Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án

Một phần của tài liệu Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 33)

nghiên cứu trong luận án

Kết quả tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy đến nay đã có khá nhiều công trình được công bố liên quan đến hoạt động xét xử và chế độ xét xử có đại diện nhân dân tham gia. Về tổng thể, có thể đánh giá như sau:

Thứ nhất, quan niệm về việc người dân tham gia vào hoạt động xét xử hay trong TTHS, tuy chưa phải ở đâu và lúc nào cũng có sự thống nhất, nhưng cơ bản các công trình nghiên cứu đều cho thấy đây là vấn đề đã được quan tâm, áp dụng từ lâu trên thế giới và là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá về một xã hội dân chủ. Phần lớn các nghiên cứu này đã đề cập đến vấn đề lý luận về lịch sử hình thành, phát triển và mô hình tố tụng có sự tham gia của người dân; chỉ ra sự cần thiết của độc lập xét xử, vai trò đại diện nhân dân trong xét xử cần được phát huy. Ở Việt Nam, cơ chế đại diện nhân dân tham gia xét xử được ghi nhận dưới thời Pháp thuộc, tuy nhiên nó chưa phản ánh đầy đủ bản chất, giá trị của nó trong thực tế, mà chỉ đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong chính quyền cách mạng mới thực sự đề cao vai trò của người dân trong xã hội và xét xử. Trải qua hơn 75 năm qua, vấn đề phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong tư pháp nói chung và trong tư pháp hình sự nói riêng luôn được quan tâm, nghiên cứu và được xem là một trong những biểu hiện của tư tưởng nhân văn, bản chất chế độ.

Thứ hai, các công trình nghiên cứu đều thống nhất, hoạt động xét xử là một lĩnh vực đặc thù. Việc người dân tham gia xét xử góp phần quan trọng để các phán quyết của tòa án được công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị cho là phạm tội. Trong khi các quy định của pháp luật, mặc dù được xem là hành lang pháp lý và là căn cứ cơ bản để duy trì, quản lý xã hội, nhưng để tránh lạm quyền, phát huy những giá trị xã hội, tính nhân bản rất cần có sự tham gia của cộng đồng xã hội trong hoạt động xét xử, bởi nó liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các cá nhân và cộng đồng. Dẫu vậy, nhưng ở mỗi quốc gia, tùy theo quan điểm, nhận thức, tình hình chính trị - xã hội khác nhau lại có mô hình tố tụng với việc đại diện nhân dân tham gia xét xử khác nhau.

Thứ ba, nếu như ở Việt Nam, HTND tham gia xét xử là nguyên tắc hiến định, do HĐND bầu theo nhiệm kỳ và chiếm tỷ lệ cao trong HĐXX, trực tiếp cùng các thẩm phán xét xử trong các phiên tòa hình sự sơ thẩm, thì ở các nước áp dụng chế định bồi thẩm đoàn (hoặc xen kẽ bồi thẩm đoàn và hội thẩm, hay thẩm phán không chuyên), các bồi thẩm viên thường được lựa chọn ngẫu nhiên với số lượng lớn nhưng không trực tiếp đưa ra quyết định cuối cùng, toàn bộ nội dung phán quyết của tòa án. Mỗi mô hình, cách thức tổ chức xét xử có những điểm khác nhau, nhưng một điểm chung nhất là đối với các vụ án hình sự nghiêm trọng đều có đại diện nhân dân tham gia xét xử.

Thứ tư, đối với chế định HTND, một số công trình đã chỉ ra thực tiễn quy định, việc áp dụng thực hiện pháp luật, cũng như một số ưu điểm, hạn chế, bất cập và đề xuất các giải pháp khắc phục. Nhưng về cơ bản vẫn chủ yếu thể hiện ở việc giới thiệu, phản ánh các vấn đề chung hoặc chỉ ra một số khía cạnh cụ thể với các giải pháp liên quan, mà chưa nghiên cứu một cách toàn diện, chuyên sâu về HTND trong TTHS. Việc quy định và tổ chức thực hiện chế định HTND ở nước ta nhìn chung đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Hiện vẫn còn những hạn chế trong nhận thức, quy định pháp luật cũng như trong quá trình áp dụng pháp luật về HTND trong TTHS. Trong khi hội thẩm và thẩm phán cùng xét xử, nhưng điều kiện, năng lực của hội thẩm và thẩm phán không giống nhau. Cùng với đó, quy trình thủ tục lựa chọn, quản lý, cũng như các chế độ đãi ngộ,… đối với hội thẩm còn nhiều điểm bất hợp lý. Một số giải pháp đã được nêu ra nhưng về cơ bản vẫn còn chung chung, chủ yếu đề

xuất điều chỉnh quy định của pháp luật; nâng cao vai trò, năng lực xét xử cho các HTND; cải thiện điều kiện làm việc, chế độ cho HTND,… Thậm chí, có ý kiến đề ra việc áp dụng mô hình bồi thẩm đoàn hay xen kẽ giữa chế định HTND và bồi thẩm đoàn trong xét xử, nhưng lại chưa gắn với các yếu tố lịch sử, điều kiện thực tế của Việt Nam về cơ bản vẫn chỉ mang tính gợi mở.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về kết quả nghiên cứu kết hợp với việc tìm hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề liên quan trên cả phương diện lý luận, thực tiễn và yêu cầu thực tế, tác giả xác định luận án cần nghiên cứu, giải quyết các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, làm rõ thêm về lịch sử hình thành, quan điểm, vai trò, địa vị pháp lý và đặc điểm của HTND trong TTHS để thấy sự cần thiết của cơ chế đại diện nhân dân trong tố tụng nói chung và trong TTHS nói riêng. Luận án cần nghiên cứu, làm rõ một cách toàn diện, từ nhận thức, nhu cầu thể chế hóa pháp luật, đến việc quy định, tổ chức thực hiện và các yếu tố đảm bảo vai trò của HTND trong TTHS.

Thứ hai, ở các quốc gia, vấn đề lựa chọn đại diện của người dân được quy định và thực hiện ra sao, vai trò của hội thẩm hay bồi thẩm trong quá trình tố tụng (hay chỉ đơn thuần trong xét xử) theo các mô hình TTHS khác nhau có các ưu điểm, khuyết điểm thế nào. Tại Việt Nam, nếu duy trì chế định hội thẩm như hiện nay thì điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn, quản lý, hoạt động và trách nhiệm của hội thẩm sẽ quy định, áp dụng thực hiện ra sao cho phù hợp.

Thứ ba, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, cùng với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, hoạt động tư pháp, xét xử cũng đặt những yêu cầu mới. Ở đó, cần nghiên cứu để đề xuất quy định và thực hiện ra sao để HTND trong TTHS vừa phát huy được những yếu tố mang tính lịch sử truyền thống, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị - xã hội, yêu cầu đổi mới, hội nhập.

Thứ tư, phân tích, đánh giá về thực trạng cũng như các yêu cầu của HTND trong TTHS ở Việt Nam; cơ chế hình thành, tổ chức hoạt động, các mối quan hệ của hội thẩm trong tình hình mới không chỉ được thể hiện ở giai đoạn xét xử mà còn ở các nội dung khác trong hoạt động tố tụng, từ đó nêu ra các giải pháp mang tính toàn diện, thực tế về HTND trong TTHS nhằm phát huy hiệu quả vai trò của HTND khi tham gia xét xử án hình sự hiện nay.

Kết luận Chƣơng 1

Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài cho thấy, chế định HTND nói chung và HTND trong TTHS nói riêng đã được xem xét, nghiên cứu dưới nhiều góc độ, quy mô và phạm vi khác nhau. Trong một tổng thể có thể đánh giá cơ bản như sau:

Thứ nhất, các công trình nghiên cứu về cơ bản đã chỉ ra được vai trò, địa vị pháp lý, cũng như các mặt tích cực và những hạn chế, thiếu sót trong quy định, hoạt động của HTND ở Việt Nam vừa qua. Nhưng những vấn đề lý luận về HTND trong TTHS vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và sâu sắc; chưa làm rõ những yếu tố căn bản dẫn đến sự bất cập trong quy định và trong quá trình thi hành pháp luật về HTND trong TTHS ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, vẫn còn một số vấn đề vẫn chưa được nhận thức một cách thống nhất, chẳng hạn như sự tham gia của hội thẩm (hay bồi thẩm) trong tố tụng là hoàn toàn thể hiện tính dân chủ, công bằng trong xã hội hay còn do yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống và quan điểm của lực lượng thống trị xã hội quyết định.

Thứ hai, địa vị pháp lý của hội thẩm, cơ sở hình thành, sự tham gia của HTND trong TTHS như thế nào, vai trò của đội ngũ này trong xét xử liên quan đến phán quyết cuối cùng của tòa án và sự tác động ra sao khi hội thẩm làm nhiệm vụ xét xử và tham gia tố tụng vẫn chỉ ở góc độ chung, do đó luận án cần làm rõ hơn những đặc điểm của HTND trong TTHS.

Thứ ba, hầu hết các công trình đều xác định cần có sự điều chỉnh, bổ sung quy định về mặt pháp lý nhằm cụ thể hơn về chế định hội thẩm. Ở đó, cùng với việc nâng cao vai trò của HTND thì cũng cần làm rõ hơn trách nhiệm của hội thẩm trong hoạt động xét xử. Các nhà nghiên cứu đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả của hội thẩm ở nước ta. Trong đó, đáng chú ý như việc cần nâng cao hơn năng lực chuyên môn, điều kiện làm việc, công tác quản lý, chế độ đãi ngộ,… cho đội ngũ hội thẩm. Tuy nhiên, các giải pháp vẫn đề cập dưới các góc độ riêng hoặc về HTND nói chung mà chưa thể hiện sự đồng bộ, nhất là đối với HTND trong TTHS.

Do luận án là công trình nghiên cứu một cách toàn diện về HTND trong TTHS ở Việt Nam nên sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Trên cơ sở kế

thừa những kết quả nghiên cứu, luận án cần làm rõ mục đích, ý nghĩa, quan điểm, vị trí, vai trò của HTND trong TTHS; có cơ sở lý luận đầy đủ và xem xét thực tiễn quy định, hoạt động của HTND trong TTHS ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, luận án vận dụng các phương pháp tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu để thấy được tầm quan trọng cũng như thực trạng của chế định HTND ở Việt Nam trong thời gian qua; làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém trong quy định, hoạt động của HTND trong TTHS; phân tích một số mô hình tiêu biểu về sự tham gia của người dân trong hoạt động xét xử trên thế giới và cả việc quy định, thực hiện trước đây ở Việt Nam; đồng thời xem xét các mối quan hệ, tác yếu tố tác động đến HTND và đặc biệt là các điều kiện chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội trong xu thế phát triển, hội nhập với thế giới của Việt Nam. Từ đó, luận án đưa ra yêu cầu và giải pháp phù hợp nhằm tăng cường vai trò HTND trong TTHS ở nước ta hiện nay.

Chƣơng 2

Một phần của tài liệu Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)