7. Kết cấu luận văn
2.3.3.2. Biện pháp tạo động lực mang tính chất phi tài chính
a. Tạo động lực thông qua đánh giá thực hiện công việc
Hoạt động đánh giá thực hiện công việc có ảnh hưởng quan trọng đến động lực làm việc của viên chức và người lao động bởi vì thông qua đó thành tích, công lao và trách nhiệm của viên chức và người lao động được ghi nhận. Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành công việc của viên chức và người lao động theo quy trình như sau:
- Các thành viên tham gia vào công tác đánh giá, thực hiện công việc: + Trưởng các bộ phận chuyên môn đánh giá trực tiếp về kết quả thực hiện công việc của viên chức và người lao động. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên 2 căn cứ: các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đánh giá; kết quả tự đánh giá của viên chức và người lao động. Kết quả đánh giá sẽ được thông qua cuộc họp với sự tham gia đầy đủ viên chức và người lao động trong bộ phận.
+ Ban giám đốc Sở có nhiệm vụ đánh giá trực tiếp kết quả thực hiện công việc của viên chức là trưởng các bộ phận chuyên môn. Việc đánh giá được thực hiện dựa trên 2 căn cứ: các chỉ tiêu và tiêu chuẩn đánh giá đối với trưởng bộ phận; kết quả tự đánh giá của viên chức là trưởng bộ phận.
- Chu kỳ đánh giá: Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định thực hiện việc đánh giá thực hiện công việc của viên chức và người lao động theo năm.
- Đối tượng đánh giá: Viên chức và người lao động đang làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định và các đơn vị trực thuộc.
- Các tiêu thức và tiêu chí dùng để đánh giá thực hiện công việc của viên chức và người lao động tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định được quy định trong chương trình đánh giá nhân sự theo định kỳ, được thông báo công khai đến toàn bộ công chức, viên chức và người lao động. Thành tích thực hiện công việc của viên chức và người lao động được xếp theo 4 mức từ cao đến thấp như sau: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; và không hoàn thành nhiệm vụ.
- Kết quả đánh giá thực hiện công việc của viên chức và người lao động sau khi được Giám đốc Sở phê duyệt sẽ được thông báo công khai và gửi về các bộ phận chuyên môn lưu giữ.
b. Tạo động lực thông qua bố trí, sử dụng nhân lực
Bố trí và sử dụng nhân lực là hoạt động có ảnh hưởng nhiều tới động lực làm việc của người lao động, bởi lẽ, việc bố trí, sắp xếp những viên chức và người lao động vào những vị trí công việc phù hợp với năng lực, khả năng sẽ giúp họ sử dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo tốt hơn, từ đó, thực hiện công việc hiệu quả, năng suất hơn. Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học nên Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định nhận thức rất rõ lợi ích của việc bố trí và sử dụng đúng nhân lực. Trên thực tế, mỗi viên chức và người lao động kể từ khi được tuyển dụng cho đến khi về hưu là một quãng thời gian làm việc rất dài, có thể tính là hàng chục năm, do đó, khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, để thực hiện những nhiệm vụ mới các tổ chức buộc phải luân chuyển viên chức và người lao động, từ đó, việc bố trí và sử dụng lao động sẽ không còn phù hợp với năng lực và bằng cấp mà trước đây viên chức và người lao động được đào tạo. Thực tế này đã xảy ra tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định trong giai đoạn 2015-2020. Kể từ năm 2016 đứng trước nhiệm vụ mới (bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quản lý lĩnh vực khoa học và công nghệ thì Sở còn phải mở rộng thêm các lĩnh vực dịch vụ khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu mới của doanh nghiệp và người dân) Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã thực hiện việc tái cơ cấu tổ chức trên quy mô lớn, với nhiều bộ phận bị giải thể như Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ và Phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở vào năm 2018; nhiều bộ phần thành lập mới như: Trung tâm Khám phá khoa học vào năm 2016 và Phòng Công nghệ và Sở hữu trí tuệ vào năm 2018. Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã ban hành Bộ quy định tiêu chuẩn chức danh công việc cho viên chức và người lao động. Văn bản này nhằm quy định
rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận chức năng và các chức danh công việc trong quá trình tác nghiệp nhằm tránh sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các bộ phận, cá nhân; giúp viên chức và người lao động hiểu rõ chức năng nhiệm vụ của mình để chủ động thực hiện công việc và có sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ phận, cá nhân khác. Hệ thống tiêu chuẩn các chức danh công việc được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận, tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và mô hình tổ chức hiện tại của Sở. Tuy nhiên, mặc dù việc tái cơ cấu tổ chức là việc phải làm nhằm đáp ứng xu hướng mới của thị trường nhưng đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý lo lắng của đội ngũ nhân sự nói chung cũng như viên chức và người lao động nói riêng tại Sở trong thời gian qua.
c. Tạo động lực thông qua đào tạo và phát triển nhân lực
Đây là công tác nhằm duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức, là điều kiện tiên quyết để tổ chức có thể ổn định và phát triển. Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản lý khoa học công nghệ nên Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định nhận thức rất rõ tầm quan trọng về năng lực chuyên môn khi thực hiện tuyển dụng viên chức và người lao động vào làm việc tại Sở. Bên cạnh đó, trong quá trình bố trí và sử dụng lao động, từ yêu cầu công việc, nhất là tác động của quá trình tái cơ cấu tổ chức, Lãnh đạo Sở luôn tạo mọi điều kiện kể cả thời gian và kinh phí (được quy định rõ ràng trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Sở) để viên chức và người lao động tham gia các khóa đào tạo và đào tạo lại nhằm học tập nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ. Đối với viên chức và người lao động khi được làm việc tại Sở, bản thân mỗi người luôn xác định không ngừng học tập để nâng cao trình độ, từ đó, mới hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, một lĩnh vực thay đổi “chóng mặt” dưới tác động của thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay. Điều này được minh chứng khi số liệu
thống kê nhân lực tại Sở cho thấy không có viên chức và người lao động nào có trình độ dưới đại học, hơn 30% nhân lực tại Sở có trình độ sau đại học. Mới đây nhất, trên cơ sở kết quả khảo sát của tác giả (chi tiết quá trình khảo sát xem tại mục 2.4) thì Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhóm tiêu chí được viên chức và người lao động đánh giá cao nhất trong số 7 nhóm tiêu chí được đưa ra đánh giá về công tác tạo động lực làm việc cho viên chức và người lao động tại Sở. Như vậy, viên chức và người lao động rất hài lòng đối với việc tạo động lực thông qua đào tạo và phát triển nhân lực tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định.
d. Tạo động lực thông qua bầu không khí làm việc
Hiện đang là viên chức làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, bản thân tác giả cũng như các đồng nghiệp khác luôn cảm nhận được bầu không không khí làm việc tại Sở rất thân thiện, mọi người luôn tôn trọng nhau, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới không quá căng thẳng, phong cách làm việc chuyên nghiệp, không có sự phân biệt đối xử giữa công chức lãnh đạo với viên chức hay người lao động theo hợp đồng. Ngoài ra, bên cạnh chăm lo về về đời sống vật chất thì Lãnh đạo Sở cũng hết sức quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho viên chức và người lao động. Điều này được thể hiện khi Lãnh đạo Sở thực hiện chỉ đạo cho tổ chức công đoàn phải thường xuyên quan tâm tốt nhất đến đời sống tinh thần cho của tất cả viên chức và người lao động. Sở cũng thường xuyên phát động viên chức và người lao động tham gia các hoạt động đoàn thể do ngành tổ chức như các phong trào thi đua về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Viên chức và người lao động khi tham gia hoạt động phong trào được Sở tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc hợp lý để có thể tham gia đầy đủ các buổi tập luyện trong tuần, có chế độ bồi dưỡng, động viên, khuyến khích. Đặc biệt là phong trào thể dục thể thao, Lãnh đạo Sở đã tạo mọi điều kiện về vật chất để phát động phong trào như trang ị đầy đủ quần áo, giầy, dụng cụ thể dục thể thao (bàn, vợt, bóng…) cho viên
chức và người lao động tham gia tập luyện. Lãnh đạo Sở hết sức quan tâm và đã chi kinh phí tài trợ cho giải, bồi dưỡng, động viên, khen thưởng kịp thời cho các vận động viên đạt giải và tập thể tham gia mỗi khi có đợt giao lưu hoặc thi đấu với các đối tác.
2.3.4. Đánh giá tạo động lực làm việc cho người lao động
Trên thực tế hiện nay, việc đánh giá kết quả tạo động lực cho viên chức và người lao động tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định chưa được chú trọng, chủ yếu chỉ đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ công việc được giao của từng viên chức, người lao động và của toàn đơn vị. Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định chưa thực hiện việc tìm hiểu sự hài lòng trong công việc của viên chức và người lao động cũng như các nguyên nhân hay các yếu tố có ảnh hưởng đến công tác tạo động lực để từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm tạo động lực, gia tăng hiệu suất làm việc của viên chức và người lao động.
Sau đây là nội dung đánh giá công tác tạo động lực làm việc cho viên chức và người lao động tại Sở thông qua các tiêu chí như hiệu quả làm việc của người lao động; ý thức chấp hành kỷ luật; mức độ gắn bó của người lao động với tổ chức; mức độ hài lòng của người lao động.
a. Hiệu quả làm việc của người lao động
Theo báo cáo đánh giá tổng kết hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định, trong giai đoạn 2015-2019, 100% viên chức và người lao động làm việc tại Sở hoàn thành công việc được giao; 100% viên chức và người lao động làm việc tại Sở hoàn thành công việc đúng thời hạn; 30% viên chức và người lao động có thành tích hoàn thành xuất sắc, 69% viên chức và người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1% viên chức và người lao động hoàn thành nhiệm vụ, không có viên chức và người lao động nào không hoàn thành nhiệm vụ. Nhìn chung, hiệu quả làm việc của viên chức và người lao
động tại Sở khá cao và điều này đã góp phần vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghiệp của Sở trên phạm vị toàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua.
b. Ý thức chấp hành kỷ luật
Trong giai đoạn 2015-2019, toàn Sở có 02 trường hợp viên chức và người lao động bị kỷ luật. Trong đó, một trường hợp là do sinh con thứ 3 và một trường hợp là do vi phạm an toàn giao thông.
c. Mức độ gắn bó của người lao động với tổ chức
Theo kết quả khảo sát của tác giả (chi tiết quá trình khảo sát xem tại mục 2.4), hầu hết viên chức và người lao động trả lời phiếu khảo sát cảm thấy hãnh diện, tự hào khi được làm việc tại Khoa học và Công nghệ (được thể hiện khi giá trị trung bình đánh giá về vấn đề này đạt giá trị 4,16, cao nhất trong 4 tiêu chí được đưa ra đánh giá); và họ muốn gắn bó, làm việc lâu dài tại Khoa học và Công nghệ (được thể hiện khi giá trị trung bình đánh giá về vấn đề này đạt giá trị 4,14, cao thứ hai trong 4 tiêu chí được đưa ra đánh giá) (xem bảng 2.6). Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2019, toàn Sở có 05 trường hợp viên chức và người lao động nghỉ việc, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do: các viên chức và người lao động đã tìm được công việc mới thu nhập tốt hơn và một số ít trong số họ tự thành lập doanh nghiệp để quản lý.
Bảng 2.6. Kết quả đánh giá công tác tạo động lực cho viên chức và người lao động tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định STT Ý kiến đánh giá GT trung bình GT lớn nhất GT nhỏ nhất Độ lệch chuẩn 1
Viên chức và người lao động đánh giá cao công tác tạo động lực làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ.
3,92 5 2 0,63
2 Viên chức và người lao động hài lòng với
công việc được phân công. 3,94 5 2 0,51
3
Viên chức và người lao động cảm thấy hãnh diện, tự hào khi được làm việc tại Khoa học và Công nghệ.
4,16 5 3 0,42
4
Viên chức và người lao động muốn gắn bó, làm việc lâu dài tại Khoa học và Công nghệ.
4,14 5 3 0,49
Giá trị trung bình 4,04
(Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu khảo sát) d. Mức độ hài lòng của viên chức và người lao động
Từ thống kê số liệu khảo sát ở bảng 2.6 cho thấy viên chức và người lao động tại Sở khá hài lòng với công việc được phân công, khi giá trị trung bình đánh giá về vấn đề này là 3,94, tương đối khá cao so với thang điểm đánh giá từ 1 đến 5.
Ngoài ra, trong kết quả khảo sát cũng cho thấy viên chức và người lao động tại Sở đánh giá khá cao công tác tạo động lực làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ, khi giá trị trung bình đánh giá về vấn đề này là 3,92, cũng tương đối khá cao so với thang điểm đánh giá từ 1 đến 5. Tuy nhiên, khi nhìn nhận ở cả 4 tiêu chí được đưa ra đánh giá thì đây là 2 tiêu chí có giá trị đánh giá trung bình thấp hơn rất nhiều so với 2 tiêu chí còn lại. Điều này cho thấy viên chức và người lao động cảm thấy rất hãnh diện, tự hào và muốn gắn bó, làm việc lâu
dài tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định nhưng việc bố trí công việc chưa phù hợp và thu nhập nhận được chưa đảm bảo điều kiện sống nên viên chức và người lao động chưa thật sự hài lòng về công việc được giao cũng như chưa hoàn toàn đánh giá cao công tác tạo động lực làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định. Đây là cơ sở đánh giá quan trọng để Lãnh đạo Sở cần chú ý để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác tạo động lực cho viên chức và người lao động tại Sở trong thời gian tới.