Cà Mau là một trong số 28 tỉnh ven biển của cả nước và là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp biển với điều kiện môi trường biển khác nhau. Có 6/9 huyện, thành phố (trừ thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, huyện Cái Nước) và 23/97 xã, thị trấn của tỉnh tiếp giáp với biển. Khoảng 59,8% dân số của tỉnh đang sinh sống tại các huyện ven biển, riêng ở các xã, thị trấn ven biển chiếm 25% dân số toàn tỉnh. Biển đã và sẽ tạo ra vị thế phát triển ‘mới’ cho tỉnh Cà Mau thông qua các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển và đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh đang và sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với việc khai thác, bảo vệ tài nguyên biển.
Biển Cà Mau nằm trong vùng biển Tây Nam Bộ, đây là vùng biển kéo dài từ vùng biển tỉnh Tiền Giang đến Hà Tiên tỉnh Kiên Giang (gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang). Trong vùng biển Tây Nam Bộ có 156 đảo lớn nhỏ cấu thành 5 quần đảo và các đảo lẻ. Đây là vùng biển tiếp giáp với nhiều nước như Campuchia, Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Indonesia nên vùng biển này có vai trò cửa ngõ của đồng bằng sông Cửu Long lưu thông với các nước trong khu vực và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Riêng tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài 254 km (không kể bờ 3 cụm đảo), bằng 34,46% chiều dài bờ biển của toàn vùng biển Tây Nam Bộ và bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước.
Vùng biển Cà Mau là vùng biển nông và là vùng biển bồi, điều kiện khí tượng thủy văn thường ổn định hơn các vùng biển khác, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển. Dọc theo bờ biển, có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển (gồm các cửa: Hương Mai, Kinh Hội, Đá Bạc, Sông Đốc, Bảy Háp, Ông Trang, Rạch Tàu, Bồ Đề, Rạch Gốc, Hố Gùi, Gành Hào,…) đã hình thành các cụm kinh tế ven biển, các làng cá có khá đông dân cư sinh sống.
Trong vùng biển Cà Mau có 3 cụm đảo gần bờ là cụm đảo Hòn Khoai (diện tích 577 ha, đỉnh cao nhất 318m), cụm đảo Hòn Chuối (diện tích 14,5 ha, đỉnh cao nhất 165 m) và cụm đảo Hòn Đá Bạc (diện tích 6,3 ha, đỉnh cao nhất 24m). Đặc biệt cụm đảo Hòn Khoai có khả năng phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế biển và có vị trí quan
21
trọng về bảo vệ an ninh quốc phòng do nằm án ngữ ở cửa vịnh Thái Lan, nằm ở giữa vùng Biển Đông và vịnh Thái Lan. Trong cụm đảo Hòn Khoai có hòn Đá Lẻ (toạ độ 80 22’8 N, 104052’4E) là một trong những điểm chuẩn để tính đường cơ sở trên biển của nước ta (điểm A2).
- Vị thế chiến lược của biển:
Hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều là những nước có biển và nền kinh tế biển mạnh. Tiến ra xa biển và phát triển kinh tế biển là chiến lược ưu tiên, là cơ hội và thách thức của nhiều quốc gia có biển. Thế kỷ XXI được Liên Hiệp Quốc ghi nhận là thế kỷ của đại dương, phát triển bền vững biển và vùng ven biển là mục tiêu và là những thách thức đối với cả thế giới. Các quốc gia có biển trên thế giới đã và đang xúc tiến xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động khai thác vùng biển một cách hợp lý.
Đối với vùng biển của nước ta nói chung và vùng biển Tây Nam nói riêng có vị trí địa lý và chính trị hết sức trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. “Trở thành một nước mạnh về biển là mục tiêu chiến lược xuất phát từ yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam” và “vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển, là cửa mở của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh về kinh tế- xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của tổ quốc”.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực như vậy, vùng biển Cà Mau trở thành một không gian chiến lược quan trọng của đất nước ở phía Nam. Các tuyến hàng hải cấp khu vực và quốc gia trong vùng vịnh Thái Lan đều đi qua vùng biển Cà Mau để kết nối ‘dòng thương mại’ ASEAN – Thái Bình Dương. Vùng biển này và một số đảo nhỏ nói trên là những điểm án ngữ và kiểm soát toàn bộ vùng cửa vịnh Thái Lan. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi gần đây Trung Quốc đưa ra sáng kiến ‘Con đường tơ lụa’ với dự kiến cắt kênh Kra ở bán đảo Malaya thuộc Thái Lan.
- Đa dạng về hệ sinh thái:
Vùng biển Tây Nam Bộ nói chung và vùng biển Cà Mau nói riêng là vùng biển có nguồn tài nguyên biển và hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Các hệ sinh thái biển và ven biển có giá trị quan trọng như điều hoà khí hậu, là nơi cư trú , sinh đẻ và ươm nuôi nhiều loài thủy sinh, nhiều hệ sinh thái có năng suất sinh học cao như rừng ngập ven biển, vùng bãi bồi ven biển, vùng cửa sông,…Vùng ven biển Cà Mau thuộc loại giàu tiềm năng bảo tồn như vùng bãi bồi, các khu rừng đặc dụng, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Trong số các hệ sinh thái ven biển của tỉnh Cà Mau, đáng kể nhất là khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (thuộc địa bàn huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn) có diện tích 41.861 ha. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên (hệ sinh thái cửa sông,
22
ven biển) có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Đây là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm với 22 loài thực vật ngập mặn, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát và 133 loài động vật phù du).
- Nguồn lợi thủy hải sản:
Vùng biển Cà Mau là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng thủy hải sản lớn và đa dạng về loài, nhiều loài có giá trị kinh tế cao như tôm biển, mực, một số loại cá có giá trị như cá thu, cá mú, cá chim,…Ngoài khai thác, đánh bắt thủy hải sản, lợi thế vùng biển đã tạo cho tỉnh Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn lớn nhất nước. Các vùng mặt nước bãi triều ven biển, ven đảo cũng cho tiềm năng lớn để phát triển nuôi thủy hải sản. Vùng biển Cà Mau có thể giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động làm nghề khai thác hải sản, là cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp cơ khí đóng mới sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp chế biến xuất khẩu, các dịch vụ phục vụ khai thác thủy hải sản,…
Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản ven biển tỉnh Cà Mau còn chịu ảnh hưởng bởi nguồn lợi thủy sản của vùng biển Đông Nam Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ.
Vùng Biển Đông Nam bộ:
Trong vùng Biển Đông Nam bộ đã bắt gặp 666 loài thuộc 319 giống, 139 họ cá. Đa số giống loài này thuộc phức hệ cá nhiệt đới, một số loài thuộc phức hệ cá ôn đới. Kết quả
điều tra nguồn lợi đã xác định được 50 loài tôm thuộc các họ: Penacidae, Solenoceridae, Sicyoniidae, Palinuridae, Scyllaridae và Nephrofidae. Mùa đẻ của các loài tôm kinh tế là
mùa xuân và mùa hè, bãi đẻ có độ sâu 15 - 30 m nước. Vùng ven bờ, khu vực có rừng ngập mặn là nơi cư trú và sinh trưởng của tôm con. Vùng Biển Đông Nam bộ có 23 loài
thuộc 3 họ là mực nang (Sepiidae), mực ống (Loliginidae) và mực sim (Sepiolidae). Mực nang có 3 loài là mực nang vân hổ (Sepia tigris), mực nang hoa (Sepia subaculeata), mực nang chấm (Sepia hercules). Mực ống tương đối phổ biến ở vùng biển gần bờ Đông Nam bộ là các loại mực ống thường (Loligo edulis), mực ống ngắn (Sepioteuthis lessoniana), mực ống Đài Loan (Loligo formosana). Phần lớn mực ống tập trung ở vùng nước có độ
sâu từ 30 - 50 m nước trở vào bờ.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, trong giai đoạn 2011 - 2015, các loài có giá trị kinh tế cao chiếm ưu thế trong sản lượng các chuyến điều tra ở vùng biển Đông Nam Bộ là: cá mối hoa, cá mối thường, cá mối vạch, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá nục sồ, mực ống, mực nang, cá ngát, cá sạo, cá lượng và cá bạc má. (Nguồn http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?NewsId=46131 trích ngày 04/01/2017).
Vùng biển Tây Nam bộ:
Khu hệ cá ở vùng biển Tây Nam bộ thể hiện tính chất nhiệt đới rõ ràng và mang tính chất nhiệt đới đậm nét hơn vùng Biển Đông Nam bộ. Vùng biển Tây Nam bộ có
23
khoảng 600 loài, 149 giống và 83 họ. Thành phần các loài cá ở vùng biển Tây Nam bộ tương đối đa dạng và phong phú về giống loài nhưng chất lượng không cao. Nguồn lợi mực ở vùng biển Tây Nam bộ chủ yếu tập trung ở các vùng nước gần bờ. Vùng biển gần bờ Tây Nam bộ có mặt tương đối đầy đủ các loài mực, điển hình là các loài mực
nang (Sepia torosa, Sepiella japotica, Sepia omani) và các loài mực ống (Loligo aspera, Loligo japonica, Loligo ashimai). Tại vùng biển Tây Nam bộ đã xác định được
50 loài tôm trong đó có 15 loài thuộc họ tôm he. Ngoài ra, còn có nguồn lợi tôm vỗ với khả năng khai thác trên 3.000 tấn (Nguồn: Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 - Tổng cục Thủy sản).
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản, trong giai đoạn 2011 - 2015, các loài có giá trị kinh tế cao chiếm ưu thế trong sản lượng các chuyến điều tra ở vùng biển Tây Nam Bộ gồm có cá bạc má, cá ba thú, cá nục sồ, cá cơm, cá đù đầu to, cá phèn khoai, mực nang, mực ống, tôm đất, cá sòng gió và mực lá.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hải sản (2015) , trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính trung bình trên toàn vùng biển Việt Nam là 4,36 triệu tấn, giảm hơn trước 2010 (5,30 triệu tấn). Trong đó trữ lượng nguồn lợi ở vùng ven bờ chiếm 12%, vùng lộng chiếm 19% và vùng khơi là 69%. Về trữ lượng nhóm hải sản, nhóm cá nổi nhỏ chiếm 61%, có xu hướng giảm không đáng kể. Nhóm cá nổi lớn chiếm 23% và có biến động theo chu kỳ El-nino và La-nina. Nhóm hải sản tầng đáy chiếm 15% và có xu hướng giảm sút khá lớn. Trong đó, trữ lượng hải sản ở vùng biển vùng biển Đông Nam bộ chiếm 26% (1,1336 triệu tấn); Tây Nam Bộ chiếm 13% (0,5668 triệu tấn). (Nguồn http://wcag.mard.gov.vn/pages/news_detail.aspx?NewsId=46131 trích ngày 04/01/2017).
Nguồn lợi thủy sản ở Cà Mau rất to lớn, nhưng cũng đã và đang xuất hiện nhiều thách thức đối với tài nguyên, môi trường vùng biển và ven biển. Đó là:
+ Tình trạng khai thác tài nguyên biển quá mức và lãng phí, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ quá nhiều đã được cảnh báo từ lâu nhưng chưa được giải quyết có hiệu quả. Một số nghề khai thác gây sát hại nguồn lợi hải sản; còn ưu tiên các lợi ích ngắn hạn, chưa coi trọng lợi ích và nguồn thu nhập lâu dài. Theo NGTK Cà Mau (2015), vùng nghiên cứu có 1.741 tàu với công suất từ 20-90 CV trở lên và 1.744 phương tiện công suất nhỏ, vỏ composite, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Nguyên nhân số lượng tàu khai thác tăng là do một số hộ dân các huyện ven biển đóng mới các tàu công suất dưới 20 CV khai thác gần bờ. Về sản lượng thủy sản khai thác: năm 2015 đạt 193.563 tấn, đạt 120,98% kế hoạch, giảm 2,71% so cùng kỳ.
+ Chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ tiếp tục bị thay đổi theo chiều hướng xấu, bị suy thoái và suy giảm khá nhanh; tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt không được xử lý đổ trực tiếp ra sông, biển; vùng cửa sông và ven biển bị ô nhiễm dầu do có quá nhiều phương tiện thủy công suất bé hoạt động, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu ở ven sông,…
24
+ Đa dạng sinh học bị suy giảm, diện tích rừng ngập mặn ven biển giảm nhiều so với 20- 30 năm trước (năm 1983 diện tích rừng ngập mặn là 117.745 ha đến năm 2015, diện tích rừng ngập mặn chỉ còn khoảng 59.000ha); tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản vùng bãi bồi diễn ra thường xuyên và liên tục. Theo kết quả phỏng vấn cộng đồng tháng 7 năm 2016 của nhóm nghiên cứu cho thấy cá chấy, cá chìa vôi, cá bui, cá nâu và cá đường xuất hiện rất ít (một trong số những loài này đang có dấu hiệu biến mất khỏi vùng biển ven bờ của tỉnh Cà Mau như cá đường).