Thứ nhất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng nông thôn theo
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong cơ cấu kinh tế của các quốc gia đang phát triển, nhất là các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, nhất là đối với các vùng nông thôn; giúp gia tăng tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, chuyển dần lao động trong các ngành nông nghiệp sang ngành phi nông nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Cùng với sự đa dạng hóa ngành nghề, sự tăng trưởng trong hình thức tổ chức sản xuất và quy mô hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề đã góp phần chuyển nền kinh tế thuần nhất (chỉ duy nhất ngành nông nghiệp) sang nền kinh tế nhiều thành phần, đa dạng với các ngành thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cùng tồn tại, cùng phát triển. Bên cạnh đó, phát triển các làng nghề cũng thay đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa của địa phương theo hướng tăng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp [35, tr.35-36].
Thứ hai, góp phần tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng các nguồn lực
sẵn có của địa phương, tăng hiệu quả kinh tế - xã hội.
Nguồn gốc sự xuất hiện của các làng nghề xuất phát từ thời gian lao động dôi dư của người nông dân, cộng với sự tài tình, khéo léo, đã biến những phế phẩm nông nghiệp thành các sản phẩm nghề. Như đã phân tích, nguồn nguyên vật liệu đầu vào của các làng nghề hầu hết được cung cấp tại chỗ, vì vậy, giúp tận dụng và tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực tại địa phương. Các loại nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất của các làng nghề như mây, tre, trúc, gỗ, cao lanh, bột sắn, tơ sợi… đều có thể khai thác trong nước, nếu có sự liên kết chặt chẽ, có thể hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cung cấp ổn định cho làng nghề. Làng nghề còn tạo điều kiện
phát triển các ngành nghề nông nghiệp nuôi, trồng và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nghề như lá buông, cói, mây, tre, trúc…, biến những vùng đất hoang trở thành vùng nguyên liệu, tận thu những nguyên liệu giá trị thấp (ví dụ như vỏ trứng, vỏ sò, gỗ vụn,…) trở thành đầu vào cho quá trình sản xuất, tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị cao. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của các cơ sở kinh doanh nghề hầu hết manh mún, nhỏ lẻ, không yêu cầu số lượng vốn lớn, công nghệ hiện đại nên việc tổ chức sản xuất rất linh hoạt, có thể chuyển đổi mô hình nhanh chóng, lại có thể huy động tối đa nguồn vốn nhàn rỗi của các hộ gia đình vào hoạt động sản xuất kinh doanh [35, tr.34-35].
Thứ ba, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động
ở các vùng nông thôn.
Một trong những tác động tích cực của kinh tế làng nghề là giúp thu hút một lượng lớn lao động ở khu vực nông thôn - khu vực vốn có tốc độ gia tăng dân số và việc làm lớn. Bên cạnh khả năng giải quyết việc làm, việc phát triển các làng nghề cũng giúp phát triển các dịch vụ liên quan và mạng lưới thu gom nguyên liệu, vật liệu… tạo nên chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, gia tăng thu nhập cho dân cư tại địa phương. Đặc biệt, là ở các vùng nông thôn, nơi kinh tế còn khó khăn, sự phát triển của các LNTT và các làng nghề mới trở thành động lực trực tiếp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Nơi nào ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển, nơi đó thu nhập và mức sống của người làm nghề thường cao hơn các vùng thuần nông khác [35, tr.37-38].
Thứ tư, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc. Cùng
với thời gian, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề, nhất là
các làng nghề truyền thống, góp phần gìn giữ nét văn hóa đậm đà bản sắc và truyền thống thông qua việc gìn giữ các nét nghề, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đa dạng với chất lượng tốt, phát triển thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện quảng bá văn hóa của địa phương và đất nước. Mỗi LNTT luôn
được coi là một địa chỉ văn hóa, phản ánh nét độc đáo trong nước và tới các nước khác trong khu vực, trên thế giới. Mỗi sản phẩm của làng nghề được gắn với một địa danh, với phong tục tập quán riêng của từng dân tộc, từng vùng đất, là kết tinh sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, và nhiều sản phẩm đã trở thành biểu tượng của cái đẹp mang hồn dân tộc, của nền văn hóa cộng đồng làng xã Việt Nam, do vậy, việc duy trì và phát triển các làng nghề, nhất là các LNTT, góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam [35, tr.38-39].
Thứ năm, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, cung cấp ngày càng
nhiều hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Nhờ vào mô hình nhỏ, gọn nhẹ, các làng nghề được phân bố rộng khắp ở các vùng nông thôn, hàng năm sản xuất ra khối lượng hàng hóa khá lớn, nhiều mặt hàng được chế tác tinh xảo, có giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chứa đựng nhiều quan niệm về thẩm mỹ, tư tưởng, đặc điểm nhân văn, trình độ khoa học kỹ thuật độc đáo của dân tộc. Vì vậy, các sản phẩm thủ công được đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường nước ngoài, đóng góp một phần vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, giúp tăng thu ngân sách địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng [35, tr.38].
Thứ sáu, góp phần hạn chế tình trạng di dân tự do vào các đô thị.
Với đặc điểm tổ chức sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề sử dụng chủ yếu là lao động phổ thông ở các vùng nông thôn, bao gồm cả lao động đã qua đào tạo và chưa qua đào tạo, lao động thời vụ nông nhàn cũng như lao động trên hoặc dưới độ tuổi lao động, thậm chí có thể tận dụng được lao động trẻ em bởi các em có thể vừa học lại vừa có thể tham gia sản xuất dưới hình thức học nghề hay phụ nghề. Sự phát triển và mở rộng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nghề không những đóng góp cho nền kinh tế địa phương mà còn góp phần tạo thêm thu nhập, ổn định sinh kế, giữ chân lao
động nông thôn ở lại ruộng đồng, gắn bó với quê hương, đóng vai trò tích cực trong việc hạn chế dòng di dân tự do ra các đô thị.