Với 11 lĩnh vực kinh tế biển đang khai thác, sử dụng không gian và tài nguyên vùng biển ven bờ tại 5 huyện của Cà Mau (bao gồm cả lĩnh vực bảo tồn và lĩnh vực quốc phòng-an ninh), nhiều chồng chéo và mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian đã phát sinh tại vùng ven bờ. Việc giải quyết các chồng chéo và mâu thuẫn để tiến hành phân vùng và triển khai kế hoạch phân vùng không gian đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một ngành, một cơ quan, nên việc điều phối, phối hợp các bên liên quan là hết sức cần thiết.
Thủy sản là một ngành có tiềm năng vừa phát triển, vừa bảo tồn nguồn lợi ven bờ và được xác định là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương ven biển và là nguồn sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển Cà Mau.Nhưng muốn phát triển bền vững để mọi người đều được hưởng lâu dài thì cần được đặt trong bối cảnh điều phối và quản lý liên ngành. Đối với các đơn vị phân vùng và quản lý chomục đích thủy sản, ngành thủy sản phải chủ động rà soát, điều chỉnh và quản lý căn cứ vào các nội dung, hướng dẫn khai thác, sử dụng đã nói trên. Những đơn vị không gian phân chia cho các ngành khác liên quan, cần sự chỉ đạo và điều phối của UBND tỉnh Cà Mau để bảo đảm phát triển thủy sản bền vững.
Khi kế hoạch phân vùng sử dụng không gian tổng thể cho vùng bờ 5 huyện của dự án được phê duyệt, UBND tỉnh Cà Mau sớm chỉ đạo các Sở, đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng một cơ chế phối hợp đa ngành tại địa phương do Sở TN&MT – cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý tổng hợp và thống nhất, sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm đầu mối.