HTND tham gia xét xử ở Việt Nam là một chức danh tư pháp, đại diện cho nhân dân trong hoạt động tố tụng. HTND được HĐND địa phương bầu ra theo nhiệm kỳ để tham gia xét xử sơ thẩm và tiến hành tố tụng các vụ án theo quy định của pháp luật. HTND cùng với thẩm phán trực tiếp xét xử, đưa ra các phán quyết của tòa án, nhưng không phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn và là công chức tư pháp chịu sự quản lý, làm việc thường xuyên ở tòa án như thẩm phán. HTND được pháp luật quy định về các quyền, nghĩa vụ và được hưởng các chế độ khi làm nhiệm vụ hội thẩm. Bên cạnh đó, HTND còn là người thường xuyên gắn bó với cộng đồng dân cư, nơi mình công tác, làm việc, tham gia giám sát hoạt động tư pháp, góp phần tuyên truyền pháp luật và là nhịp cầu nối giữa tòa án và người dân.
HTND trong TTHS ở Việt Nam bên cạnh những điểm chung của HTND còn có những đặc điểm riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, HTND đại diện cho nhân dân, với tư cách người tiến hành tố tụng, cùng với thẩm phán, trên danh nghĩa thay mặt Nhà nước xét xử đối với người được cho là phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự. Quá trình xét xử và quyết định của HĐXX, trong đó HTND là thành viên, liên quan trực tiếp đến những quyền cơ bản của con người. Phán quyết của tòa án trong vụ án hình sự được xem là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất, có tác động trực tiếp, ảnh hưởng về nhiều mặt đối với người bị phán xét và cộng đồng xã hội, do đó đòi hỏi HTND trong TTHS phải có kiến thức pháp luật, sự công tâm, khách quan và tập trung cao độ trong suốt quá trình tham gia vụ án.
Thứ hai, theo các nguyên tắc bình đẳng, độc lập xét xử, quyết định theo đa số và chiếm tỷ lệ cao hơn so với thẩm phán trong HĐXX như quy định hiện nay, quan điểm và quyết định của HTND trong TTHS khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự giữ vai trò hết sức quan trọng đối với phán quyết của tòa án, nhưng HTND trong TTHS lại không đòi hỏi trình độ pháp lý, sự quản lý kèm các chế tài, điều kiện như thẩm phán. Do vậy, để bản án hoặc quyết định của tòa án thực sự khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, HTND trong TTHS cùng với kiến thức về pháp luật còn cần phải dành nhiều thời gian tìm hiểu về vụ án, có tâm huyết, bản lĩnh và trách nhiệm khi tham gia xét xử.
Thứ ba, do hội thẩm chủ yếu làm việc kiêm nhiệm hoặc là người đã nghỉ hưu, hoạt động theo nhiệm kỳ, trong khi án hình sự có thể thuộc nhiều lĩnh vực (liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người; danh dự, nhân phẩm; an ninh quốc gia; chức vụ;…), bị cáo thuộc các đối tượng khác nhau (vị thành niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người nước ngoài,…), do đó để hội thẩm tham gia xét xử vụ án hình sự thực sự hiệu quả, việc đánh giá, quyết định của HĐXX khách quan, đúng đắn đòi hỏi HTND trong TTHS phải có sự hiểu biết đối với tâm lý, hoàn cảnh, điều kiện của bị cáo cũng như các kiến thức chuyên môn.
Thứ tư, phán quyết của tòa án trong vụ án hình sự không chỉ là quyết định đối với bị cáo có tội (hay không có tội), về tội danh, hình phạt đối với bị cáo (hoặc các bị cáo), mà còn quyết định các vấn đề liên quan về dân sự, các biện pháp khác kèm theo trong vụ án. Do đó, đòi hỏi HTND trong TTHS phải mất nhiều thời gian
để nghiên cứu về vụ án, tìm hiểu nhiều quy định của pháp luật cùng với các điều kiện, quan hệ thực tế để có ý kiến, quan điểm, quyết định phù hợp, chính xác.
Thứ năm, so với HTND tham gia xét xử các loại án khác (dân sự, hành chính), HTND trong TTHS luôn chịu sự tác động, áp lực từ nhiều phía và có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn nếu để xẩy ra các sai phạm.
Chưa kể, do trực tiếp là “quan tòa”, trong vụ án hình sự, bên cạnh đại diện viện kiểm sát, còn có các luật sư, người đại diện, người bảo vệ quyền lợi cho bị cáo và các đương sự đều hiểu biết pháp luật, tham gia bảo vệ quan điểm riêng, do vậy HTND trong TTHS còn phải tập trung theo dõi diễn biến, sàng lọc thông tin để có nhận định đúng đắn, quyết định độc lập, khách quan. HTND cũng sẽ cùng với thẩm phán đưa ra quyết định cuối cùng đối với vụ án, đối tượng xét xử thuộc nhiều đối tượng với mức độ phạm tội khác nhau, trong khi HTND lại sinh sống, làm việc cùng trên địa bàn với bị cáo hoặc nơi diễn ra vụ án nên HTND trong TTHS và người thân của họ có thể còn trở thành mục tiêu đe dọa, hãm hại, trả thù từ nhiều phía, kể cả sau khi vụ án đã được xét xử.