Chế định bồi thẩm đoàn được xem là đã manh nha từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên ở Hy Lạp cổ đại dựa trên hai ưu điểm: toàn dân bình đẳng và ngăn ngừa tham ô hối lộ ở trong tòa án. Chế định này được điển chế vào thời Trung cổ ở nước Anh và sau đó đi dần vào định chế pháp quyền. Việc này được minh chứng trong trường hợp vua Henry II của nước Anh, khi ông không tự mình xét xử mà giao cho một số người khác với danh nghĩa nhà vua thực hiện. Cụ thể, năm 1178, vua Henry II đã bổ nhiệm 5 thành viên của hoàng gia, gồm 2 tăng sĩ và 3 bồi thẩm để “lắng nghe tất cả các khiếu nại của vương quốc và giải quyết ngay”. Theo Đại hiến chương Magna Carta được vua Anh ban hành năm 2015, do sức ép của giới tư sản “tòa án” này đặt thường trực ở “vài nơi nhất định”, nhưng thực chất là ở cung điện Westminster [135, tr.2].
Sau quá trình áp dụng và cùng với một số thay đổi ở Anh, cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII, trong làn sóng dân chủ hóa tòa án bồi thẩm được áp dụng rộng rãi ở các nước khác nhau. Tại Bỉ, tòa án bồi thẩm được thành lập vào năm 1830, sau
đó được hình thành ở Bồ Đào Nha với việc áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn gồm 6 thành viên và bản án được đưa ra phải được hai phần ba đồng ý. Tại Hy Lạp, mô hình xét xử mới được áp dụng trong năm 1834 và ở nhiều tổng thuộc Thụy Điển được thực hiện trong những năm 60 của thế kỷ XIX. Trong khi đó, ở Tây Ban Nha, chế định bồi thẩm đoàn được nêu trong các bản hiến pháp 1812, 1837, 1869 và được ghi nhận trong một đạo luật chuyên ngành vào năm 1888. Tòa án bồi thẩm đoàn thành lập năm 1848 tại Vương quốc Xácđenha, ở Italia sau khi thống nhất năm 1860 thủ tục này được áp dụng trên toàn quốc, còn tại các nước như Nga, Rumani là vào năm 1864. Riêng ở Anh, cùng với việc thực hiện chế định bồi thẩm ở trong nước còn cho áp dụng ở các thuộc địa, như ở khu vực châu Phi ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII và XIX, ở Canada cuối thế kỷ XVIII và ở Australia vào những năm 1820-1830. Tại châu Mỹ, mặc dù chế định bồi thẩm đoàn được du nhập cùng với quá trình bành trướng của thực dân Anh, sau đó nó được quy định và áp dụng sau đó ngày càng mạnh mẽ. Những quan điểm về chế định bồi thẩm đoàn đã được tập hợp lại trong bản Hiến pháp của 12 bang đầu tiên cũng như trong Điều III của Hiến pháp liên bang và tu chính thứ IV của Hiến pháp Mỹ. Và thực tế, chế độ bồi thẩm đoàn không chỉ áp dụng trong các vụ án hình sự, mà còn trong cả các tranh chấp dân sự [132, tr.591-194].
Hệ thống tư pháp Nhật Bản đã tồn tại hình thức thẩm phán không chuyên, trong đó nổi bật nhất là cơ chế bồi thẩm đoàn hoàng gia tồn tại trong giai đoạn 1928 – 1943 và hệ thống saiban-in (hệ thống thẩm phán không chuyên). Mô hình này suốt một thời gian dài sau đó không tồn tại, tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế, quốc gia này đã cho thí điểm lại vào tháng 8/2009 [139, tr.42-43].
Đến nay, bên cạnh các quốc gia thực hiện tương đối triệt để chế định bồi thẩm đoàn, còn có nhiều nước sử dụng xen kẽ giữa bồi thẩm đoàn hoặc các thẩm phán không chuyên cùng thẩm phán khi xét xử án hình sự. Tại Đức, các thành viên không chuyên tham gia xét xử thực hiện chức năng như bồi thẩm đoàn. Ở các tòa án khu vực, thẩm phán một mình xem xét và giải quyết các vụ án với mức hình phạt tối đa đến hai năm, còn các tòa án với một thẩm phán và hai người không chuyên xét xử các vụ án về các tội phạm bị tước quyền tự do đến bốn năm hoặc trong trường hợp vụ án phức tạp hay ở tòa án cấp bang, khi đó tòa án có thành phần gồm 3 thẩm
phán chuyên nghiệp và 2 người không chuyên nghiệp. Ở các nước châu Âu khác, như Áo, tòa án gồm 3 thẩm phán và 8 bồi thẩm xét xử các vụ án với hình phạt có thể có khung trên 10 năm tước quyền tự do và các tội chính trị. Ở Bỉ, bồi thẩm đoàn gồm 12 bồi thẩm tham gia về thực tế chỉ trong tố tụng với chế tài có khả năng có đến 20 năm hoặc cao hơn và quyết định thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín với tỷ lệ đa số không ít hơn 8 thành viên. Tại Đan Mạch, các vụ án có sự tham gia của các bồi thẩm được tuyên không nhiều, chỉ xuất hiện ở trường hợp hơn 4 năm tước quyền tự do hoặc giữ bị cáo trong bệnh viện tâm thần hoặc tội phạm chính trị. Ở Na Uy, các tòa ở cấp thấp nhất, những thẩm phán không chuyên nghiệp (HTND) được sử dụng, còn ở tòa án thượng thẩm bao gồm hội đồng với 10 bồi thẩm. Tại Thụy sĩ, tòa án bồi thẩm gồm 12 thành viên đã bị bãi bỏ ở tất cả các tổng, trừ tổng Geneva, còn tòa án liên bang sử dụng rất ít [132, tr.594-596].
Kể từ khi có sự xuất hiện của nhà nước, lĩnh vực tư pháp hay cụ thể hơn là việc tổ chức mô hình hệ thống xét xử sao cho phù hợp, hiệu quả, đồng thời phát huy quyền dân chủ vẫn luôn là mục tiêu nghiên cứu của các chuyên gia, giới cầm quyền ở các nước. Thậm chí, sau nhiều thế kỷ, ở các quốc gia tư sản phát triển hàng đầu với việc áp dụng khá triệt để thuyết “tam quyền phân lập” với mô hình tổ chức hệ thống tư pháp được coi là tiến bộ như Anh, Mỹ, Nhật Bản… thì chế định bồi thẩm đoàn hiện vẫn đang tiếp tục được mổ sẻ, nghiên cứu.