Không gian vùng bờ biển (gọi tắt là vùng bờ) nằm chuyển tiếp giữa lục địa và biển, luôn chịu tác động tương tác qua lại giữa các quá trình lục địa và biển, giữa các quá trình nội sinh và ngoại sinh, giữa quá trình tự nhiên và nhân sinh. Đây là nơi tập trung đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ thống tài nguyên và hệ sinh
thái quan trọng bậc nhất tạo tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu. (Nguyễn Chu Hồi và MCD 2012,Cẩm nang quy hoạch không gian biển và vùng bờ cấp địa phương).
Khai thác, sử dụng không gian vùng bờ biển bao gồm các hoạt động trực tiếp diễn ra trên biển ở vùng ven bờ và chúng luôn tác động lẫn nhau, như: hàng hải, khai thác dầu khí, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, điện gió, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và các hoạt động liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; gắn với vùng đất ven biển (vùng ven biển), như: sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp; công nghiệp chế biến thủy hải sản; đóng sửa tàu thuyền; chế biến dầu khí; dịch vụ biển.
Với đường bờ biển dài, vùng bờ Cà Mau (bao gồm vùng ven biển và vùng ven bờ như nói trên) vừa có lợi thế trong phát triển kinh tế vừa là khu vực phòng thủ đất nước mang tính chiến lược. Đặc biệt vùng biển Cà Mau có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, các cụm đảo gần bờ như: cụm đảo Hòn Khoai, đảo Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc có vị trí chiến lược, rất thuận lợi cho phát triển dịch vụ cảng “quá cảnh” đối với các nước hoặc vùng lãnh thổ không có biển lân cận nước ta và vùng nội địa rộng lớn của khu vực các nước ASEAN, cũng như các dịch vụ hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên Biển Đông.
Đây được xem là vùng kinh tế động lực, tập trung sôi động các hoạt động kinh tế, là nơi phát triển đa ngành, nghề khác nhau, tuy nhiên sự phát triển đa dạng của các hoạt động kinh tế và dịch vụ biển đã làm gia tăng nhu cầu khai thác, sử dụng không gian ven bờ dẫn đến sự gia tăng mâu thuẫn, chồng chéo không gian trong phát triển của các ngành nghề tại vùng biển ven bờ 5 huyện ven biển Cà Mau.