11 Ông Nguyễn Thanh Chấn (sinh năm 1961 tại Bắc Giang) bị kết án tù chung thân về tội giết người do một vụ án mạng diễn ra vào tháng 3/2003 ở xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang Ông
4.2.5. Tăng cường năng lực, khả năng xét xử của hội thẩm nhân dân
Xét xử vụ án hình sự là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và thi hành pháp luật TTHS, đồng thời là hoạt động tư duy, nhận thức của thẩm phán và HTND. Do vậy, để nâng cao hiệu quả xét xử, trong thời gian tới, cùng với việc quy định rõ ràng, phù hợp hơn trong các văn bản pháp lý thì cần tăng cường năng lực, khả năng nghiên cứu hồ sơ, xét xử và tham gia tố tụng của HTND.
Hội thẩm là người trực tiếp tham gia xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, do đó cần chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn và các điều kiện cần thiết để hội thẩm thực hiện tốt vai trò của mình. Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc đang diễn ra, cần nghiên cứu để có các yêu cầu cụ thể hơn về kiến thức pháp lý, năng lực, gắn trách nhiệm tương xứng với các quyền lợi họ được hưởng. Cụ thể, cùng với các yêu cầu, tiêu chí nhất định khi lựa chọn bầu hội thẩm (Xem tiểu mục 4.2.3), hàng năm các HTND phải thực hiện bồi dưỡng bắt buộc về kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử ít nhất một ngày làm việc (8h)/năm, đồng thời phải tham dự đầy đủ các hội nghị, hoạt động chuyên môn do TAND, Đoàn hội thẩm nơi mình là thành viên. Thực tế cho thấy, ngay thẩm phán, kiểm sát viên là những người tham gia xét xử chuyên nghiệp nhưng một trong những tiêu chuẩn bắt buộc về trình độ pháp luật và các tiêu chí khác, trước khi được bổ nhiệm vẫn phải trải qua một thời gian đào tạo kiến thức và hàng năm vẫn có chương trình tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn. Rồi, luật sư là người trợ giúp pháp lý, bào chữa chuyên nghiệp nhưng theo quy định hiện nay, sau khi được cấp thẻ luật sư, hàng năm họ vẫn phải thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc 8h/năm (trước đây là 16h/năm). Do đó, việc trang bị kiến thức pháp lý trước hoặc sau khi trở thành HTND và duy trì bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử bắt buộc hàng năm đối với HTND là hết sức cần thiết.
Pháp luật hiện nay quy định chậm nhất là 15 ngày kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử (sơ thẩm) thì phải mở phiên tòa và trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm gửi giấy mời hội thẩm đến trụ sở tòa án để nghiên cứu hồ sơ vụ án và trao đổi các vấn đề cần thiết về nghiệp vụ xét xử đối với vụ án đó [103]. Nhưng thực tế thời gian để hội thẩm được tiếp cận hồ sơ vụ án và chuẩn bị tham gia xét xử thường ngắn hơn, bởi trong khi hầu hết các hội thẩm vẫn làm việc kiêm nhiệm hoặc đã
lớn tuổi (nam dưới 70, nữ dưới 65) và hiện chưa có quy định xử lý nếu HTND không đến tòa án để nghiên cứu hồ sơ, trao đổi nghiệp vụ. Do đó, cần có quy định cụ thể để trước khi khai mạc phiên tòa yêu cầu HTND phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án mới được tham gia xét xử, đồng thời tránh trường hợp “chữa cháy” hội thẩm, TAND phải thay thế bằng hội thẩm khác khi họ chưa được chuẩn bị trước.
Đối với các vụ án có tính chất đặc thù (như: kinh tế, tài chính - ngân hàng, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, tài nguyên - môi trường, xây dựng cơ bản...) thì hội thẩm tham gia HĐXX phải là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực tương ứng. Đối với vụ án về lao động, hôn nhân - gia đình, vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thì HTND được lựa chọn tham gia HĐXX phải là người hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi, đại diện của tổ chức Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Đối với vụ án có người dân tộc thiểu số hoặc người nước ngoài, cần có HTND là người am hiểu về phong tục tập quán, điều kiện phù hợp,…
Trước khi phiên tòa diễn ra, hội thẩm cần được thẩm phán giải thích, cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến vụ án, chính sách pháp luật và cùng thảo luận, giải quyết những vướng mắc liên quan đến chuyên môn, pháp luật, nội dung vụ án. Đây là việc làm cần thiết nhằm tăng khả năng hiểu biết, tự tin cho hội thẩm, nhất là các hội thẩm mới tham gia xét xử án hình sự. Cụ thể, cùng với quy định như hiện tại cần bổ sung, trước khi mở phiên tòa, HTND tham gia xét xử (gồm cả HTND dự khuyết) phải có ít nhất một buổi đến trụ sở TAND để nghiên cứu hồ sơ vụ án, trao đổi về công tác xét xử với thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Mặt khác, cần quy định HTND khi được phân công xét xử phải có mặt đúng giờ và tham gia đầy đủ quá trình xét xử vụ án.
Pháp luật quy định khi xét hỏi, thẩm phán hỏi trước, rồi đến hội thẩm và khi nghị án hội thẩm được phát biểu trước, nhưng thực tế do thời gian, điều kiện nghiên cứu hồ sơ, quá trình tìm hiểu về vụ án và các yếu tố bảo đảm cơ chế hoạt động, bảo vệ hội thẩm vẫn chưa rõ ràng nên việc hội thẩm không tích cực, chuyên tâm làm nhiệm vụ vẫn diễn ra khá phổ biến. Chưa kể, do pháp luật đang quy định hoạt động xét hỏi theo thứ tự, trước hết thuộc về HĐXX nên vai trò “trọng tài” của HĐXX không rõ, nhiều khi có thiên hướng “lấn sân” của đại diện viện kiểm sát, thẩm phán hoặc tham gia mang tính hình thức.
Vấn đề bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử nên để các Đoàn hội thẩm chủ động thực hiện theo quy định và kế hoạch chung. Đoàn hội thẩm sẽ phối hợp với TAND và các tổ chức, cơ quan xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho hội thẩm, trong đó cần chú trọng đến những kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét hỏi tại phiên tòa, phân tích tổng hợp tranh luận tại phiên tòa và nghị án; bố trí kinh phí, lựa chọn đội ngũ giảng viên chất lượng để các tòa án địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm theo một chương trình thống nhất.
Tóm lại, cùng với việc nghiên cứu, quy định về điều kiện lựa chọn hội thẩm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xét xử cho hội thẩm, cần có các quy định cụ thể hơn về quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, việc nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, cũng như trách nhiệm của hội thẩm trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, cần có những quy định để ràng buộc, gắn liền trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm xã hội của HTND khi thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy mới phát huy được vai trò của hội thẩm, đồng thời xác định được trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong xét xử, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và phán quyết của tòa án.