6. Kết cấu luận văn
3.1.1. Kết cấu tình huống – tâm lí
Tiểu thuyết của Thùy Dương thường không thiên về những cốt truyện phức tạp, giàu kịch tính mà chủ yếu là sự đồng hiện của nhiều mảnh đời, nhiều cảnh ngộ. Vì thế mà hình thức kết cấu phổ biến nhất trong tiểu thuyết của Thùy Dương là kết cấu tình huống - tâm lý. Kết cấu tình huống – tâm lý là kiểu kết cấu được triển khai dựa trên tâm lý nhân vật với những giằng xé, dằn vặt nội tâm. Kiểu kết cấu truyện này giúp câu chuyện tổ chức theo mạch vận động của tâm lý nhân vật với những cảm xúc, suy nghĩ, liên tưởng,…Kết cấu truyện tâm lý thường lỏng lẻo về cốt truyện, khó có thể tìm thấy đầy đủ sự phát triển của các tình tiết nhưng nó lại phát huy tác dụng khi nhà văn muốn diễn tả thế giới nội tâm con người - một hiện thực đặc biệt, khó nắm bắt hơn rất nhiều.
Vì Thùy Dương là một nhà văn nữ, nên kết cấu tình huống – tâm lý trong tiểu thuyết của chị cũng phản ánh đậm nét dấu ấn sắc thái nữ giới (tình huống phát hiện chồng ngoại tình trong chính căn phòng của mình; tình huống – tâm lý đấu tranh nội tâm gay gắt khi “ông ăn chả, bà ăn nem” cùng những nếm trải đậm sắc
thái nữ tính phản ánh qua những đau đớn, dằn vặt của kiếp đàn bà. Thùy Dương tập trung khám phá những mạch sống tế vi trong tâm hồn người phụ nữ, trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với xã hội.
Chị có lối viết thật lạ, cái mà ta cứ ngỡ không có gì lại được dựng thành truyện. Ở đó, nhà văn đã chỉ ra nhiều trạng thái tâm lý, buồn vui, được mất của con người. Với lối viết dựa vào dòng ý thức, truyện không thiên về cốt truyện mà thường được khai thác ở ý nghĩ nhân vật. Đằng sau lối kể chuyện tự nhiên, là những quan niệm và lối sống của cá nhân. Mỗi tác phẩm kết nối vô số những tâm lý – tình huống, ở đó cứ le lói những khát khao được sống một cuộc sống đời thường, được gặp người quen cũ, được mơ, được yêu… nhưng tất cả không trở thành hiện thực. Qua đó, chúng ta ngậm ngùi đau khổ với kiếp nhân sinh. Điều này được thể hiện rõ nét trong Thức giấc của Thùy Dương.
Kết cấu tình huống – tâm lý được thể hiện rõ nét nhất là trong Thức giấc
của Thùy Dương. Tiểu thuyết là hàng hoạt các tình huống đấu tranh tâm lý nhằm thức tỉnh ý thức cá nhân và thay đổi nhận thức theo chiều hướng tích cực hơn. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết này có đề từ “Sau một giấc ngủ miệt mài như thế, phải cần có bao nhiêu thời gian để đánh thức mi dậy?” (F. Nietzsche) [7, 5]. Sự thức dậy này thể hiện qua hàng loạt những tình huống góp phần bộc lộ tâm lí nhân vật Yên Thao - nhân vật chính có mặt xuyên suốt tác phẩm. Có thể nói cả tiểu thuyết là những dòng suy nghĩ của Yên Thao về cuộc sống gia đình, tình yêu, hạnh phúc và cả những vấn đề liên quan đến giới nữ.
Đó là những suy tư, trăn trở của Yên Thao về người bà nội. Tuổi thơ cả cô gắn bó với bà nội, được chứng kiến sự lam lũ, hi sinh và thức thời của bà. Đầu tiên là tình huống bà lo cho cả gia đình, từ chỗ làm tới miếng ăn hàng ngày. Bà lo cho bố cô một chỗ làm tử tế, bà lo buôn bán làm ăn để tích trữ tiền của cho con cháu. Bà cũng khéo léo xử lí mọi việc trong nhà, từ việc chuyển ra ở riêng, việc làm ma chay, cỗ rằm. Cái gì cũng thật chu đáo, không ai kêu vào đâu được. Đặt
trong xã hội bao cấp sự vượt khó và thức thời của bà thật đáng quý. Nhờ bà giấu những chỉ vàng tích góp được vào đụn vá ở áo bông mà sau này Yên Thao có vốn làm ăn. Qua đó, cô thấy ở bà biết bao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Bà không chỉ hết lòng hi sinh vì con cháu mà còn đảm đang, tháo vát lo toan cho cuộc sống mưu sinh của cả gia đình giữa vô vàn những hoàn cảnh éo le của xã hội thời bao cấp. Những tâm sự của Yên Thao thường dồn trọng tâm vào những kì thị của xã hội thời bấy giờ với những người đi buôn, những người phụ nữ tự chủ. Cô trăn trở suy nghĩ, tại sao bao vốn liếng và thành quả do công sức của bà làm ra lại đều bị tịch thu trắng trợn chỉ vì bà làm ăn riêng? Cô đau đớn thấy những việc làm chân chính của con người vì lo toan cho cuộc sống mưu sinh lại cứ phải giấu giếm, lén lút. Ngay cả việc bà để giành vàng cho cô mà bà cũng phải ngụy trang dưới những đụn vá của chiếc áo bông. Một xã hội bao cấp với những tư tưởng cũ kỹ, bất cập đã để lại trong cô bao trăn trở, nghĩ suy.
Kế đó là tình huống liên quan tới cuộc sống của Yên Thao trên Hà Nội. Nó cho thấy những suy nghĩ của Yên Thao về một bối cảnh thời đại mới bắt đầu từ khi cô lên Hà Nội học. Khi lên Hà Nội, mọi thứ mở ra mới mẻ và cô nhanh chóng thích nghi. Cô dùng tiền của bà nội cho để buôn bán nhà đất, xây văn phòng cho thuê, xây khu công nghiệp. Dòng tâm trạng bấy giờ được diễn tả nhanh vùn vụt với những phi vụ làm ăn. Nó mang lại tài sản kếch xù mà với sự nhanh nhẹn của cô mới đạt được. Cô suy nghĩ về nó nhẹ nhàng, đơn giản như một thú vui, một cơ hội tới trong cuộc đời. Đó cũng là suy nghĩ của một thế hệ mới, thoát khỏi cái bóng đè nặng của chế độ bao cấp, tự tìm hướng đi để làm giàu cho mình và cho cả xã hội. Suốt cả tác phẩm, ta chưa thấy chỗ nào cô suy nghĩ nhiều về tiền mà chủ yếu suy nghĩ về hiệu quả công việc đạt được, tận dụng được những gì lãng phí của xã hội, như tận dụng một khu đất đắt giá mà từ trước chỉ làm nơi rửa chai lọ, tận dụng đất đai bỏ trống để làm khu công nghiệp. Đồng thời, tác giả cũng xây dựng tình huống liên quan tới những bế tắc trong gia đình của Yên Thao. Chồng cô ngoại tình, còn bản thân cô vì đau khổ mà cũng tìm đến người đàn ông khác và
sinh ra một đứa con trai. Dòng tâm trạng của Yên Thao trong phần này cũng chất chứa đầy đau khổ trước mặt trái của xã hội và gia đình. Tiểu thuyết như chậm lại trong đoạn cô phát hiện chồng ngoại tình, gia đình lục đục có nguy cơ dẫn tới li hôn. Tác giả Thùy Dương đã xây dựng tác phẩm trải dài qua những dằn vặt của Yên Thảo từ sốc tới đau đớn, từ yêu tới căm hận và cuối cùng đọng lại trong tình yêu con chiến thắng, mặc kệ cho lão chồng ra sao. Suy nghĩ của chị trong phần này là sự thức tỉnh của con người đang trong sự yên ấm của gia đình thuở trước với sự hỗn loạn của xã hội thời nay. Các giá trị đạo đức nghiêng ngả dù đời sống vật chất thì đầy đủ hơn rất nhiều. Qua đó, ta thấy chuyện của đời người nhiều thế hệ trong một gia đình: thế hệ của ông bà từng trải, biết nhẫn nhịn để mưu cầu hạnh phúc; thế hệ của bố mẹ chỉ biết phục tùng; thế hệ của cháu con thì biết mở mang, quẫy đạp. “Thức giấc” là tỉnh ra (và cũng là ngộ ra), là nhận ra sự thật, nhận ra chân lí đời sống. Nhưng cái giá phải trả không hề rẻ - có đau đớn, mất mát; có oan khuất, trầm luân. Nói cách khác là sự giác ngộ của con người từ xưa tới nay đều trải qua những con đường đau khổ. Nhưng sự giác ngộ ở mỗi người, mỗi thế hệ là không hề giống nhau. Câu kết của tiểu thuyết Thức giấc cho người đọc thấy một Thùy Dương mạnh mẽ hơn, khoáng đạt hơn “Gió đã thổi trên đất này lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được trong gió hơi thở của sự sống - bao thế hệ trước truyền lại. Có mùi súng đạn, mùi của máu và những khát vọng sôi sùng sục va đập vào nhau. Mùi bùn non, mùi cỏ tươi và mùi những nụ cam vừa nở”
[7, 373].
Hay ta có thể thấy kết cấu đó trong Chân trần (2013). T ác phẩm viết về thân phận của nhiều nhân vật nữ, trong đó nổi bật có một nữ nhà báo - một người đàn bà nông dân và bà vợ ba của một ông đốc tờ thời xưa. Tuy nhiên, kết cấu của tác phẩm lại sự đan trộn suy nghĩ của cả ba nhân vật này. Nhân vật nào cũng xuất hiện dưới ngôi thứ nhất để tự kể về cuộc sống của mình và ai trong số đó cũng đều có nỗi khổ riêng trước cuộc đời. Điểm lạ và hay nhất của tác phẩm là suy nghĩ của ba nhân vật này không tách riêng mà hòa trộn tới mức khó phân biệt. Nó được
kết nối với nhau qua giấc mơ của nữ nhà báo. Mỗi lần chị ngủ, giấc mơ về bà vợ ba ông đốc tờ và người đàn bà nông dân lại hiện lên. Đó là những người họ hàng của nữ nhà báo hiện về trong giấc mơ như sự đối sánh, như sự nhắc nhở thế hệ con cháu về những biến cố của gia đình và xã hội, về cách ứng xử người với người. Chị và người đàn bà nông dân là hiện tại nhưng người vợ của ông đốc tờ trong giấc mơ kia là quá khứ. Họ có một đường dây cố kết vô hình trong tâm linh, để rồi mỗi nhân vật bộc lộ suy nghĩ riêng về dòng đời. Sự kiện, tình tiết, tình huống là sự khai mở mối dây liên hệ vô hình nhưng hữu cơ giữa cõi nhân gian và cõi bất tử của những linh hồn. Một thế giới tâm linh mở òa ra khiến cho cả tác giả và người đọc bị dẫn dụ vào mê cung vừa vô hình vừa hữu hình, vừa gần vừa xa, vừa đáng tin vừa đầy rẫy những hoài nghi. Ở đó, có lúc nữ nhà báo sợ hãi với giấc mơ như thật của mình nhưng rồi chị chấp nhận nó như chấp nhận cuộc đời hiện sinh bộn bề. Từ đó, tác phẩm đã đi được từ đầu tới cuối chặng đường chông gai của cả ba nhân vật với sự đấu tranh tâm lí, vượt lên khó khăn phi thường. Đầu tiên là nhân vật nữ nhà báo với sự đấu tranh giữa cách viết lá cải với cách viết chân chính. Cuối truyện, lối viết chân chính đã trở lại với chị, mặc dòng xoáy của xã hội. Thứ hai là nhân vật người đàn bà nông dân. Nhân vật này xuất hiện ngay đầu tác phẩm và có sự giao thoa với nhân vật nữ nhà báo trong cuộc gặp mặt tại tiệm vàng. Ở đó, đỉnh điểm khó khăn của người phụ nữ này đã xuất hiện ngay: quá nghèo, không đủ tiền mua vàng cho con gái trong đám cưới. Cả tiểu thuyết là sự đấu tranh vượt cái nghèo để có đám cưới ra hồn cho con gái mình. Thứ ba là bà vợ ba ông đốc tờ. Bà xuất hiện trong giấc mơ của nữ nhà báo với quá khứ xa xưa. Lúc đó, việc xử lí, đối đãi trong gia đình một chồng năm vợ đã thật là một thử thách với bà. Nhưng sau này, khi kháng chiến bùng nổ, chồng bà bị chết, gia đình li tán thì thử thách đến với bà còn lớn hơn. Bà đã tự mình gồng gánh cả gia đình. Cuối cùng, mọi thứ cũng trở lại yên ấm: con cháu cũng tìm thấy, nhà ở trước đây cũng được trả lại và bà thành cụ Ca hàng ngày vẫn ngồi đấy nhìn con cháu, nhìn thế sự trôi qua. Những dòng tâm sự chồng chéo lên nhau của các nhân vật lúc đầu
đọc tuy khó hiểu nhưng sau sẽ làm ta thấy rõ sự vượt khó của người phụ nữ ở mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi thời đại ra sao. Những dòng tâm sự rất thật ấy tạo thành chất keo đặc dính kết câu truyện lại với nhau, đọng lại triết lí: Con người ai cũng băng qua cõi đời bằng chính đôi chân trần của mình.
Rõ ràng, kết cấu này đã giúp Thùy Dương tái hiện và phản ánh những mâu thuẫn, xung đột, giằng xé trong cuộc đời thực một cách thấm thía, xúc động nhất. Nhiều tiểu thuyết của chị đã thể hiện những thăng trầm trong cảm xúc, suy tư của nhân vật hướng người đọc khám phá những vỉa tầng sâu kín trong nội tâm con người. Những câu chuyện mang kết cấu tâm lý đã chứng tỏ tài năng của Thùy Dương trong việc thâm nhập vào ngõ ngách sâu kín của nội tâm con người. Đọc kiểu tiểu thuyết của chị, người đọc sẽ bị lôi cuốn bởi những dòng tâm trạng cảm xúc và những chiêm nghiệm mang đầy tính triết lý chứ không phải từ các biến cố, hay sự kiện giật gân. Kết cấu truyện tâm lý đã đem lại những hiệu quả nghệ thuật cao trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng cho nhiều truyện của nhà văn. Sự lựa chọn kết cấu truyện tâm lý – tình huống đã giúp tác giả xoáy sâu vào cảm thức của nhân vật, không trôi dạt theo những thay đổi không gian mà bám đuổi vào mạch suy tưởng với những mảnh kí ức chắp nối, rời rạc như cuộc rượt đuổi ý thức về số phận, thân phận người.