2.2.1.1. Chăn nuôi lợn trên thế giới
Nghề chăn nuôi lợn thịt ra đời rất sớm. Cách đây một vạn năm chăn nuôi lợn đã xuất hiện và phát triển ở châu Âu và châu Á. Sau đó, khoảng thế kỷ XVI, bắt đầu phát triển ở châu Mỹ và thế kỷ XVIII phát triển ở châu Úc. Đến nay,
chăn nuôi lợn đã trở thành một nghề truyền thống của nhiều quốc gia. Ở nhiều nước, chăn nuôi lợn thịt có công nghệ cao và có tổng đàn lợn lớn như: Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Ý, Úc, Trung Quốc, đài Loan… Nói chung ở các nước tiên tiến có chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp và đạt trình độ chuyên môn hóa cao. Tuy vậy, đàn lợn trên thế giới phân bố không đồng đều ở các châu lục. Có tới 70% số đầu lợn được nuôi ở châu Á và châu Âu, khoảng 30 % ở các châu lục khác. Trong đó, tỷ lệ đàn lợn được nuôi nhiều ở các nước có chăn nuôi lợn tiên tiến. Nơi nào có nhu cầu thịt lợn cao, nơi đó nuôi nhiều lợn. Theo thống kê năm 2015 của tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), Tính đến nay chăn nuôi lợn ở các nước châu Âu chiếm khoảng 52%, châu Á 30,4%, châu Úc 5,8%, châu Phi 3,2 %, châu Mỹ 8,6 %. Nhìn chung, sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn được sử dụng rộng rãi khắp nơi trên thế giới (trừ ở các các nước theo tín ngưỡng Hồi giáo). Giá trị dinh dưỡng cao của thịt lợn là nguồn thực phẩm tốt cho con người, không những thế nghề chăn nuôi lợn đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho nền kinh tế của các nước này (FAO, 2015; Trần Thị Minh Hoàng và cs., 2016).
* Số lượng vật nuôi
Theo thống kê của Tổ chức Lương nông thế giới FAO năm 2015 Số đầu lợn hàng năm số một thế giới là Trung Quốc 451,1 triệu con, thứ hai là Hoa Kỳ 67,1 triệu con, thứ ba là Brazin 37,0 triệu con, Việt Nam đứng thứ tư có 27,6 triệu con và thứ năm là Đức 26,8 triệu con lợn (Ngọc Phương, 2016).
* Sản phẩm chăn nuôi
Các cường quốc về sản lượng thịt lợn năm 2014: Thứ nhất là Trung Quốc 45.750 triệu tấn; Thứ hai là Hoa Kỳ 5.969 triệu tấn; Thứ ba là Việt Nam 4.127 triệu tấn; Thứ tư là Brazin 2.890 triệu tấn; Thứ năm là Nga 2.375 triệu tấn (Ngọc Phương, 2016).
* Phương thức chăn nuôi
Phương thức chăn nuôi hiện nay của các nước trên thế giới vẫn có ba hình thức cơ bản đó là: Chăn nuôi quy mô công nghiệp thâm canh công nghệ cao, chăn nuôi trang trại bán thâm canh, chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ và quảng canh. Chăn nuôi công nghiệp thâm canh các công nghệ cao về cơ giới và tin học được áp dụng trong chuồng trại, cho ăn, vệ sinh, thu hoạch sản phẩm, xử lý môi
trường và quản lý đàn. Các công nghệ sinh học và công nghệ sinh sản được áp dụng trong chăn nuôi như nhân giống, lai tạo nâng cao khả năng sinh sản và điều khiển giới tính (Ngọc Phương, 2016).
Chăn nuôi bán thâm canh và quảng canh tại phần lớn các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Mỹ La Tinh và các nước Trung Đông. Trong chăn nuôi quảng canh, tận dụng, dựa vào thiên nhiên sản phẩm chăn nuôi năng suất thấp nhưng được thị trường xem như là một phần của chăn nuôi hữu cơ (Ngọc Phương, 2016).
2.2.1.2. Kinh nghiệm phát triển chăn nuôi lợn ở một số nước trong khu vực Châu Á
* Tình hình chăn nuôi lợn ở Thái Lan
Theo The Pig Site năm 2017 cho thấy Thái Lan đang nỗ lực cắt giảm đàn con do tình trạng dư thừa cung lợn sống, châm ngòi cho hoạt động buôn bán biên mậu với Trung Quốc và Campuchia. Dư cung lợn sống tại Thái Lan đã lên tới khoảng 6.000 con/ngày trong tháng 12. Nguyên nhân chính là tiêu dùng thịt lợn giảm do giá thịt gà giảm mạnh và thương mại mậu biên lợn sống với Trung Quốc và Campuchia chậm lại (The Pig Site, 2017).
Sản lượng lợn sống của Thái Lan trong tháng 12/2016 là khoảng 46.000 con/ngày. Tuy nhiên, tiêu dùng chỉ khoảng 38.000 – 40.000 con/ngày. Giảm mạnh tiêu dùng thịt lợn có tương quan với giá thịt gà đang giảm xuống dưới 35 Baht/kg, tương đương 1 USD/kg trong tháng 12/2016, so với mức 1,5 USD/kg trong tháng 11/2016. Người tiêu dùng đang chuyển sang tiêu dùng thịt gà và cá tự nhiên, vốn rất dồi dào vào những tháng cuối mùa mưa (The Pig Site, 2017).
Một nguyên nhân là xuất khẩu lợn sống từ Thái Lan sang Trung Quốc và Campuchia giảm mạnh từ mức 5.000 con/ngày trước đó xuống còn chỉ 1.000 con/ngày. Hiệp hội những người chăn nuôi lợn Thái Lan đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu thông qua tạo nhiều động lực cho nông dân xuất khẩu lợn qua biên giới (The Pig Site, 2017).
Tuy vậy, tiêu dùng và xuất khẩu thịt lợn được dự báo sẽ phục hồi từ cuối tháng 12 đến tháng 2/2017 do các kỳ nghỉ lễ năm mới tại Thái Lan và các nước láng giềng sẽ thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn với khối lượng lớn trong những tháng này (The Pig Site, 2017).
* Tình hình chăn nuôi lợn ở Trung Quốc
Theo The Pig Site cho thấy: Giá thịt lợn trên thị trường Trung Quốc những ngày đầu năm 2017 ở mức 17,51 NDT/kg, và lợi nhuận của các nhà sản xuất chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, bất chấp năng suất giảm và chi phí TACN tăng, vẫn có lợi nhuận hơn 100 USD/con (The Pig Site, 2017).
Trong năm 2016, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc chạm mức cao kỷ lục 1,5 triệu tấn, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Điều bất thường là dự trữ đầu con của Trung Quốc không tăng, bất chấp lợi nhuận cao kỷ lục (The Pig Site, 2017).
Chính phủ Trung Quốc ước tính sản xuất lợn của nước này năm 2017 đạt 590 triệu con. Năm 2015, Trung Quốc sản xuất 708 triệu con nhưng vẫn thiếu hụt hơn 100 triệu con. Thâm hụt nguồn cung được cho là sẽ đẩy giá thịt lợn tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2017, đồng thời buộc nước này phải tăng nhập khẩu thịt lợn từ các nước Bắc Mỹ và châu Âu. Rõ ràng các nhà sản xuất thịt lợn nước ngoài có lý do để vui mừng bởi cơ hội xuất khẩu mạnh thịt lợn sang Trung Quốc năm 2017 (The Pig Site, 2017).
Năm 2012, thị trường lợn giống của Trung Quốc có nguồn cung lợn giống thuần chủ yếu từ Mỹ, chiếm hơn 50% thị trường. Kể từ đó, các nhà sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc chịu thua lỗ lớn với mức giảm 11 triệu con giống do điều kiện thị trường thay đổi. Cho đến nay, những nhà sản xuất còn tồn tại đang tìm kiếm các nguồn lợn giống năng suất cao hơn, chất lượng thịt ngon hơn. Một số nguyên nhân khiến nguồn cung thịt lợn nội địa Trung Quốc không tăng trong năm 2016:
Những người chăn nuôi lợn Trung Quốc thua lỗ hàng tỷ đôla trong năm 2013 – 2014 và mới chỉ khôi phục thua lỗ trong thời gian gần đây (The Pig Site, 2017);
Các chính sách và quy định về môi trường đang khiến hoạt động mở rộng chăn nuôi tại Trung Quốc ngày càng khó khăn và khả năng mở rộng đang chậm lại (The Pig Site, 2017);
Các thách thức liên quan đến dịch bệnh là một vấn đề lớn. Ngoài ra, thiếu nhân lực chuyên nghiệp cho chăn nuôi lợn hiện đại cũng là môt thách thức không nhỏ. Việc phải thường xuyên duy trì nhân lực sống tại các địa điểm chăn nuôi quy mô lớn khiến ngành chăn nuôi lợn không hấp dẫn nhân lực chất lượng cao. Bất chấp việc có dân số lên tới 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn thiếu lao động cho hoạt động chăn nuôi lợn (The Pig Site, 2017);
Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục nhập khẩu thịt lợn với khối lượng lớn trong dài hạn, có thể chiếm 5 – 15% nhu cầu sản xuất của nước này, tương đương một con số rất lớn (The Pig Site, 2017).
* Tình hình chăn nuôi lợn ở Malaysia
Thị trường thịt heo Malaysia đối với các nguồn con giống heo mới là khá tích cực – khả năng hấp thụ dinh dưỡng và phát triển khá tốt so với các nguồn con giống hiện có. Cũng giống như các quốc gia Châu Á khác, các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi heo đang tích cực đầu tư vào con giống mới và sẵn sàng cung cấp tài chính cho các cơ sở nuôi lợn để xây dựng được hệ thống chăn nuôi khép kín (The Pig Site, 2016).
Giai đoạn lợi nhuận gia tăng này là thực sự cần thiết cho thị trường Malaysia do chính phủ đã ban hành thực thi pháp luật quyết định tất cả các cơ sở chăn nuôi heo phải hoạt động trên mô hình khép kín vào năm 2018.
2.2.2. Tình hình phát triển chăn nuôi lợn ở Việt Nam
2.2.2.1. Quá trình phát triển ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam
Chăn nuôi lợn thịt ở Việt Nam có từ lâu đời. Từ khi con người biết sử dụng công cụ lao động là đồ đá, họ đã săn bắn, hái lượm và bắt được nhiều thú rừng, trong đó có nhiều lợn rừng. Khi đó họ bắt đầu có ý thức trong việc tích trữ thực phẩm và lương thực cho những ngày không săn bắn và hái lượm được và họ đã giữ lại những con vật săn bắn được và thuần dưỡng chúng.Trải qua thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc đời sống của nhân dân ta rất khổ sở và các ngành tương đối phát triển không được. Vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, khi có trao đổi văn hóa giữa Trung quốc và Việt Nam, chăn nuôi lợn được phát triển. Trong thời kì Pháp thuộc khoảng năm 1925, Pháp bắt đầu cho nhập các giống lợn châu Âu vào nước ta như giống lợn Yorkshire, lợn Bồ Xụ, lợn Ỉ. Cùng với việc tăng nhanh về số lượng, chất lượng đàn lợn cũng không ngừng được cải thiện. Các phương pháp nhân giống thuần chủng và các phép lai được thực hiện. Trong thời gian từ 1960, chúng ta đã nhập nhiều giống lợn cao sản thông qua sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em. Có thể nói, chăn nuôi được phát triển qua các thời gian từ 1960, chúng ta đã nhập nhiều giống lợn cao sản thông qua sự giúp đỡ của các giai đoạn:
- Giai đoạn từ 1960 – 1969: Giai đoạn khởi xướng các quy trình chăn nuôi lợn theo hướng chăn nuôi công nghiệp (Vũ Đình Tôn và cs., 2005).
- Giai đoạn từ 1970 – 1980: Giai đoạn hình thành các nông trường lợn giống quốc doanh với các mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp, có đầu tư và hỗ trợ của các nước trong khối XHCN như Liên Xô cũ, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc và Cu Ba. Hệ thống nông trường quốc doanh được hình thành và Công ty giống lợn công nghiệp Trung ương cũng phát triển tốt và đảm đương việc cung cấp các giống lợn theo hệ thống công tác giống 3 cấp từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong những năm chuyển đổi kinh tế sự hỗ trợ của nước ngoài giảm, cộng thêm đó là tình hình dịch bệnh đã làm cho hệ thống các nông trường giống lợn dần dần tan rã hay chuyển đổi từ sở hữu nhà nước sang cổ phần hóa hay tư nhân (Vũ Đình Tôn và cs., 2005).
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn thịt nói riêng đã đạt được những kết quả đáng kể. Việt Nam đứng vị trí thứ 5 của 10 nước có số đầu lợn cao nhất thế giới sau (Trung Quốc, Mỹ, Braxin, Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp) (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2016).
Theo Cục Chăn Nuôi sau 5 năm phát triển (2011-2015) đến nay sản lượng thịt lợn chiếm 74,2% (năm 2013) trong tổng sản lượng thịt hơi các loại. Chất lượng thịt lợn không ngừng tăng lên đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong nước (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2016).
Năng suất và công nghệ chăn nuôi lợn trang trại ngang bằng với các nước trong khu vực, hiệu quả chăn nuôi lợn ổn định, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi và giải quyết việc làm tại chỗ cho khu vực nông thôn, ứng dụng khoa học trong chăn nuôi lợn, về chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường ngày càng được áp dụng rộng rãi. Sử dụng nhiều tổ hợp gen có năng suất, chất lượng cao (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2016).
Theo báo cáo tình hình chăn nuôi lợn tháng 6/2016 cho thấy chăn nuôi lợn phát triển khá tốt, giá thịt lợn hơi trên thị trường sau dịp Tết nguyên đán vẫn giữ ổn định do nguồn cung đảm bảo, duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi dịch bệnh không phát sinh nhiều. Tổng số lợn cả nước có đến tháng 6/2016 đạt khoảng 28,3 triệu con tăng khoảng 3,9% so với năm 2015 (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2016).
Theo Bộ Nông Nghiệp & PTNT, chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do Trung Quốc đột ngột dừng thu mua khiến sản lượng trong nước bị dư thừa, giá lợn hơi giảm khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng (Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2016).
Về xuất khẩu: Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế đó là phần lớn các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường nội địa, lượng xuất khẩu không đáng kể. Hàng năm nước ta xuất khẩu được một khối lượng sản phẩm hạn chế. Từ năm 2005 đến năm 2007, bình quân mỗi năm xuất khẩu được từ 17,7 ngàn tấn/năm, chiếm khoảng 1- 3% tổng sản lượng thịt lợn sản xuất trong nước. Những năm gần đây, do yếu tố về thời tiết và dịch bệnh dẫn tới sản lượng thịt lợn giảm, giảm nhiều nhất là năm 2015 xuống còn 14 nghìn tấn (giảm 4.000 tấn so với năm 2010). Theo số liệu thu thập từ báo cáo của cục thống kê, riêng năm 2016 đạt đỉnh cao là 30 ngàn tấn chiếm 2,8% số thịt sản xuất ra. Sản phẩm thịt lợn xuất khẩu của ta từ trước đến nay chủ yếu là thịt lợn sữa và thịt lợn choai, một số lượng nhỏ thịt lợn mảnh. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu chưa nhiều và không ổn định. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hồng Kông, Đài Loan, Malaisia và Liên bang Nga. Tình hình tiêu thụ thịt lợn của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu là thị trường trong nước; giá tiêu thụ thịt lợn tại thị trường trong nước thường cao hơn so với các nước trong khu vực, điều này cũng là cơ hội thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn, nhưng lại khó khăn cho việc cạnh tranh với thị trường xuất khẩu (Hoàng Đức Hiền, 2016).
Nhìn chung: Ngành chăn nuôi hiện chiếm 27% trong đóng góp của ngành nông nghiệp vào tổng thu nhập quốc nội. Đây cũng là ngành giữ vai trò then chốt trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời là ngành sinh kế chủ yếu của đa số các hộ gia đình nông thôn. Trong số các hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi lợn là hoạt động chủ yếu, đóng góp 71% tổng sản lượng chăn nuôi. Chính vì vậy cần khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi lợn ở những vùng có điều kiện phát triển mạnh (Hoàng Đức Hiền, 2016).
Tổng số lượng lợn gia tăng từ 3% đến 3,5% so với giai đoạn trước; tuy nhiên, trong năm 2017, con số này sẽ bắt đầu tăng và tiếp tục xu hướng này trong năm 2018 nhờ sự hiện diện của những doanh nghiệp hoàn toàn mới gia nhập vào ngành chăn nuôi lợn và nhờ quy mô mở rộng sản xuất hiện nay của một số nhà sản xuất trong và ngoài nước. Những trang trại này đang sử dụng những thiết bị và công nghệ hiện đại nhất cùng với nguồn giống heo năng suất cao phù hợp với điều kiện khí hậu, dinh dưỡng, an ninh sinh học tại Châu Á. Thêm vào đó, các chương trình đào tạo đội ngũ nhân sự hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ các trang trại/doanh nghiệp trên thiếp lập quy mô sản xuất phù hợp nhằm gia tăng hiệu quả sản lượng thịt heo trong tương lai gần. Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành một cảnh báo chính thức tới các thương nhân nhiều địa phương về vấn đề xuất khẩu heo
sống không chính thức/không đầy đủ giấy tờ pháp lý sang Trung Quốc. Bộ Công Thương cho biết việc xuất khẩu heo sống từ Việt Nam sang Trung Quốc thông qua cửa khẩu biên giới và qua các tỉnh giáp ranh biên giới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn vì Trung Quốc không liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia và lãnh thổ Trung Quốc được cho phép nhập khẩu heo (The Pig Site, 2016). 2.2.2.2. Đánh giá nhu cầu về thịt lợn tại Việt Nam
Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ là là nguồn cung chủ đạo, cung cấp tới 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường (Tisdell, 2009). Vì vậy nhu cầu về thịt lợn ngày một tăng cao đang tạo ra cơ hội cải thiện sinh kế cho những người có thu nhập thấp thông qua chăn nuôi, chế biến thương mại các sản phẩm từ chăn nuôi