Đặc điểm của làng nghề

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 37 - 39)

Thứ nhất, các làng nghề ở Việt Nam nói chung đều có điều kiện sản xuất

kinh doanh gắn bó với hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp.

Có thể nhận thấy đại đa số các nghề thủ công truyền thống đều bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp, gắn liền với quá trình phân công lao động ở nông thôn. Các nghề truyền thống đa phần ra đời vì mục đích phục vụ sinh hoạt tự cung, tự cấp cho các vùng nông thôn trong điều kiện sản xuất hàng hóa chưa phát triển lúc bấy giờ. Đặc biệt, các nghề truyền thống còn dựa phần lớn vào nông nghiệp để phát triển như phụ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng lao động nhàn rỗi trong thời gian nông nhàn, nguồn vốn và thị trường chủ yếu là vùng nông thôn.

Ngày nay, các sản phẩm làng nghề được sản xuất ra từ một số tổ hợp, HTX, doanh nghiệp làng nghề thì phần lớn các làng nghề thủ công tại Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, mỗi gia đình là một xưởng sản xuất nhỏ, lao động chính là các thành viên trong gia đình, mỗi thành viên phụ trách một khâu trong quá trình sản xuất. Chủ gia đình có thể là chủ xưởng, điều hành toàn bộ hoạt động của xưởng sản xuất; thông thường chủ gia đình là thợ cả hoặc nghệ nhân. Mỗi xưởng sản xuất đều có sự độc lập nhất định, việc thuê mướn lao động ngoài hoặc liên kết với các xưởng sản xuất khác thường không thường xuyên, khiến cho việc liên kết giữa các xưởng sản xuất trong làng rất mờ nhạt, là yếu điểm lớn của các làng nghề trong hội nhập kinh tế quốc tế, bởi với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hộ gia đình không đủ nguồn lực để có thể đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn hay đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất nhằm tăng năng suất lao động.

Thứ hai, sản phẩm của làng nghề chủ yếu mang tính đơn chiếc, độc đáo,

chuyên môn hóa cao.

Phần lớn mỗi làng nghề chỉ trung thành phát triển một nghề thủ công duy nhất. Sự chuyên môn hóa càng được thể hiện nếu kỹ thuật sản xuất ra sản phẩm càng tinh vi. Các sản phẩm của làng nghề là sự kết tinh của phương pháp lao động thủ công, dưới bàn tay và bộ óc sáng tạo của các nghệ nhân, có tính cá biệt cao, có sắc thái riêng của mỗi làng nghề, mỗi nghệ nhân. Mỗi sản phẩm xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật, bộc lộ những nét tinh xảo, điêu luyện, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật trang trí. Truyền thống nghề và truyền thống văn hóa vùng miền, tập quán, phong tục từng nơi, từng vùng được thể hiện rõ nét trong từng sản phẩm, tạo ra những nét riêng có, những đặc điểm nhận dạng nổi trội cho sản phẩm [33, tr.26-31].

Thứ ba, công nghệ, kỹ thuật sản xuất sản phẩm ở một số làng nghề có áp

dụng máy móc, nhưng phần lớn vẫn còn thô sơ, lạc hậu.

Các kỹ thuật được sử dụng chủ yếu dựa trên sức lực và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, công cụ lao động sử dụng trong các làng nghề đa số là công cụ thủ công. Mặc dù ngày nay việc áp dụng cơ khí hóa và điện khí hóa vào trong quá trình sản xuất nhưng đối với các làng nghề truyền thống, khả năng cơ giới hóa các quá trình sản xuất hay một số công đoạn sản xuất sản phẩm thường là không khả thi. Phần lớn chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào kỹ thuật khéo léo, tinh xảo của đôi bàn tay, vào đầu óc thẩm mỹ và sáng tạo của người thợ, của các nghệ nhân [33, tr.30-31].

Thứ tư, nguyên vật liệu đầu vào chủ yếu được cung cấp tại chỗ.

Do nguồn gốc của phần lớn các nghề nông thôn được tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong vùng, hoạt động sản xuất, kinh doanh các nghề nông thôn thường được tổ chức giữa các vụ mùa chính nhằm lao động nông nhàn và sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào đều là nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các nguyên liệu đó có thể là các sản phẩm phụ, những

phế phẩm thừa, thải ra sau quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, tùy theo đặc thù của từng loại sản phẩm, cũng có nhiều sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài nhưng số lượng không đáng kể [35, tr.31].

Thứ năm, hình thức tổ chức sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ.

Hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình, ở một số nơi đã có sự phát triển thành tổ chức hợp tác và doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, quy mô phần lớn còn tự phát và nhỏ lẻ, chưa có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, thiếu khả năng quản trị chuyên nghiệp trong môi trường toàn cầu hóa.

Thứ sáu, thị trường tiêu thụ sản phẩm hẹp, chủ yếu là thị trường trong nước.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề phần lớn là thị trường địa phương, tại chỗ, nhỏ hẹp, bởi nguyên nhân ra đời đầu tiên và trước nhất của các làng nghề chính là đáp ứng nhu cầu về hàng tiêu dùng tại chỗ của các địa phương. Tại mỗi làng nghề hoặc cụm làng nghề đều có các khu chợ, đóng vai trò là nơi tiêu thụ sản phẩm, trao đổi, buôn bán nguyên vật liệu đầu vào. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường của làng nghề về cơ bản vẫn là thị trường địa phương, tỉnh hay liên tỉnh. Thị trường xuất khẩu cũng còn nhiều khó khăn do những hạn chế về quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, năng suất lao động thấp, khả năng tổ chức sản xuất và tiếp thị toàn cầu cũng như xây dựng thương hiệu toàn cầu còn rất yếu.

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(185 trang)
w