Kinh nghiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của một số địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở quận long biên, thành phố hà nội (Trang 32 - 35)

Phần 1 Mở đầu

2.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản

2.2.2. Kinh nghiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của một số địa

phương tại Việt Nam

2.2.2.1. Kinh nghiệm của huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh

Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là yếu tố quan trọng, cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, các ngành chức năng huyện Hải Hà đã vào cuộc một cách quyết liệt. Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP huyện Hải Hà, hiện trên địa bàn huyện có 571 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có 79 cơ sở sản xuất chế biến, 325 cơ sở kinh doanh, 167 cơ sở dịch vụ ăn uống. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp với đa dạng phong phú các loại thực phẩm trong và ngoài huyện cũng như thực phẩm nhập khẩu.

Từ đầu năm 2016 đến nay, các ngành chức năng huyện Hải Hà đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm, các quán ăn, quán giải khát nhằm nâng cao kiến thức và trách nhiệm của người tiêu dùng, người cung cấp thực phẩm trong bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm. Tại lễ phát động Tháng hành động vì ATTP được tổ chức tháng 4-2016, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm,

dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã ký cam kết bảo đảm ATTP với Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các ngành chức năng của huyện như y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận ATTP và giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 118 cơ sở thuộc ngành mình quản lý, nâng tổng số cơ sở toàn huyện được cấp đạt 463 cơ sở.

Chợ Trung tâm Hải Hà 2 nơi kinh doanh gia súc, gia cầm lớn nhất huyện với 36 hộ kinh doanh. Hằng ngày, sản lượng thịt gia súc, gia cầm ở đây cung ứng cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện đạt từ 8-10 tấn. Để bảo đảm ATTP và quyền lợi người tiêu dùng, các ngành chức năng của huyện thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh và các quy định trong giết mổ, phòng chống dịch bệnh rộng rãi đến các hộ kinh doanh. Bà Phạm Thị Lan, tiểu thương chợ Trung tâm Hải Hà 2, cho biết: “Quá trình giết mổ và kinh doanh ở chợ, tiểu thương chúng tôi chấp hành tốt các điều kiện về vệ sinh ATTP. Các cơ quan của huyện cũng thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát về tình hình dịch bệnh và điều kiện kinh doanh của từng điểm kinh doanh tại chợ”.

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý ATTP các điểm giết mổ trên địa bàn huyện Hải Hà có nhiều bất cập, bởi hầu hết là nhỏ lẻ, cá thể do vậy điều kiện trang thiết bị chưa bảo đảm. Toàn huyện hiện có 41 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại gia đình. Ngoài công tác tuyên truyền, các ngành chức năng còn tăng cường kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm, không đủ điều kiện kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ. Trong công tác phối hợp liên ngành, các đơn vị đã chủ động dự báo tình huống, tăng cường lực lượng chốt chặn, kiểm soát địa bàn, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm ATTP. 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã tổ chức 39 lượt đoàn thanh, kiểm tra tại 454 cơ sở. Trong đó có 106 cơ sở vi phạm, đã nhắc nhở 92 cơ sở; xử lý 14 cơ sở, phạt tiền trên 12 triệu đồng, tiêu huỷ hàng chục sản phẩm hàng không bảo quản theo quy định, hàng không nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác… Hải Hà đã vào cuộc rất quyết liệt trong công tác quản lý ATTP, trong 6 tháng đầu năm nay, không xảy ra các vụ ngộ độc nào. Từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất. Xử lý nghiêm vi phạm ATTP, phối hợp chặt chẽ với liên ngành và giữa các xã, thị trấn trong vấn đề kiểm soát ATTP.

2.2.2.2. Kinh nghiệm của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

Nhằm nâng cao năng lực quản lý ATTP cho UBND cấp huyện, cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, hình thành hệ thống quản lý ATTP thống nhất, đồng bộ, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với UBND huyện Lâm Thao triển khai thí điểm công tác quản lý ATTP và đã đạt được những kết quả bước đầu, qua đó nâng cao ý thức cho các hộ kinh doanh nói riêng và người dân nói chung.

Thông qua các lớp tập huấn, nông dân xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao đã nắm được các quy định về ATTP với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ để áp dụng vào sản xuất rau an toàn.

Nội dung triển khai thí điểm tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông – lâm – thủy sản trên địa bàn huyện; mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý ATTP cấp huyện và cấp xã. Chi cục phối hợp với huyện làm tốt khâu truyền thông và đào tạo cán bộ quản lý ATTP từ cấp huyện đến xã cho đến từng hộ sản xuất, tránh tình trạng triển khai ồ ạt, hình thức. Đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức 5 lớp tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ, các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông – lâm – thủy sản và tập huấn quy định điều kiện bảo đảm ATTP với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Sản xuất ban đầu bao gồm các hoạt động: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và khai thác tự nhiên trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ đều là những ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật ATTP. Đây là một khâu quan trọng quyết định đến chất lượng ATTP. Xác định rõ điều này, huyện cũng tích cực tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất ban đầu. Trong đó, trọng tâm là triển khai nghiêm túc Thông tư 45/2014/TT - BNNPTNT về kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ triển khai quản lý theo Thông tư 51/2014/TT - BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Việc quản lý từ cơ sở sản xuất ban đầu hết sức quan trọng, song để triển khai tốt cũng cần có một quá trình.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: “Thực hiện bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi vẫn

xác định trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, bảo quản nông – lâm – thủy sản được đẩy mạnh. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; quy định về sử dụng liều lượng thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất phụ gia, thuốc bảo quản trong chế biến nông sản, thực phẩm… Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân ý thức được vai trò, trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm thực sự an toàn trước khi cung ứng tới tay người tiêu dùng”.

Thông qua công tác triển khai thí điểm ở Lâm Thao đã nâng cao nhận thức cho người dân, bước đầu thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ATTP trong nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng ra toàn tỉnh, hướng tới làm thay đổi dần nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quản lý tốt hơn chất lượng sản phẩm nông - lâm - thủy sản để người tiêu dùng có thể nhận diện, lựa chọn được những sản phẩm an toàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở quận long biên, thành phố hà nội (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)