6. Cấu trúc luận án
4.3.3. Huy động các nguồn vốn đầu tư
Trong giai đoạn 2005 – 2017 vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp chiếm tỉ trọng nhỏ và tăng chậm (3,5 – 5,3% tổng vốn đầu tư 3 nhóm ngành kinh tế) làm hạn chế việc thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp (năm 2017, vốn đầu tư cho nông nghiệp có 665,8 tỉ đồng, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư cho các nhóm ngành kinh tế). Sang giai
đoạn 2017 – 2030 nhu cầu vốn đầu tư riêng cho ngành nông nghiệp là 12,1 nghìn tỉ đồng, cùng với nhu cầu cho thủy sản là 16,0 nghìn tỉ đồng (gấp 24,0 lần thực tế đầu tư cho nông nghiệp và thủy sản năm 2017). Vì thế cần phải có những giải pháp phát huy vốn một cách tích cực bao gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, nông hộ, chủ trang trại, HTX; vốn FDI; ngoài ra còn các nguồn vốn khác như vốn liên doanh, liên kết, vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước... Cơ cấu vốn đầu tư sẽ thay đổi theo hướng giảm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng nguồn vốn từ các doanh nghiệp, trong dân cư; các nguồn vốn liên doanh, liên kết.
- Đối với ngân sách Nhà nước
Ưu tiên các công trình có nguồn vốn lớn và quan trọng như hệ thống giao thông nông thôn, điện phục vụ sản xuất, thủy lợi... Đảm bảo thực hiện tiến độ đúng thời hạn. Tăng khả năng tiếp cận và giải ngân nguồn vốn đầu tư đúng tiến độ.
- Đối với nguồn vốn tín dụng
Đa dạng hóa các hình thức cho vay, trong đó chú trọng mở rộng các hình thức cho vay không phải thế chấp và cho vay bảo hiểm, tăng vốn vay trung hạn và dài hạn với lãi suất và thời gian phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi. Thực hiện chính sách cho vay theo nhóm đối tượng ngành nghề, trong đó ưu tiên cho các nhóm ngành nghề thuộc các dự án xây dựng vùng sản xuất tập trung, vùng ứng dụng công nghệ cao và nhóm đối tượng cần vốn để chuyển đổi ngành nghề, mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.
Mở rộng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, HTX, trang trại nông nghiệp dưới hình thức cho thuê tài chính nhằm giảm bớt khó khăn về tài sản thế chấp và hạn chế rủi ro đối với người cho vay.
- Đối với nguồn vốn trong dân và các doanh nghiệp: khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đơn giản hóa thủ tục quản lý đầu tư, nhất là thủ tục cấp và giao đất, giảm tiền thuê đất và miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.