào cũng có đường dây hết cả chằng chịt và rằng rịt với nhau…chẳng khác gì những cái vòi bạch tuộc. Chặt vòi này lập tức có vòi khác thế chỗ ngay" [8, 107]. Vì xuất phát từ thế mạnh của nghề báo nên chị đã có nhiều trang miêu tả sắc sảo, trung thực về nghề báo. Bằng những trải nghiệm của một người làm báo, chị ý thức được sức mạnh của nghề làm báo qua những trang viết sắc sảo, trung thực.

Tuy nhiên, chị cũng phơi bày một sự thật là: không phải nơi nào báo chí cũng đều đã phát huy được hết sức mạnh của nó. Đâu đó trong cuộc sống này, vẫn còn những nhà báo chưa dám tuyên chiến để phơi bày sự thật tất cả những tồi tệ đang diễn ra.Thùy Dương cũng xây dựng các nhân vật nữ trong sự tự ý thức về sự nghiệp của chính mình. Họ cũng có ý thức phấn đấu để xây dựng sự nghiệp tốt hơn. Nhân vật trong Nhân gian muốn tạo dựng sự nghiệp cho mình vì đã hiểu rõ mình sẽ đi đâu - làm gì - làm như thế nào. Dù biểu hiện của sự tự ý thức có thể khác nhau nhưng đều thể hiện ý chí, nghị lực của người phụ nữ hiện đại.

Kiểu nhân vật tự ý thức – đặc biệt là nhân vật nữ nhà báo trong tiểu thuyết của Thùy Dương ít nhiều có bóng dáng của chính tác giả. Một người phụ nữ làm truyền thông, với bộn bề vất vả để theo kịp tốc độ sống thời hiện đại. Những câu chuyện, đụng chạm trong cơ quan nơi chị làm việc giống một xã hội thu nhỏ. Ở đó, với sức ép của truyền thông hiện đại, chính những người làm báo đang bị giằng co, mâu thuẫn giữa việc làm báo thị trường chạy theo thị hiếu độc giả, hay làm báo để theo đuổi những vấn đề thời cuộc, giúp ích thiết thực cho số đông công chúng. Một nhà báo nữ luôn trăn trở, day dứt chuyện đời trong một môi trường văn hóa phong phú, đa dạng – giá trị tốt đẹp cũng nhiều nhưng những mặt trái cũng không hề ít. Chọn nhân vật là nhà báo nữ, qua lăng kính của một nhà báo nữ, đời sống hiện đại với tất cả những bộn bề, tốt xấu hiện lên, nhà văn Thùy Dương làm ta không ngừng suy ngẫm về con đường mà ta đang chọn để đi qua, cho hết một kiếp người.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA THÙY DƯƠNG (Trang 41 -47 )

×