Bao gồm tổng thể các điều kiện, quan điểm về tư tưởng, chính trị, văn hóa, kinh tế, đời sống xã hội. Những yếu tố này có tác động bao trùm, trực tiếp đến việc nhận thức, quy định và hoạt động tố tụng nói chung và với chế định hội thẩm nói riêng.
Một hệ thống chính trị năng động, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, phù hợp với xu hướng phát triển sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy cho sự hoàn thiện về pháp luật. Chủ trương, đường lối chính trị, chính sách pháp luật của nhà nước của lực lượng thống trị xã hội nói chung và ở mỗi giai đoạn nhất định có tác động rất lớn đến mô hình tổ chức, đường lối xét xử.
Trong bối cảnh kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao, đời sống xã hội đảm bảo, sẽ góp phần ổn định, thuận lợi trong xây dựng và thực thi pháp luật. Ngược lại, với nền kinh tế lạc hậu, xã hội kém phát triển, không những ảnh hưởng đến quá trình xây dựng, tổ chức mô hình tư pháp mà còn gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật. Chẳng hạn, ở hoàn cảnh đất nước ta sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền mới được thiết lập, nền kinh tế khó khăn, dân trí thấp là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng, tuyên truyền, thực hiện pháp luật. Một đất nước mà đại đa số người dân còn phải lo cơm ăn áo mặc hàng ngày, phong tục tập quán mỗi nơi một khác, sự phân biệt về giai tầng vẫn nặng nề, khả năng nhận thức khác nhau thì sẽ rất khó để lựa chọn được những người vừa hiểu biết xã hội vừa có kiến thức pháp luật đại diện cho quảng đại quần chúng để tham gia xét xử, nhất là đối với các vụ án hình sự.
Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, cùng với tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội duy trì tăng trưởng bên vững, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên về mọi mặt là những yếu tố cực kỳ quan trọng để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện pháp luật. Đơn cử, pháp luật hình sự quy định liên quan đến tội phạm về ma túy, tình dục – từ chỗ chỉ đơn thuần một vài điều luật, nay hình thành những nhóm tội với nhiều điều luật cụ thể hơn; tội xâm phạm tài sản XHCN, trước đây có hẳn pháp lệnh riêng (Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN – Pháp lệnh số 149-LCT, ngày 21/10/1970) hay “tội đầu cơ” quy định tại Điều 160 BLHS năm 1999 đến nay đã có một số thay đổi,… Sự thay đổi này xuất phát từ quan điểm chính trị với nhận thức và hoàn cảnh xã hội mới nên đã được điều chỉnh để phù hợp thực tế. Tuy nhiên, đến nay do HTND được bầu theo nhiệm kỳ và với số lượng nhất định và tham gia xét xử các loại án khác nhau nên yếu tố cơ cấu về hội thẩm vẫn nặng nề; vấn đề nhận thức, quan điểm xét xử và với cách thức tổ chức, quản lý tòa án theo cấp hành chính (TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh) gắn với công tác tổ chức Đảng và do các yếu tố văn hóa, quan hệ truyền thống họ tộc, thói quen tư duy cảm tính còn ảnh hưởng cao trong đời sống xã hội nên ít nhiều tác động đến hoạt động xét xử. Do đó, một số biểu hiện như né tránh, ngại va chạm,… đối với HTND khi tham gia xét xử án hình sự vẫn diễn ra.
Trình độ dân trí ngày càng cao, điều kiện khoa học công nghệ phát triển, quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ vừa là động lực nhưng cũng vừa là yêu cầu đổi mới thể chế, chính sách pháp luật, đòi hỏi cần phải đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật, nhất là trong TTHS.