Nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi nó là hoạt động đầu tiên, là cơ sở để thực hiện các hoạt động khác. Nếu không có sự nhận thức phù hợp, đúng đắn thì các hoạt động khác khó có thể thực hiện hoặc sẽ gây ra những sai lầm.
Trong TTHS và xét xử vụ án hình sự, nhiệm vụ lớn nhất là ra được bản án, quyết định khách quan, đúng pháp luật. Để thực hiện được điều đó thì HĐXX, trong đó có HTND nhất thiết phải có sự nhận thức đầy đủ về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình khi xét xử. Hoạt động nhận thức của HĐXX mang tính chủ động nhằm kiểm tra lại tính đúng đắn của các thông tin thu thập trong hồ sơ vụ án, nghiên cứu, kiểm tra và xác minh lại những chứng cứ và diễn biến tại phiên tòa để ra bản án, quyết định về vụ án. Nếu nhận thức đúng đắn thì giai đoạn xét xử mới đạt được hiệu quả, còn nhận thức không đúng đắn, đầy đủ về vụ án có thể dẫn tới sai sót trong quá trình xét xử, ra bản án oan sai không đúng người, không đúng tội.
Việc nhận thức một cách toàn diện, đúng đắn sự thật khách quan về vụ án cùng với các hoạt động tố tụng khác sẽ giúp cho HTND xác định rõ nhiệm vụ của mình, từ đó chủ động, độc lập trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết liên quan đến vụ án; nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá các tài liệu, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ động cơ, mục đích, diễn biến của vụ án; hiểu được diễn biến tâm lý, các đặc điểm nhân thân của người phạm tội và những người tham gia tố tụng khác; xác định được hậu quả và mức độ nguy hiểm do hành vi tội phạm gây ra đối với xã hội để có sự đánh giá, đưa ra quyết định.
Nếu mục tiêu, ý nghĩa này được nhận thức, thực hiện đầy đủ sẽ có tác dụng rất lớn để quần chúng nhân dân quan tâm, ủng hộ không chỉ với đội ngũ hội thẩm, mà còn đối với hoạt động của tòa án, pháp luật. Sự ủng hộ này góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống dễ dàng hơn, việc tuân thủ, chấp hành các phán quyết do tòa án đưa ra sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, người dân cũng sẽ tin tưởng, tích cực tham gia, chia sẻ và hỗ trợ cho hoạt động của hội thẩm, tòa án. Ngược lại, nếu cộng đồng xã hội hiểu sai, nhận thức không đầy đủ khi đó họ sẽ thiếu niềm tin, nghi ngờ, thậm chí ngăn cản, tìm cách đối phó trên nhiều phương diện về phán quyết của tòa án, hoạt động của hội thẩm. Khi đó, không những việc thực thi pháp luật, mà cụ thể là các phán quyết của tòa án sẽ gặp khó khăn, mà tính răn đe, phòng ngừa cũng bị hạn chế, vai trò của hội thẩm trong giải thích, tuyên truyền pháp luật sẽ khó đạt hiệu quả.
Đối với chính HTND, khi nhận thức đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ có thêm động lực, niềm tin và bản lĩnh để tham gia xét xử hiệu quả. Trường hợp ngược lại sẽ không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thậm chí sẽ không chú tâm vào việc nâng cao năng lực, dẫn đến sai phạm trong TTHS.
Từ đó cho thấy, vấn đề nhận thức sao cho đúng, phù hợp về chế định HTND cũng như vai trò của HTND trong TTHS có ý nghĩa về nhiều mặt. Làm tốt điều này, không những sẽ giúp cho việc thống nhất về quan điểm, hoàn thiện các văn bản quy định về chế định HTND có hệ thống, đầy đủ, chặt chẽ hơn, mà còn làm cho quá trình triển khai, áp dụng pháp luật được đồng bộ, có hiệu lực cao. Khi đó, bản chất dân chủ sẽ được thể hiện rõ hơn, các mục đích, yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của HTND đáp ứng, đồng thời sẽ góp phần hạn chế, khắc phục được tình trạng oan sai trong TTHS.