Nhóm công trình nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với các làng nghề hiện nay

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 30 - 33)

làng nghề hiện nay

- Công trình “Nghiên cứu chính sách và giải pháp phát triển làng nghề ở Việt Nam” [129], đề tài khoa học cấp bộ do Nguyễn Quang Dũng làm chủ

nhiệm. Công trình đã nghiên cứu, đánh giá tình hình chung về phát triển làng nghề và một số chính sách phát triển làng nghề, đưa ra một số bất cập trong việc thực hiện chính sách phát triển làng nghề. Đặc biệt là môi trường thể chế cho sự phát triển của làng nghề. Sự không đồng bộ và thiếu nhất quán trong các đạo luật, nhất là việc thi hành các đạo luật trong bộ máy hành pháp các cấp không đúng đắn nghiêm minh đã cản trở rất lớn đến sự phát triển của làng

nghề. Các cơ quan quản lý kinh tế ở địa phương làm việc thiếu công minh, gây khó khăn cản trở tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Đề tài cũng chỉ ra để bảo đảm môi trường thuận lợi thúc đẩy làng nghề phát triển thì hệ thống pháp luật cần phải sửa đổi, ban hành đồng bộ, thống nhất, nhất quán và rõ ràng. Bộ máy hành pháp cần phải được kiện toàn thật sự trong sạch và thi hành pháp luật một cách nghiêm minh và trung thực.

- Công trình “Một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn" [6], công trình khoa học hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản do nhà xuất bản Nông nghiệp ấn hành. Cuốn sách đã hệ thống về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ngành nghề nông thôn như: Phát triển NNNT, công nhận nghề truyền thống, làng nghề, LNTT; chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng và xử lý môi trường làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Từ đó đưa ra những chính sách cụ thể để phát triển ngành nghề nông thôn như: chính sách về đầu tư tín dụng, chính sách về hoạt động thương mại; chính sách về khoa học công nghệ; chính sách về đào tạo nghề và chính sách về hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

- Báo cáo “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các

khu kinh tế, làng nghề" [46] của Quốc hội, công trình đã phân tích và làm rõ tình

hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các làng nghề. Từ đó chỉ ra những mặt được, chưa được và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém về công tác bảo vệ môi trường đối với các làng nghề. Đề xuất các giải pháp về bảo vệ môi trường tại các làng nghề như: Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện; nhóm giải pháp về nguồn lực. Đồng thời đưa ra những kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện bảo vệ môi trường trong các làng nghề, tạo điều kiện để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững.

- Công trình “Đánh giá thực trạng và đề xuất các chính sách, giải pháp

chủ yếu phát triển bền vững làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” [29], đề tài khoa học cấp thành phố do Hoàng Hà làm chủ nhiệm. Công

trình đã đi sâu đánh giá, thực trạng QLNN đối với các làng nghề ở Hà Nội, đã chỉ rõ lĩnh vực này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều hạn chế bất cập như: Công tác quy hoạch, kế hoạch; vấn đề thị trường và nguồn nguyên liệu; vấn đề công nghệ và nguồn nhân lực; vấn đề môi trường. Đề xuất được các giải pháp có tính khả thi nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề Hà Nội theo hướng bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Công trình “Quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và

Nhà nước về phát triển làng nghề truyền thống vùng ĐBSH theo hướng bền vững”, đề tài khoa học cấp Bộ trọng điểm của Mai Thế Hởn chủ nhiệm. Đề tài

đã làm rõ những vấn đề lý luận về phát triển LNTT theo hướng bền vững. Đồng thời, đã phân tích và đánh giá quá trình từ khi đổi mới đến nay, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển làng nghề và LNTT. Các chính sách đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững LNTT trong quá trình CNH, HĐH đất nước được thể hiện bằng các Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn các bộ, ngành…, đó là: Chính sách về quy hoạch, kế hoạch; chính sách về đất đai; chính sách về tài chính tín dụng và đầu tư; chính sách đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho làng nghề; chính sách phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách về phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm; chính sách về bảo vệ môi trường.

- Công trình “Nghiên cứu phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông

thôn mới ở tỉnh Bắc Ninh”, Luận án Tiến sỹ kinh tế của Lê Xuân Tâm

[63]. Luận án đã luận giải có căn cứ khoa học dự báo và đề xuất các giải pháp về QLNN đối với làng nghề và ý nghĩa quan trọng của việc phát triển làng nghề trong xây dựng nông thôn mới. Sự hình thành và phát triển làng nghề là tất yếu khách quan, gắn bó hữu cơ với nông nghiệp, nông thôn. Phát triển làng nghề có vai trò quan trọng đối với giải quyết việc làm, tăng

thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Từ đó tác giả đã đề xuất giải pháp QLNN đối với làng nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới như: Hoàn thiện quy hoạch làng nghề, hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước; hoàn thiện bộ máy QLNN đối với làng nghề; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; hỗ trợ các làng nghề tìm kiếm thị trường.

- Công trình “Chính sách nhà nước về phát triển làng nghề thủ công mỹ

nghệ Việt Nam" [37] của Nguyễn Thị Thu Hường. Luận án đã hệ thống hóa và

làm rõ các vấn đề lý luận về làng nghề, xác định nhân tố ảnh hưởng và khẳng định sự cần thiết của các chính sách phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam. Ngoài ra, còn nghiên cứu chính sách phát triển làng nghề của một số quốc gia trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam cần quan tâm. 05 nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách nhà nước về phát triển làng nghề và các điều kiện để hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Việc hoàn thiện chính sách nhà nước về phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam là cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 30 - 33)