6. Cấu trúc luận án
4.3.6. Quản lí và sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên, bảo vệ môi trường, áp dụng
biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong phát triển nông nghiệp xanh
a. Nguyên tắc chung để xây dựng các mô hình và giải pháp quản lí và sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên (ĐKTN và TNTN), bảo vệ môi trường và PTBV ở vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long “... cần phải dựa trên và hài hòa 3 yếu tố cốt lõi là NƯỚC, ĐẤT và CON NGƯỜI. Trong đó nguồn NƯỚC là yếu tố đầu vào cùng với ĐẤT là nguồn tài nguyên sống còn cho phát triển KT – XH, nguồn lực CON NGƯỜI sẽ quyết định quản lí và sử dụng bền vững đất, nước và các nguồn lực khác, chuyển hóa các thách thức và tận dụng cơ hội để phát triển, thích ứng và ứng phó tốt với BĐKH...” (Trần Hồng Hà, 2017). Đây là vấn đề cốt lõi đảm bảo cho nông nghiệp hàng hóa TTX và PTBV.
- Xác định cơ cấu mùa vụ cây trồng hợp lí, sử dụng các giống kháng sâu bệnh, chịu hạn mặn, ngắn ngày; bón phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học và thuốc BVTV, loại bỏ các thuốc có độc tố bị cấm sử dụng. Tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, quản lí cây trồng tổng hợp ICM, thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP.
- Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung có chuồng trại hợp vệ sinh, xa khu dân cư, có kiểm soát dịch bệnh; tôn trọng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.
- Gia tăng độ che phủ để tăng khả năng hấp phụ các-bon bằng cây ăn quả lâu năm và giảm diện tích 2 – 3 vụ lúa. Chọn hướng phát triển trồng trọt dựa trên đặc trưng tự nhiên, TTX và tác động của BĐKH là cây ăn quả, luân canh lúa – màu, lúa – thủy sản, lúa – rau an toàn...
- Quản lí và giám sát vùng NTTS và môi trường nuôi hiệu quả, tuân thủ các quy định điều kiện sản xuất, thực hiện các tiêu chuẩn bắt buộc (VietGAP...) và không gây ô nhiễm môi trường.
- Phát triển du lịch sinh thái vườn (đặc biệt trên các cù lao của sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên) góp phần gìn giữ cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng sông nước ĐBSCL, góp phần bảo vệ môi trường sống.
b. Thực hiện những biện pháp thích ứng với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp - Đối với trồng trọt:
+ Nghiên cứu và dựa vào canh tác các giống cây trồng mới với năng suất cao hơn, khả năng chống chịu và thích ứng rộng hơn (ví dụ các giống lúa lai); khôi phục các giống bản địa; thay đổi cơ cấu giống và tăng cường sử dụng giống ngắn ngày, giống chịu mặn, chịu phèn.
+ Thay đổi cơ cấu luân canh cây trồng, chuyển đổi một phần diện tích lúa (hoặc 1 vụ lúa) sang NTTS, trồng cây ăn quả...
- Đối với chăn nuôi:
+ Nghiên cứu việc chế biến và sử dụng thức ăn, tăng chất lượng thức ăn cho chăn nuôi để tăng sản lượng thịt, sữa; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, xử lí và chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
+ Cải tạo hệ thống chuồng trại hiện có, đầu tư xây dựng mới hệ thống chuồng trại thông thoáng, hệ thống chống nóng, chống rét, thích ứng được với BĐKH; xử lí chất thải sau biogas làm phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học.
+ Quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng hệ thống quản lí và xử lí chất thải theo tiêu chuẩn quy định.
- Đối với thủy sản:
+ Đa dạng hóa đối tượng nuôi, mô hình NTTS, tận dụng diện tích phát triển nuôi trồng.
+ Áp dụng tiến bộ KHKT, các quy trình công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, xây dựng mô hình sản xuất thích ứng với xu thế nhiễm mặn, thay đổi lịch thời vụ.
+ Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những hộ thủy sản bị ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.
c. Áp dụng kịp thời các biện pháp giảm nhẹ BĐKH trong nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp có nguồn phát thải KNK chủ yếu là mêtan (CH4), ôxít nitơ (N2O2), monoxit các-bon (CO) từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, NTTS... Phát thải KNK trong trồng trọt chủ yếu từ canh tác lúa nước (chiếm 62,4% tổng lượng phát thải của nông nghiệp), tiếp đến là chăn nuôi (18,7%) (Nguyễn Văn Viết, Đinh Vũ Thanh, 2014).
- Kiểm soát phát thải KNK trong canh tác lúa nước thông qua ổn định và kiểm soát diện tích gieo trồng (dự báo đến năm 2030 diện tích gieo trồng lúa của tỉnh còn 137,7 nghìn ha, giảm 31,7 nghìn ha (xem bảng 4.4). Kiểm soát kĩ thuật tưới tiêu lúa để
vừa giảm phát thải KNK, vừa tiết kiệm chi phí tưới nước; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây rau thực phẩm, NTTS, đặc biệt là chuyển đổi 1 vụ lúa trên diện tích đất trồng 3 vụ lúa nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và lại giảm được phát thải KNK (hiệu quả kinh tế 1 ha lúa/năm trên đất chuyên 3 vụ lúa có thu nhập 63,1 triệu đồng, trong khi 1 vụ lúa – 2 vụ khoai lang cao gấp 6,3 lần, 1 vụ lúa – 2 vụ rau cao gấp 2,4 lần) (UBND tỉnh Vĩnh Long, 2016).
- Kiểm soát số lượng và chất lượng thức ăn cung cấp cho chăn nuôi, thay đổi khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tiến thức ăn chăn nuôi làm tăng khả năng hấp thụ thức ăn, nâng cao sản lượng sữa và thịt. Như vậy số đầu bò lấy thịt và sữa giảm do tăng lượng sữa và thịt/ 1 đầu bò, giảm phát thải KNK; xây dựng bể biogas để xử lí phế thải; có biện pháp quản lí chất thải chăn nuôi.
- Cải tiến kĩ thuật, công nghệ, quản lí chất thải trong NTTS; cải tiến và đổi mới dịch vụ NTTS như cung cấp giống, thức ăn, hóa chất... nhằm giảm KNK.