Quan niệm về làng nghề và các tiêu chí xác định làng nghề

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 35 - 37)

Làng nghề ở Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm cùng lịch sử phát triển kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Làng nghề hình thành trong một vùng chủ yếu là ở nông thôn, thường trong phạm vi một làng, có những hộ, những lao động tham gia sản xuất các ngành nghề thủ công nghiệp. Nhiều làng nghề có truyền thống, tuổi nghề rất cao, từ một vài trăm năm đến hàng ngàn năm. Làng nghề thường hình thành ở những nơi thuận tiện về giao thông thủy bộ và gần nguồn nguyên liệu…

Thuật ngữ làng nghề được tạo thành bởi hai chủ thể “làng” và “nghề”. Có thể hiểu một cách đơn giản làng nghề là làng có một việc làm nào đó thành thạo đủ lớn và mang tính ổn định.

Tác giả Dương Bá Phượng cho rằng, làng nghề tồn tại song song mô hình chung theo kiểu trồng trọt manh mún, nhỏ lẻ và chăn nuôi cùng một số nghề phụ khác, tuy nhiên, có một nghề nổi trội hơn cả, cổ truyền và kỹ thuật chế tác đạt tới trình độ tinh xảo, có hệ thống các thợ thủ công chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ (như ông trùm, ông phó cả cùng thợ và các phó nhỏ). Sản phẩm của làng nghề sản xuất ra đã được xã hội công nhận, trở thành các mặt hàng thương mại, có thị phần và thị trường riêng, có quy trình công nghệ sản xuất riêng, các nghệ nhân có thể sống dựa chủ yếu vào nghề đó được [44]. Đây là khái niệm cơ bản về làng nghề ở các

vùng thuần nông, không thể áp dụng để giải thích khái niệm làng nghề ở các vùng phi nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Tác giả Mai Thế Hởn khẳng định: Làng nghề là những làng ở nông thôn, có các ngành nghề phi nông nghiệp chiếm ưu thế về số hộ, số lao động và thu nhập so với nghề nông nghiệp [36].

Tác giả Trần Công Sách khẳng định: Làng nghề còn được hiểu bao gồm một cụm dân cư sinh sống trong một làng, có một hoặc một số nghề phi nông nghiệp được hình thành và phát triển, trước hết là thủ công nghiệp. Thu nhập và tỷ lệ lao động của những ngành nghề đó chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nhập và lao động của làng [52].

Quan niệm này của các tác giả đã quan tâm đến phải có tỷ lệ người làm nghề và việc cố định những tiêu chí về lao động và thu nhập.

Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 quy định nội dung và các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, LNTT; Chính phủ có Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn, thì làng nghề và LNTT được hiểu như sau:

“Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau" [5]; “Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời. LNTT phải có đủ các tiêu chí của làng nghề, đồng thời phải có ít nhất một nghề truyền thống" [5]. Đây được xem là khái niệm toàn diện và khái quát nhất, được áp dụng phổ biến, rộng rãi trong các nghiên cứu và trong lĩnh vực QLNN về làng nghề.

Nói gọn lại, có thể hiểu làng nghề là (1) một hoặc nhiều đơn vị hành chính dân cư có quy mô nhỏ hơn đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn; (2) ngoài ngành nông nghiệp, tồn tại một hoặc một số ngành nghề phi nông

nghiệp chiếm ưu thế về số hộ, số lao động và thu nhập so với các ngành nông nghiệp; (3) các LNTT được công nhận dựa trên nhiều tiêu chí, và phải có ít nhất một nghề truyền thống).

Một phần của tài liệu Luận án Mai Văn Hải (Trang 35 - 37)