Theo Từ điển Giải thích thuật ngữ pháp lý thông dụng thì địa vị pháp lý nói chung được xem là “Tổng thể các điều kiện pháp lý mà pháp luật đòi hỏi để xác định cho một chủ thể có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Trong cuốn Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) khái niệm: Địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật là vị trí của chủ thể pháp luật trong mối quan hệ với những chủ thể pháp luật khác trên cơ sở quy định của pháp luật. Nó bao gồm tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể đó, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể đó trong các hoạt động của mình. Thông qua đó, người ta còn có thể phân biệt được chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời cũng thấy được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chủ thể đó trong các mối quan hệ pháp luật [26, tr.22].
Trên thế giới, đại diện nhân dân tham gia xét xử đã hình thành từ lâu, được coi là đặc thù của tư pháp, góp phần bảo vệ những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, cốt lõi của xã hội, đó là xác định sự thật, khách quan, vì công lý, quyền con người. Độc lập xét xử và đại diện nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự theo đó đã trở thành
truyền thống, nguyên tắc của hầu hết các nền tư pháp trên thế giới. Đại diện nhân dân tham gia xét xử thể hiện vai trò của người dân tham gia vào các công việc quản lý nhà nước, nhà nước tạo điều kiện và có các quy định đảm bảo để người dân thể hiện tiếng nói, thực hiện quyền lực của mình, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước.
Ở Việt Nam, xét xử có HTND là nguyên tắc hiến định, điều này tạo điều kiện vững chắc cho nhân dân trực tiếp tham gia xét xử, thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, phản ánh bản chất dân chủ của nhà nước. Theo đó, HTND trong TTHS là một chức danh tư pháp, được bầu ra để xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của tòa án. HTND sau khi được HĐND bầu ra có quyền tham gia Đoàn hội thẩm, được cấp giấy chứng minh hội thẩm, trang phục và hưởng thù lao khi làm nhiệm vụ hội thẩm. HTND được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, được tạo điều kiện để làm nhiệm vụ,…
HTND khi tham gia xét xử thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là người đại diện của nhân dân, thể hiện quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, để đảm bảo tính dân chủ, công bằng trong xét xử. Pháp luật quy định địa vị pháp lý của HTND khá rộng, bao gồm cả những nguyên tắc họat động chủ yếu và những quyền, nghĩa vụ cụ thể trong tố tụng và ngoài tố tụng. Tuy vậy, địa vị pháp lý của HTND không phải tham gia vào tất cả các quan hệ tố tụng, mà chỉ tồn tại ở một giai đoạn tố tụng nhất định, đó là các quan hệ phát sinh khi làm nhiệm vụ hội thẩm và do hoạt động xét xử của tòa án mà hội thẩm tham gia. Cụ thể, trong TTHS, địa vị pháp lý của HTND phát sinh và tồn tại kể từ khi được phân công tham gia và trong quá trình xét xử vụ án hình sự. Khi đó, HTND thực hiện các quyền và nghĩa vụ với tư cách là người tiến hành tố tụng đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Thực tiễn ở Việt Nam, sau khi được chánh án TAND phân công tham gia giải quyết vụ án, HTND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn như: Trước khi mở phiên tòa có quyền nghiên cứu hồ sơ, đề nghị chánh án có các quyết định có liên quan theo thẩm quyền, tham gia HĐXX và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định. Khi tham gia xét xử vụ án hình sự, HTND có trách nhiệm cùng thẩm phán trong HĐXX giữ vai trò “quan tòa”, căn cứ theo quy định của pháp luật, xem xét kịp thời, đầy đủ hồ sơ vụ án, diễn biến của phiên tòa và có ý kiến nhằm làm sáng tỏ
sự thật của vụ án để đưa ra các quyết định khách quan. Lúc này, HTND phải thực sự công tâm, độc lập, đề cao tính thượng tôn pháp luật để có ý kiến, quan điểm và quyết định sáng suốt, bảo vệ công lý, công bằng. Theo quy định hiện hành thì HTND tham gia xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm (trừ những vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn) với số lượng nhiều hơn so với thẩm phán trong HĐXX (2 HTND và 1 thẩm phán hoặc 3 HTND và 2 thẩm phán). Bên cạnh đó, với nguyên tắc độc lập xét xử, bình đẳng và quyết định theo đa số, HTND ngang quyền với thẩm phán trong HĐXX xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, cùng thẩm phán tìm ra sự thật, xác định tội danh, quyết định hình phạt, trách nhiệm dân sự và tham gia tiến hành tố tụng. Nói cách khác, nếu thẩm phán là công chức tư pháp phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện làm việc và được hưởng các chế độ theo quy định chặt chẽ, đồng thời là những người xét xử chuyên nghiệp thì hội thẩm lại thể hiện vai trò đại diện cho nhân dân, xét xử không phải là một nghề chuyên nghiệp và được hưởng thù lao cùng các chế độ khác khi làm nhiệm vụ hội thẩm. HTND khi tham gia xét xử vụ án hình sự có trách nhiệm nghiên cứu về vụ án, trực tiếp xét xử từ đầu đến cuối vụ án, biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐXX, đồng thời phải chịu trách nhiệm về các hành vi, quyết định của mình theo quy định của pháp luật. Như vậy, HTND khi làm nhiệm vụ hội thẩm trong TTHS có vị trí chủ thể xét xử, trực tiếp giải quyết các nội dung liên quan đến vụ án hình sự nên có vị trí, nhiệm vụ hết sức quan trọng.
HTND trong TTHS không chỉ là người có kiến thức pháp lý, hiểu biết xã hội, đại diện cho cộng đồng, trực tiếp “cầm cân nảy mực” tại các vụ án hình sự (xét xử sơ thẩm), quyết định những vấn đề liên quan đến quyền của con người cụ thể, mà còn giúp phán quyết của tòa án được công bằng, “thấu tình đạt lý”. Thông qua hoạt động xét xử và tố tụng, HTND còn là người được cộng đồng xã hội ủy nhiệm, mang thực tiễn sinh động của cuộc sống vào phiên tòa, góp phần làm cho phán quyết của tòa án công bằng, thuyết phụ hơn. HTND là nhịp cầu nối giữa tòa án và cộng đồng, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật. HTND khi tham gia xét xử và tố tụng trong vụ án hình sự phải vận dụng được kinh nghiệm sống, sự am hiểu về kiến thức chuyên
môn, pháp luật và cùng với đó còn thể hiện bản lĩnh, độc lập, vô tư, khách quan, đồng thời phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi của mình.
Là một trong những chủ thể tiến hành tố tụng, chủ thể xét xử của tòa án, HTND trong TTHS khi làm nhiệm vụ hội thẩm có các mối quan hệ với những người tiến hành tố tụng, như: thẩm phán chủ toạ phiên toà (và thẩm phán khác trong HĐXX), kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, thư ký tòa án; có các mối quan hệ với những người tham gia tố tụng, như: bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, giám định viên, phiên dịch viên,… Ngoài ra, HTND còn có các mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, những người thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa, các cơ quan báo chí và người dân.