Tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước đối với làng nghề

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 66 - 68)

Thứ nhất, chất lượng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Tiêu chí này cần đánh giá trên các mặt: quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công khai quy hoạch, quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch. Chỉ tiêu này nhằm đảm bảo tính bền vững ngay từ giai đoạn đầu của quá trình quy hoạch phát triển làng nghề. Nó thể hiện ở tính hợp lý, đồng bộ khoa học, thực tiễn và hiệu quả trong quy hoạch các yếu tố chủ đạo của làng nghề như xác định lĩnh vực và ngành thu hút đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, điện nước… nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.

Thứ hai, chất lượng xây dựng chính sách đối với phát triển làng nghề.

Việc đánh giá chất lượng xây dựng cơ chế chính sách phát triển làng nghề trên địa bàn các tỉnh phản ánh trình độ, năng lực quản lý, lãnh đạo và thực thi chính sách phát triển làng nghề của cơ quan QLNN ở địa phương, cho

thấy độ phù hợp trong việc triển khai chính sách phát triển làng nghề từ trung ương tới từng địa phương với từng điều kiện cụ thể, riêng biệt. Tiêu chí này cũng phản ánh mức độ phù hợp của việc phân cấp QLNN đối với làng nghề cho các địa phương. Tiêu chí này được đo lường dựa trên việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các làng nghề, các cơ sở sản xuất kinh doanh sau khi đã được thụ hưởng các chính sách được địa phương ban hành trong một khoảng thời gian nhất định.

Thứ ba, hiệu quả của việc thực thi chính sách liên quan đến làng nghề.

Mục tiêu của tiêu chí này là đánh giá hiệu quả triển khai các chính sách phát triển làng nghề trong cuộc sống, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch tổng thể và chi tiết đã đề ra, đảm bảo sự hợp lý giữa nguồn lực đầu vào để thực hiện chính sách với kết quả đầu ra của chính sách với giới hạn chi phí nhất định. Hiệu quả thực thi chính sách được đánh giá ở hai khía cạnh: kinh tế và xã hội.

Xét ở khía cạnh kinh tế, hiệu quả được đo lường bằng mức thực hiện của chính sách so với các mục tiêu đã được đề ra khi xây dựng chính sách.

Hiệu quả chính sách = [(Kết quả thực hiện - Mục tiêu ban đầu)/Mục tiêu ban đầu]* 100%

Xét ở khía cạnh xã hội, hiệu quả thực thi chính sách là các biến chuyển quan trọng các chỉ tiêu như mức sống của người nghèo trong vùng hiệu lực của chính sách; sự thay đổi của cơ sở hạ tầng, các điều kiện sống, môi sinh, môi trường trong khu vực tác động của chính sách; tỷ lệ người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ công cộng như y tế, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, tiếp cận dịch vụ pháp luật, tiếp cận nước sạch…

Thứ tư, hiệu quả của sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp tỉnh.

Tiêu chí này được đánh giá qua việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu, chương trình, kế hoạch thực hiện dự án về phát triển làng nghề đã được phê duyệt, giải quyết các đề

xuất, kiến nghị của các cấp, các ngành phù hợp với QLNN đối với làng nghề trên địa bàn.

Thứ năm, hiệu quả hoạt động của làng nghề.

Các chỉ tiêu như tổng doanh thu, tổng giá trị gia tăng, thu nhập bình quân của người lao động… thể hiện hoạt động của làng nghề có hiệu quả và bền vững hay không. Tiêu chí này nhằm đánh giá khả năng và năng lực đóng góp của làng nghề vào việc tăng trưởng kinh tế của địa phương (nếu cao hơn mặt bằng chung thì có thể coi là hiệu quả). Qua chỉ tiêu này có thể thấy được công tác QLNN đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề.

Thứ sáu, hiệu quả về môi trường.

Tiêu chí này giúp đánh giá nhìn nhận được khả năng bền vững về mặt môi trường đã đạt hay chưa. Bởi, trên thực tế, hoạt động của hầu hết các làng nghề đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến chất lượng môi trường.

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 66 - 68)