Nói đến vai trò là nói về vị trí chức năng, nhiệm vụ, tác dụng của sự vật, sự việc, hiện tượng trong một hoàn cảnh, bối cảnh và mối quan hệ nào đó. Đại diện nhân dân tham gia xét xử vụ án hình sự đã xuất hiện từ lâu và được hình thành trên nền tảng các tư tưởng tiến bộ nhằm đảm đương, tham gia giải quyết những vấn đề được xác định là hết sức hệ trọng của xã hội, đó là góp phần phát huy dân chủ, đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý. Qua nghiên cứu cho thấy, đến nay ở hầu hết các nước trên thế giới đều quy định và áp dụng thực hiện về chế độ đại diện nhân dân tham gia xét xử các vụ án hình sự. Vai trò đại diện nhân dân tham gia xét xử ở mỗi nước có thể tổ chức theo các mô hình, biểu hiện khác nhau với cách gọi như bồi thẩm viên, hội thẩm, thẩm phán không chuyên,… nhưng về cơ bản đều nhằm giúp cho quá trình xét xử của tòa án không quá cứng nhắc, góp phần để các phán quyết của tòa án được “thấu tình đạt lý”.
Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng xây dựng mô hình TTHS với sự tham gia rộng rãi của người dân. Sự tham gia của HTND vào hoạt động TTHS, dù có tên gọi khác nhau, như “phụ thẩm” hay “hội thẩm”, nhưng vẫn luôn được bảo đảm.
Trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, 2013 và các văn bản pháp luật đều quy định về nguyên tắc xét xử có hội thẩm tham gia và hội thẩm được xác
định là một trong những chức danh tư pháp, trực tiếp tham gia xét xử tại các phiên tòa hình sự (sơ thẩm) từ đầu đến khi kết thúc. Điều này hoàn toàn khác với cơ chế bồi thẩm đoàn hay thẩm phán không chuyên ở nhiều nước hiện nay. Nếu ở các nước, bồi thẩm đoàn được lựa chọn ngẫu nhiên khi có vụ án cần xét xử và chấm dứt tư cách bồi thẩm viên sau phiên tòa hoặc tại phiên tòa thì ở Việt Nam, HTND được HĐND địa phương bầu ra theo thủ tục, trình tự với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức khác nhau và có nhiệm kỳ 5 năm để tham gia xét xử nhiều vụ án khác nhau. Bên cạnh đó, bồi thẩm viên hoặc thẩm phán không chuyên, thẩm phán nghiệp dư cơ bản chỉ tham gia ở những vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp (Cộng hòa Pháp, Italia,…), thì tại Việt Nam HTND tham gia xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án hình sự (trừ trường hợp rút gọn). Đặc biệt, trong khi bồi thẩm, thẩm phán không chuyên, thẩm phán nghiệp dư ở các nước (Mỹ, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc) chỉ đóng vai trò trong việc xác định bản chất của vụ án hoặc đưa ra phán quyết bị cáo có tội hay không có tội, còn quyết định về hình phạt thuộc về thẩm phán, thì pháp luật TTHS ở Việt Nam lại hoàn toàn khác – đó là hội thẩm với tỷ lệ cao hơn thẩm phán trong HĐXX, trực tiếp tham gia xét xử từ đầu đến khi kết thúc vụ án và cùng thẩm phán quyết định tất cả các nội dung của vụ án theo nguyên tắc độc lập, bình đẳng.
HTND tham gia xét xử án hình sự ở Việt Nam trước hết thể hiện một cách thiết thực về quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động quản lý nhà nước, góp phần kiểm tra, giám sát hoạt động tư pháp, xét xử. Việc hội thẩm trực tiếp tham gia xét xử sẽ đưa tiếng nói từ phía xã hội vào quá trình xét xử, giúp cho việc xét xử chính xác, khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi, hội thẩm là những người sống và làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu dân cư nên có kinh nghiệm trong hoạt động xã hội, có mối quan hệ mật thiết với nhân dân, vì vậy các vị hội thẩm hiểu rõ tình hình, hoàn cảnh, nguyên nhân của vụ án và bị cáo cũng như các vấn đề liên quan.
HTND còn là người đại diện cho các tổ chức, đoàn thể, có sự am hiểu về một số lĩnh vực như kinh tế, y học, tâm lý xã hội,… giúp cho việc bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho HĐXX khi xét xử. Thông qua hội thẩm, công tác xét xử của tòa án đến với nhân dân, nhân dân hiểu và thông cảm với công tác của tòa án. Ngược lại, thông qua hội thẩm, tòa án nắm bắt được thực tế, tâm tư tình cảm của người dân, khi đó công tác xét xử của tòa án sẽ sát thực tế, góp phần để người dân nâng cao tinh thần tự giác, bảo vệ pháp luật. Là người trực tiếp tham gia quá trình
giải quyết vụ án, hội thẩm cũng sẽ giúp tòa án tuyên truyền về đường lối, kết quả xét xử, từ đó góp phần phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật của công dân tại nơi hội thẩm làm việc hoặc sinh sống. Ngoài ra, sự tham gia của HTND trong TTHS còn là biểu hiện sinh động của bản chất dân chủ của chế độ, giá trị nhân văn về chính sách pháp luật hình sự, góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước của người dân.