11 Ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người do một vụ án mạng diễn ra vào tháng 3/2003 ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang Ông
4.1.4. Yêu cầu từ thực tiễn hoạt động xét xử
Trải qua hàng chục năm thực hiện mô hình xét xử hình sự có sự tham gia của hội thẩm đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự ở nước ta. Tuy nhiên thực tiễn cũng cho thấy, trong quá trình thực hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, điều chỉnh.
Trước hết, theo quy định, số lượng hội thẩm bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao hơn so với thẩm phán. Đây là một lợi thế để các hội thẩm thể hiện “ngang quyền” với thẩm phán khi xét xử trên tinh thần dân chủ, nhưng trình độ kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ giữa hội thẩm và thẩm phán vẫn là một khoảng cách. Khi tham gia xét xử, bản thân hội thẩm thường xem xét các vấn đề đặt ra đối với họ chủ yếu bằng kinh nghiệm sống là chính, chứ không hoàn toàn dựa trên cơ sở pháp luật thực định, thậm chí họ cũng không thể biết quan hệ pháp luật đó phải áp dụng luật nội dung nào cho phù hợp. Cùng với đó, chế độ nghiên cứu hồ sơ của hội thẩm với thời gian ngắn, nhưng không phải lúc nào hội thẩm cũng được hoặc chịu tiếp cận hồ sơ vụ án để nghiên cứu.
Hội thẩm tham gia vào hoạt động xét xử của tòa án nói chung phần lớn trong số họ chưa thể hiện được trách nhiệm nặng nề mà người dân trao cho họ, bởi cùng với các quy định còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ, chế độ bồi dưỡng dành cho hội thẩm thấp, trách nhiệm về việc thực hiện vai trò hội thẩm vẫn chưa rõ ràng,... Ngoài ra, trong quá trình xét xử, nghị án, tuy pháp luật đã có những quy định nhằm hạn chế sự “dẫn dắt”, “áp đặt” của thẩm phán, nhưng thực tế hầu hết trong các vụ án hình sự, hội thẩm gần như “phó thác" trách nhiệm cho thẩm phán. Do tác động của những hạn chế nêu trên nên khi tham gia HĐXX, vai trò của không ít hội thẩm chưa được thể hiện rõ nét và đúng nghĩa là người đại diện của quần chúng nhân dân. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hầu hết ý kiến của hội thẩm đều đồng tình với thẩm phán trong HĐXX các vụ án hình sự (Xem tiểu mục 3.2.2).
Thực trạng tỷ lệ án hình sự bị hủy, bị sửa chiếm tỷ lệ cao; nhiều vụ án oan sai mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải công khai xin lỗi, tiến hành bồi thường hàng chục tỷ đồng, gây xôn xao dư luận (như các vụ án oan sai: vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang), vụ ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh), vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), vụ ông Nguyễn Lâm Sáu (Đắk Lắk), vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình),…) mà báo chí đã phản ánh trong thời gian gần đây, đang đặt ra những dấu hỏi lớn về TTHS, trong đó có năng lực, chất lượng xét xử của thẩm phán và HTND. Theo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) chỉ tính từ 1/1/2010 đến hết năm 2020, các cơ quan nhà nước đã giải quyết xong trên 420 vụ việc bồi thường oan sai với số tiền phải bồi thường ước tính trên 225 tỷ đồng, đó là
chưa kể đến các vụ việc chưa được phát hiện hoặc chưa giải quyết. Trong số 225 tỷ đồng đó, Nhà nước thu chỉ hồi lại được từ cán bộ, công chức gây ra oan sai vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng [47].
Kết quả khảo sát, khi trả lời cho câu hỏi: “HTND tham gia xét xử trong các vụ án hình sự vừa qua”, có 11% ý kiến cho rằng “Hiệu quả”, 39% ý kiến đánh giá “Chưa hiệu quả” và 50% ý kiến cho là “Mang tính hình thức” (Biểu đồ 4.2, Phụ lục, tr.13). Điều này không những làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, mà còn tác động không tốt, thậm chí gây phản cảm trong quần chúng về vai trò của HTND đòi hỏi cần sớm có các giải pháp phù hợp, thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử án hình sự.