năm 2017 phân theo vùng
Nguồn: (Bộ NN và PTNT, 2006 – 2018), (Tổng cục Thống kê, 2012, 2018)
b. Những tồn tại
- Cơ cấu N, L, TS chuyển dịch chậm, trong 12 năm (2005 – 2017) tỉ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GTSX N, L, TS chỉ giảm 1,3 điểm %, tỉ trọng ngành thủy sản còn thấp, chưa xứng với lợi thế sẵn có.
- Sự phát triển nông nghiệp chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác nhiều vốn tự nhiên (đất, nước, rừng, biển, ĐDSH...) làm suy thoái và phá hủy đất canh tác, nguồn nước và rừng...
- Sử dụng quá nhiều hóa chất, thuốc BVTV, phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp; sử dụng hóa chất trong NTTS, khai thác ven bờ trái phép, khai thác thủy sản trong mùa sinh sản, sử dụng công cụ khai thác hủy hoại môi trường... làm suy thoái nghiêm trọng nguồn nước ngầm, giảm độ phì của đất, sự đa dạng của cây trồng, suy giảm nguồn lợi thủy sản.
- BĐKH đang diễn ra làm gia tăng áp lực lên vốn tự nhiên cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất, nước, rừng, đa dạng sinh học và hệ sinh thái, ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi và ảnh hưởng tới đời sống, thu nhập của bộ phận lớn dân cư. Khả năng ứng phó của nông nghiệp với BĐKH còn yếu.
- Năng suất LĐ trong nông nghiệp còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ của người LĐ chưa cao, trang bị công cụ và máy móc còn thiếu, chi phí LĐ và vật tư (giống, phân bón, thuốc BVTV...) cao.
- Việc ứng dụng tiến bộ kĩ thuật và KHCN trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần đáng kể vào tăng năng suất và giá trị nông sản. Tuy nhiên mức độ ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp vẫn còn hạn chế...
1.2.2.2. Phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Thực hiện TTX ở nước ta, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai đồng bộ cùng với việc ứng phó với BĐKH, tuy có chậm hơn.
a. Chiến lược quốc gia về TTX đã được (Thủ tướng Chính phủ, 25/9/2012) phê duyệt: Quan điểm về TTX của Chiến lược này: TTX là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH; TTX dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải KNK, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế; TTX góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Chiến lược TTX chỉ rõ giảm cường độ phát thải KNK, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (giai đoạn 2011 – 2020 giảm cường độ phát thải KNK 8 – 10% so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5%/năm). Đối với nông nghiệp: giảm phát thải KNK thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, mùa vụ trong N, L, TS, áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, vốn tự nhiên (đất, nước...).
Kết quả kiểm kê KNK của ngành nông nghiệp cho thấy KNK phát thải từ các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, NTTS..., trong đó trồng lúa có nguồn phát thải CH4 lớn nhất (chiếm 62,4% tổng lượng phát thải của nông nghiệp), tiếp theo là chăn nuôi gia súc (18,7%)..., vì thế đã đề ra các biện pháp giảm phát thải KNK để thực hiện TTX nông nghiệp.
b. Kế hoạch hành động Quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020
Từ Chiến lược quốc gia về TTX của Việt Nam (Quyết định số 1393 ngày 25/9/2012), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ, 25/9/2012). Như vậy, chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động Quốc gia về TTX còn rất mới, đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 hoạt động cụ thể, lĩnh vực NLTS tập trung chủ yếu vào 5 hoạt động cụ thể, đó là:
- Áp dụng kĩ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và nâng cao trình độ quản lí để giảm phát thải KNK, bao gồm:
+ Ứng dụng các giống lúa ngắn ngày năng suất cao để giảm phát thải KNK, tăng cơ cấu các giống chịu mặn, lúa lai; kiểm soát diện tích gieo trồng, giống lúa sử dụng, chuyển đổi 1 vụ lúa trên diện tích đất gieo trồng 2 – 3 vụ lúa kém hiệu quả sang NTTS, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn lại giảm được phát thải KNK...
+ Áp dụng quy trình tưới tiêu tiết kiệm nước trong sản xuất lúa và các cây trồng khác; sử dụng giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc hợp lí để nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp và giảm phát thải KNK.
+ Ứng dụng phân ủ hữu cơ trong trồng trọt.
- Tái sử dụng, tái chế phụ phẩm, phế thải nông nghiệp, đổi mới công nghệ, thay đổi cơ cấu:
+ Hỗ trợ đầu tư cho các đề tài nghiên cứu công nghệ xử lí và tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, biogas, phân bón hữu cơ để nâng cao giá trị và giảm phát thải ô nhiễm.
+ Ban hành các chính sách khuyến khích tái chế phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp.
- Ứng dụng phổ biến thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi (cung cấp bánh dinh dưỡng MUB – Molasses Ure Block) để tăng khả năng hấp thụ, giảm phát thải KNK (CH4, CO2), chất lượng sản phẩm chăn nuôi sạch và nâng cao hiệu quả kinh tế.
+ Tăng chất lượng thức ăn cho gia súc, tăng sản lượng thịt, sữa.
+ Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, quản lí nguồn chất thải chăn nuôi.
+ Xây dựng bể biogas để xử lí phế thải chăn nuôi (tiết kiệm nguồn nhiên liệu, chất đốt, giảm phát thải CH4,CO2,CO, NO2...), làm sạch vệ sinh môi trường.
- Trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lí tài nguyên rừng bền vững. + Quản lí tốt tài nguyên rừng, nâng tỉ lệ che phủ rừng, làm giàu tài nguyên rừng và bể hấp thụ KNK.
+ Triển khai sáng kiến về giảm phát thải KNK thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) mà Việt Nam là một trong những quốc gia được lựa chọn.
+ Duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư khu vực miền núi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.
- Đổi mới công nghệ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
+ Điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền công suất không phù hợp với ngư trường đánh bắt, quy hoạch vùng khai thác thủy sản.
+ Cải tiến kĩ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất và dịch vụ nghề cá.
+ Đổi mới, cải tiến công nghệ, kĩ thuật NTTS, quản lí chất thải, dịch vụ NTTS. - Việt Nam là quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp phát triển, chiếm tỉ trọng còn lớn trong nền kinh tế (năm 2017 chiếm 15,3% kể cả thuế sản phẩm và 17,1% không tính thuế sản phẩm với 40,2% LĐ đang làm việc trong các ngành kinh tế và 65,0% dân số sống ở nông thôn). Hoạt động N, L, TS góp phần suy giảm nguồn vốn tự nhiên, phát thải một lượng không nhỏ KNK. Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện TTX nền
kinh tế, trong đó có TTX trong nông nghiệp. Đây được xem là mô hình mới của TTKT thúc đẩy quá trình tái CCNN và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn vốn tự nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thông qua tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên. Qua đó góp phần ứng phó với BĐKH, giảm nghèo và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững
TTX nền kinh tế nói chung và TTX nông nghiệp nói riêng mới triển khai được thời gian ngắn. Đây mới chỉ là kết quả ban đầu, nhiều nội dung chưa đi vào thực tiễn. Song về cơ bản đã đưa TTX nông nghiệp từ chiến lược thành hành động cụ thể.
Tiểu kết chương 1
N, L, TS là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong việc đảm bảo an ninh lương thực; cung cấp các yếu tố đầu vào cho công nghiệp, dịch vụ; tạo việc làm và thu nhập cho bộ phận dân cư; góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Việc phát triển và phân bố N, L, TS chịu sự chi phối của các nhân tố vị trí địa lí; điều kiện tự nhiên và TNTN (địa hình, đất, khí hậu, nguồn nước, sinh vật) và KT – XH (LĐ, KHCN, CSHT và CSVCKT, thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư, chính sách và thể chế phát triển nông nghiệp) phù hợp với một số hình thức TCLT và tổ chức sản xuất như hộ nông dân, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, vùng chuyên canh và tiểu vùng nông nghiệp.
Sản xuất và tăng trưởng nông nghiệp phụ thuộc vào vốn tự nhiên, nơi cung cấp đầu vào cho quá trình sản xuất, đồng thời môi trường tự nhiên cũng là nơi chứa các chất thải, khí thải... cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường, phát thải một lượng không nhỏ KNK làm cho Trái Đất bị nóng lên. Mô hình phát triển nông nghiệp thông thường của các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) là dựa trên khai thác vốn tự nhiên gây ô nhiễm môi trường dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng và PTKT, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc sử dụng không bền vững vốn tự nhiên. Đó chính là mô hình TTX, KTX.
TTX nói chung và TTX nông nghiệp nói riêng hướng tới việc sử dụng vốn tự nhiên hiệu quả hơn, tăng năng suất LĐ đồng thời giảm tác động đến môi trường. TTX nông nghiệp lấy các hoạt động giảm phát thải KNK, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH làm động lực cho tăng trưởng nông nghiệp và TTKT.
Nước ta cùng với tất cả các quốc gia trên thế giới đang tích cực thực hiện Chiến lược TTX, được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về TTX (Quyết định số 1393 ngày 25/09/2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX (Quyết định số 403 ngày 20/03/2014). Những kết quả ban đầu về thực hiện TTX trong nông nghiệp chưa nhiều
vì thời gian triển khai mới từ đầu năm 2014, song sẽ làm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư về TTX và PTBV.
Chương 1 đã tổng quan lí luận và thực tiễn về phát triển nông nghiệp và hướng TTX trong nông nghiệp. Từ kinh nghiệm của các nước, quan điểm và kế hoạch hành động TTX trong nông nghiệp của Việt Nam là cơ sở để tác giả vận dụng vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng TTX.
Chương 2: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH VĨNH LONG THEO HƯỚNG TĂNG TRƯỞNG XANH
2.1. Vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ
2.1.1. Vị trí địa lí
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm ĐBSCL, cách TP Hồ Chí Minh 136 km về phía Đông Bắc, cách TP Cần Thơ 40 km về phía Nam, với tọa độ địa lí từ 9052'45" đến 10019'50" vĩ độ Bắc và từ 104041'25" đến 106017'00" kinh độ Đông. Vị trí giáp giới như sau (Cục Thống kê Vĩnh Long, 2011, 2016, 2018).
- Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
- Phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. - Phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh.
- Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.
Tỉnh Vĩnh Long có diện tích tự nhiên (năm 2017) là 1.525,7 km2, đứng thứ 12/13 tỉnh vùng ĐBSCL (chỉ trên TP Cần Thơ) với 3,7% diện tích toàn vùng.
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng trung tâm với đặc điểm nổi bật, theo Giáo sư (Lê Bá Thảo, 1986) là trù phú vào bậc nhất của toàn đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, được sông Tiền và sông Hậu cùng với các chi, nhánh trực tiếp bồi tụ trên đường tiến ra biển. Cảnh quan của khu vực này khá đa dạng, bao gồm các đảo (cù lao), bãi bồi ven sông và gờ sông và các cảnh quan đồng bằng. Các điều kiện khí hậu, thủy văn tương đối thuận lợi. Thời gian ngập lũ ngắn hơn, thoát nước nhanh hơn, có nước ngọt quanh năm thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Nếu có hệ thống thủy lợi tốt sẽ khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô, đẩy mạnh đa dạng hóa cơ cấu mùa vụ.
Nằm giữa hai sông lớn nhất vùng là sông Tiền và sông Hậu gắn với 2 cây cầu hiện đại: cầu Mỹ Thuận nối liền hai bờ sông Tiền (nối Vĩnh Long với tỉnh Tiền Giang) và cầu Cần Thơ vắt qua hai bờ sông Hậu (nối Vĩnh Long với TP Cần Thơ); đi qua địa bàn còn có các tuyến giao thông quan trọng là quốc lộ 1A, 53, 54, 57, 80.
Vị trí địa lí tạo cho Vĩnh Long lợi thế vượt trội so với các tỉnh khác của ĐBSCL là có thể chủ động sản xuất nông sản gần như 12 tháng trong năm (có nước ngọt quanh năm, chịu ảnh hưởng của lũ nhẹ hơn vùng Đồng Tháp Mười, chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nhẹ hơn các tỉnh ven biển). Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, nhất là sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường thì nông sản từ Vĩnh Long tỏa đi toàn vùng rất thuận lợi và tỉnh có thể trở thành trung tâm bảo quản - chế biến và giao dịch nông sản hàng hóa lớn của vùng ĐBSCL, nhất là cây ăn quả đặc sản, rau đậu các loại.
Với vị trí địa lí trung tâm của đồng bằng trung tâm có TNTN (đất, nước, khí hậu...) ưu đãi, Vĩnh Long có lợi thế để hình thành nền nông nghiệp toàn diện, đa canh, thâm
canh có hiệu quả cao theo hướng TTX với các nông sản chiến lược là: trái cây đặc sản, lúa, rau màu - thực phẩm, thịt bò, thịt heo, thịt gia cầm với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cảnh quan sông nước, lại có các cù lao màu mỡ là những điều kiện thuận lợi để Vĩnh Long phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, do tỉnh nằm kề Cần Thơ, một cực tăng trưởng của Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ, KHCN lớn nhất cả nước nên khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Cũng do nằm trong vùng ĐBSCL, 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương mạnh nhất do BĐKH, nước biển dâng, tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có NN, điều này cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược PTNN theo hướng tăng trưởng xanh trên quy mô và nước và tỉnh Vĩnh Long.
2.1.2. Phạm vi lãnh thổ
Cho đến năm 2017, tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính, bao gồm 1 TP (TP Vĩnh Long), 1 TX (Bình Minh) và 6 huyện: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân với 5 thị trấn (Long Hồ, Cái Nhum, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn), 10 phường và 94 xã. Dân số toàn tỉnh (năm 2017) có 1.050,2 nghìn người (đứng thứ 10/13 tỉnh ĐBSCL), mật độ dân số là 688 người/km2 (đứng thứ 3 sau TP Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang) (Cục Thống kê Vĩnh Long, 2011, 2016, 2018), (Cục Thống kê 13 tỉnh, TP vùng ĐBSCL, 2018).
2.2. Nhân tố tự nhiên
2.2.1. Địa hình
Nằm kẹp giữa hai sông lớn, địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng, cao ở hai ven sông, thấp trũng ở giữa tạo thành hình lòng máng. Độ cao trung bình từ 0,6 – 1,2m so với mực nước biển (90% diện tích lãnh thổ). Toàn tỉnh chỉ có TP Vĩnh Long và thị trấn Trà Ôn có độ cao trung bình 1,25 m. Nhìn chung, địa hình của tỉnh trải rộng dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thấp dần từ Bắc xuống Nam, chịu ảnh hưởng của nước mặn, lũ không lớn, có thể chia ra 3 khu vực (UBND tỉnh Vĩnh Long, 2017).
- Khu vực có độ cao trung bình từ 1,0 đến 1,25 m (chiếm 37,2% diện tích) ở ven sông Hậu, sông Tiền, sông Mang Thít, ven sông rạch lớn cũng như cù lao giữa sông và