6. Cấu trúc luận án
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp theo hướng TTX
1.1.2.1. Vị trí địa lí
Vị trí địa lí được xem là nhân tố khác biệt vì nhiều đặc điểm của ĐKTN và TNTN, điều kiện KT – XH và đặc điểm phân bố các đối tượng kinh tế của lãnh thổ có quan hệ mật thiết với vị trí địa lí. Vị trí địa lí góp phần tạo ra lợi thế so sánh của lãnh thổ, tạo nên một dạng tài nguyên đặc biệt gọi là tài nguyên vị thế.
Vị trí địa lí gắn liền với sự hiện diện các TNTN (đất, nước, khí hậu, các nguồn năng lượng, sinh vật...); quy định sự có mặt của các hoạt động nông nghiệp; tác động đến các nhân tố xã hội (LĐ, lịch sử phát triển, kinh nghiệm và tri thức bản địa...) trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng TTX. Vị trí địa lí còn ảnh hưởng đến việc trao đổi sản phẩm nông nghiệp, khả năng tiếp nhận khoa học công nghệ, thị trường tiêu thu, thu hút nguồn vốn đầu tư... Ví dụ: vị trí của Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm, gió mùa đã quy định nền nông nghiệp nước ta là nền nông nghiệp nhiệt đới với các sản phẩm đặc trưng là lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều... Các nông sản trao đổi trên thị trường thế giới tất nhiên chủ yếu là sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới và phát triển nông nghiệp theo hướng TTX nhiệt đới.
1.1.2.2. Nhân tố tự nhiên
SXNN nói chung và theo hướng TTX phụ thuộc vào TNTN, chúng cung cấp đầu vào cho SX (đất, nước, năng lượng, nguyên liệu…) bởi vì đối tượng lao động của ngành này là cây trồng, vật nuôi.
Đối với sự phát triển và phân bố nông nghiệp truyền thống, nhóm nhân tố tự nhiên bao gồm đất, nước, khí hậu, sinh vật… Hướng TTX nền kinh tế và TTX nông nghiệp thực sự được phát triển từ năm 2005 quan tâm đến sử dụng hiệu quả TNTN (còn gọi là vốn tự nhiên) nhằm giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường. TTX trong nông nghiệp coi TNTN là đầu vào của quá trình sản xuất, khai thác sử dụng đi đôi với bảo tồn tài nguyên (đất, nước, năng lượng, sinh vật…) là trọng tâm của TTX.
a. Đất trồng
Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu, là cơ sở để tiến hành trồng trọt và chăn nuôi, trồng rừng... Không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất. Quỹ đất, cơ cấu sử dụng đất, các loại đất, độ phì của đất có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô và phương hướng sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng, vật nuôi, mức độ thâm canh và năng suất cây trồng. Đất không chỉ là môi trường sống, nơi cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng (các chất khoáng trong đất như N, P, K... và các nguyên tố vi lượng). Đất còn cung cấp sinh kế và những hình thức canh tác đa dạng cho SXNN, đối với PTNN theo hướng TTX cần phải chú ý sử dụng tài nguyên đất hợp lý và bền vững để có đủ thời gian cho đất nghỉ và tái tạo cho quá trình sản xuất tiếp theo.
b. Nguồn nước
Muốn duy trì hoạt động nông nghiệp cần phải có đầy đủ nguồn nước ngọt cho cây trồng, nước uống, nước tắm rửa cho vật nuôi. Nước đối với sản xuất nông nghiệp là cần thiết như ông cha ta đã khẳng định: “nhất nước, nhì phân”. Số lượng và chất lượng nước ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Nhu cầu về nước của một lãnh thổ rất đa dạng, bao gồm nước cho hoạt động kinh tế (trong đó có nông nghiệp) và nước cho sinh hoạt của dân cư. Nếu nguồn nước không đủ đáp ứng về số lượng, chất lượng nước bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Đối với TTX trong nông nghiệp, nguồn nước tưới và chất lượng nguồn nước, điều kiện và bảo vệ nguồn nước có ý nghĩa quan trọng.
Vì vậy việc xây dựng hệ thống thủy lợi, các trạm bơm tưới, tiêu đảm bảo cho nhu cầu là rất cần thiết.
c. Khí hậu
Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những bất thường của thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán, gió nóng... có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ, các biện pháp canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tính mùa của khí hậu quy định tính mùa trong sản xuất và cả trong tiêu thụ sản phẩm (Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông, 2013).
BĐKH cùng với sự tăng lên của nhiệt độ Trái Đất, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan (lũ lụt, hạn hán...) trở thành mối đe dọa thường xuyên đối với sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, làm suy giảm diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, phải có chiến lược thích ứng với BĐKH, tái CCNN, lựa chọn giống và mùa vụ cây trồng, vật nuôi thích hợp. PTNN theo hướng TTX góp phần ứng phó với BĐKH làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cacbon.
d. Sinh vật
Sinh vật trong tự nhiên xưa kia là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng, vật nuôi. Sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật, hay nói cách khác về loài cây, con là tiền đề hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng và tạo khả năng chuyển đổi CCNN phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái.
Các diện tích đồng cỏ, bãi chăn thả và diện tích mặt nước tự nhiên là cơ sở thức ăn tự nhiên để phát triển ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ngày nay, mặc dù ngành chăn nuôi được đẩy mạnh nhờ ứng dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp dựa trên nguồn thức ăn được chế chế biến theo phương pháp công nghiệp, nhưng thức ăn tự nhiên vẫn còn vai trò quan trọng. Mô hình TTX nông nghiệp làm hạn chế suy giảm đa dạng sinh học, giảm tốc độ khai thác tài nguyên.
Đối với xu hướng TTX trong nông nghiệp, TNTN có vai trò quan trọng, trong quá trình sản xuất cần tính đến giá trị đầy đủ của TNTN, chú ý đến chí phí và sử dụng hiệu qủa TNTN, giám sát các nguồn TNTN (cả tái tạo và không tái tạo) về số lượng và chất lượng.
1.1.2.3. Nhân tố kinh tế - xã hội a. Dân cư và nguồn LĐ a. Dân cư và nguồn LĐ
Nhân tố này ảnh hưởng lới tới SXNN. Dân cư vừa là lực lượng sản xuất trực tiếp, vừa là nguồn tiêu thụ sản phẩm của các ngành này.
+ Dưới góc độ là lực lượng sản xuất trực tiếp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp,số lượng và chất lượng nguồn LĐ được coi là nhân tố quan trọng để phát triển nông nghiệp theo chiều rộng (mở rộng diện tích, khai hoang, ...) và theo chiều sâu (thâm canh, tăng vụ,...). Chính sức LĐ của con người là lực lượng sản xuất chủ yếu trong hầu hết các khâu của quá trình sản xuất. Các cây trồng, vật nuôi đòi hỏi nhiều công chăm sóc thường được phân bố ở các vùng đông dân, nhiều LĐ. Trong phát triển NN theo hướng TTX, nền NNST người nông dân được xem là bộ phận cấu thành không thể tách rời, kiến thức bản địa và kĩ năng mới dựa trên KHCN, nhận thức của người nông dân về nông nghiệp xanh, về NNST ảnh hưởng lớn tới xu thế TTX. Sự thiếu hụt về kiến thức và kĩ năng, trình độ tiếp thu và áp dụng quy trình công nghệ hạn chế khó có thể mang lại hiệu quả mà mục tiêu TTX đặt ra. Vai trò tham gia của người nông dân, của các nhóm cộng đồng được chú trọng.
+ Dưới góc độ tiêu dùng: Quy mô dân số đông, tốc độ gia tăng dân số nhanh (đặc biệt là gia tăng cơ học), mức sống dân cư ngày càng được nâng cao, thu nhập được cải thiện dẫn tới nhu cầu về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống (rau, thịt, trứng, sữa, hoa quả, thủy sản...) ngày càng đa dạng, phong phú cả về số lượng, chủng loại lẫn về độ an toàn và chất lượng.
b. Khoa học và công nghệ
KHCN thực sự là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của NN. Nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT, con người đã hạn chế được những ảnh hưởng của tự nhiên; chủ động hơn trong sản xuất; tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt. Nhân tố này tạo ra những khả năng sản xuất mới trong NN, cho phép tạo ra nông sản với sản lượng và chất lượng cao hơn, đồng thời lại giảm được chi phí sản xuất (Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông, 2013). KHCN còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCNN theo hướng CNH, HĐH thông qua việc chuyển từ cung cấp các sản phẩm thô sang cung cấp các sản phẩm đã qua chế biến.
KHCN là chìa khóa cho TTX, các công nghệ tiến bộ như di truyền học và công nghệ sinh học, rồi công nghệ thông tin – cầu nối giữa tri thức và tăng trưởng ngày càng áp dụng rộng rãi. Các công nghệ tiên tiến sử dụng hiệu quả công nghệ đất, nước, năng lượng và ít phát thải thay thế công nghệ lạc hậu đảm bảo hiệu quả KT và MT.
Trong phát triển NN theo hướng TTX, KHCN có vai trò quan trọng trong hướng dẫn người nông dân thực hiện các quy trình kĩ thuật, sản xuất, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định an toàn, các biện pháp thu giữ cacbon, quản lý dịch hại tổng hợp để vừa nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn lại bảo vệ MT.
c. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật
CSHT bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, nước... ảnh hưởng rõ rệt tới sản xuất nông nghiệp. Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa thì điều kiện quan trọng hàng đầu là mạng lưới và phương tiện giao thông. Đây là nhân tố thiết yếu để giảm chi phí vận chuyển, tăng cường liên kết giữa người nông dân với thị trường tiêu thụ, đồng thời giảm áp lực của chênh lệch địa tô.
Hệ thống thông tin thị trường cũng đóng vai trò quan trọng, giúp cho người nông dân và thương nhân nắm được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, giúp hướng dẫn canh tác, tiếp thị và đầu tư.
CSVCKT bao gồm hệ thống thủy nông, các trạm giống, thú y, các xí nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, các cơ sở giết mổ, các cơ sở thu gom và phân phối nông sản… là tiền đề giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao (Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông, 2013).
d.Thị trường
Là yếu tố cơ bản tác động đến quy mô, cơ cấu và giá trị các sản phẩm, có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển và ngược lại. Nhu cầu thị trường quyết định đến hướng chuyên môn hóa của sản xuất. Mặt khác, thị trường là yếu tố hướng dẫn và điều tiết các
hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể. Thị trường cũng có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển các vùng chuyên môn hóa.
Nhu cầu thị trường phụ thuộc vào thu nhập và cơ cấu dân cư của từng lãnh thổ. Thông thường thu nhập tăng tỉ lệ thuận với nhu cầu tiêu dùng. Đối với các nông phẩm tươi sống, nhu cầu có xu hướng giảm, ngược lại nhu cầu sản phẩm cao cấp đã qua chế biến tăng lên mạnh trong giai đoạn hiện nay. Điều đó tạo điều kiện để nông nghiệp và thủy sản nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển theo hướng chuyên môn hóa và hình thành liên kết nông - công nghiệp (Đặng Kim Sơn, 2014).
Trong nền kinh tế hiện nay, thị trường càng có vai trò quyết định đến sự phát triển nền sản xuất hàng hóa. Các nhân tố tự nhiên, LĐ, KHCN, cơ sở vật chất được xem là những yếu tố đầu vào, còn thị trường chính là yếu tố đầu ra, tác động đến sự phát triển nông nghiệp theo hướng TTX.
e. Vốn đầu tư
Có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển và phân bố NN theo hướng TTX, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Sự tiếp cận với vốn đầy đủ với nguồn vốn và mở rộng quy mô đầu tư là nhân tố quan trọng tác động đến TTX, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, đáp ứng các chương trình phát triển nông nghiệp, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển theo chiều rộng và chiều sâu. Đối với ngành nông nghiệp, vấn đề thu hút vốn đầu tư rất khó khăn. So với nhiều ngành kinh tế khác, đây là ngành nhận được ít đầu tư nhất do sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như tốc độ tăng trưởng thấp. Vì vậy, để phát triển một cách hiệu quả, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là phải thu hút được vốn đầu tư thì mới có thể sản xuất trên quy mô lớn cũng như áp dụng các thành tựu KHKT vào sản xuất đạt yêu cầu của TTX nền NN.
f. Chính sách và thể chế phát triển nông nghiệp
Các chính sách nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn tới con đường phát triển và các hình thức TCLTNN. Sự điều hành vĩ mô của Nhà nước với các chính sách, chế độ, biện pháp đúng đắn sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngược lại, nếu hệ thống chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm, thậm chí đẩy lùi quá trình phát triển nông nghiệp (Đặng Kim Sơn, 2014).
Phát triển NN theo hướng TTX đòi hỏi phải cải cách một số chính sách như chính sách ưu tiên về giá, chính sách nghiên cứu và sáng kiến về TTX, các chính sách về sản phẩm, chính sách ưu tiên về giá cho các sản phẩm xanh, ưu tiên cho các hoạt động sử dụng công nghệ ít phát thải. Cần xây dựng các thể chế cụ thể ở các địa phương như có sự tham gia của người dân, nâng cao vai trò của cá nhân và hộ gia đình trong hoạt động sản
xuất tập thể, vai trò tham gia của cộng đồng để khai thác và duy trì các khoản đầu tư cho phát triển nông nghiệp xanh.
Ở Việt Nam, việc phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần với đường lối mở cửa và với quan điểm “phi nông bất ổn”, “coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” đã thực sự kích thích nông nghiệp phát triển. Hàng loạt các chính sách của Nhà nước được ban hành tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với cơ cấu đa dạng, huy động được các thành phần kinh tế tham gia, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Chính sách ruộng đất, Chính sách đầu tư, Chính sách tín dụng, Chính sách giá cả thị trường, Chính sách xuất khẩu nông sản, Chính sách khuyến nông, Chính sách đổi mới CCNN nông thôn... Ở tầm vi mô, mỗi tỉnh và TP lại có các chương trình hay đề án riêng như phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, xây dựng nông thôn mới...
g. Phát triển kinh tế
TTX là sự hòa hợp giữa PTKT với BVMT, PTKT mang tính hiệu quả sinh thái và tăng cường tính đồng bộ giữa KT và môi trường. PTKT gắn với TTX nhằm bảo tồn TNTN để có thể tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ MT cho cuộc sống con người lâu dài. Phát triển công nghiệp nông thôn sẽ thúc đẩy phát triển NN, tạo việc làm, sinh kế; liên kết công nghiệp chế biến với nông nghiệp trong sản xuất hàng hóa. PTKT sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tích lũy vốn, đảm bảo phát triển dài hạn với bảo vệ môi trường.