tố tụng hình sự
2.3.1. Nhu cầu của việc thể chế hóa bằng pháp luật các vấn đề về hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự nhân dân trong tố tụng hình sự
HTND cùng với thẩm phán là chủ thể tiến hành xét xử vụ án hình sự tại phiên tòa. Bởi vậy, kết quả xét xử của HĐXX nói chung và của HTND nói riêng có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện thẩm quyền xét xử và phán quyết của tòa án. Mặt
khác, hoạt động xét xử của HTND thể hiện tiếng nói của nhân dân trong tư pháp hình sự cũng như hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và thi hành pháp luật tố tụng hình sự, do vậy, hoạt động xét xử của HTND cần phải được giám sát pháp lý – xã hội. Việc giám sát này được tiến hành bởi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cũng như toàn thể xã hội.
Để có thể tạo cơ sở pháp luật nhằm bảo đảm về mặt pháp luật cho hoạt động xét xử của HTND, bảo đảm tính công khai, tính hợp pháp, tính khoa học,… cũng như để phục vụ cho việc giám sát pháp lý – xã hội đối với hoạt động của HTND trong xét xử hình sự, cần phải thể chế hóa bằng pháp luật các vấn đề về HTND trong TTHS. Cụ thể, cần thể chế hóa các vấn đề về vị trí, vai trò của HTND trong TTHS; điều kiện trở thành HTND; thủ tục bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm HTND; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm pháp lý của HTND; quản lý, giám sát hoạt động của HTND; chính sách, chế độ bảo đảm hoạt động của HTND, nhất là HTND trong TTHS,… Việc thể chế hóa bằng pháp luật làm cho hành vi của HTND trong TTHS trở thành những nguyên tắc, việc làm có tính bắt buộc, tính chính thức, tính hợp pháp. Đồng thời, còn làm cho thẩm quyền xét xử và phán quyết của tòa án, trong đó có sự tham gia của HTND được thực hiện một cách minh bạch, rõ ràng, bảo đảm.
Pháp luật được coi là phương tiện thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng. Thể chế hóa bằng pháp luật về vấn đề tư pháp nói chung và về HTND trong TTHS nói riêng không chỉ là mục đích, nhiệm vụ mà còn là yêu cầu nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Công việc này diễn ra thường xuyên, bao trùm và nhất quán ở nước ta hơn 70 năm qua. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được và trước những vấn đề đặt ra hiện nay của công tác xét xử, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã đặt ra yêu cầu “Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện những chủ trương về cải cách, về tổ chức các cơ quan tư pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII), Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa VIII) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX”, đồng thời “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào công tác tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Riêng đối với đội
ngũ HTND, cần “nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lựa chọn, bầu cử, bồi dưỡng, quản lý HTND nhằm đề cao trách nhiệm và vai trò của HTND trong xét xử” [6].
Pháp luật còn là phương tiện thể chế hóa chính sách pháp luật của Nhà nước về HTND trong TTHS. Pháp luật, với đặc điểm và bản chất của nó, luôn là một hệ thống thống nhất về cả khía cạnh nội dung và khía cạnh hình thức (các văn bản quy phạm pháp luật). Vậy các vấn đề về HTND trong TTHS cần phải được quy định ở những cấp độ nào đó của hệ thống pháp luật. Trước hết, vấn đề HTND trong TTHS phải được thể chế hóa trong Hiến pháp – đạo luật có giá trị cao nhất bằng những nguyên tắc, quy định cơ bản, có giá trị chung nhất, để từ đó được cụ thể hóa trong pháp luật TTHS và các pháp luật khác. Để có các quy định một cách đầy đủ, chi tiết và cụ thể, vấn đề về HTND trong TTHS đã được thể chế trong Hiến pháp cần phải được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp, nhất là trong BLTTHS.
Thể chế hóa bằng pháp luật các nội dung về hội thẩm còn đảm bảo sự nhất quán, xác lập vai trò, địa vị pháp lý của HTND trong hoạt động tố tụng nói chung, đồng thời là cơ sở để các tổ chức, cá nhân xác định quan hệ với hội thẩm, tiến hành giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động, quyền lợi cho hội thẩm khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, thể chế hóa bằng pháp luật các vấn đề về HTND còn cho thấy rõ bản chất, nét đặc trưng, sự khác nhau về vai trò đại diện của nhân dân tham gia xét xử giữa các mô hình tố tụng khác nhau, nhất là trong TTHS. Chưa kể, đây còn là yếu tố quan trọng để xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan một cách thống nhất, phù hợp với quy định chung (ví dụ: tổ chức, quy chế hoạt động của Đoàn hội thẩm).
Đối với HTND, việc thể chế hóa bằng pháp luật chính là những quy định để từ đó có sự định hướng, xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm và hoạt động của mình. Điều này còn giúp cho HTND tự tin, chủ động khi quan hệ với các cơ quan, đơn vị và thực hiện phù hợp, hiệu quả nhiệm vụ hội thẩm.
Cuộc sống luôn vận động và phát triển, đời sống tư pháp hình sự cũng luôn vận động và phát triển, vấn đề HTND cũng vì vậy không thể không có những thay đổi. Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định về HTND cũng cần được nghiên cứu, bổ
sung, sửa đổi nhằm phù hợp và đáp ứng các yêu cầu thực tiễn cũng như những quan điểm, mục đích, chính sách pháp luật hình sự của nhà nước.