Mô hình tổ chức

Một phần của tài liệu Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 61 - 62)

Thực tiễn cho thấy, trên thế giới, do quan điểm, điều kiện, hoàn cảnh chính trị - xã hội khác nhau mà có mô hình tố tụng khác nhau. Tại Mỹ, Anh, Pháp,… tư pháp là một trong ba nhánh quyền lực khá độc lập, hoạt động xét xử rất được chú trọng và các bồi thẩm viên tham gia xét xử tại các phiên tòa hình sự. Các bồi thẩm viên được lựa chọn ngẫu nhiên với số lượng lớn để cùng tham gia xét xử mỗi vụ án hình sự gọi là bồi thẩm đoàn, nhưng không cùng thẩm phán thực hiện đầy đủ cả quá trình xét xử (việc định tội, tuyên án thuộc về thẩm phán). Bên cạnh đó, ở một số quốc gia lại áp dụng mô hình xét xử xen kẽ giữa thẩm phán và thẩm phán không chuyên hoặc thẩm phán, hội thẩm, bồi thẩm.

Còn ở một số nước Đông Âu trước đây và tại Trung Quốc, Việt Nam hiện nay,…. HTND là người được bầu theo nhiệm kỳ và trực tiếp tham gia xét xử. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, HTND phải là công dân Việt Nam, người có kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội, được HĐND địa phương (cấp huyện hoặc cấp tỉnh) bầu ra theo nhiệm kỳ, trực tiếp tham gia xét xử các vụ án, đồng thời là cầu nối giữa tòa án và người dân, tham gia tích cực vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điều này cho thấy, HTND ở Việt Nam không những là người đại diện cho người dân tham gia xét xử các vụ án nhằm giải quyết các vụ án khách quan, hiệu quả, mà còn là một chức danh tư pháp, tham gia giám sát một số hoạt động liên quan đến hoạt động tư pháp.

Cùng với các quy định về quyền, hội thẩm còn phải thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm kèm theo. HTND không những phải tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân, không ngừng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, làm gương trong việc thực hiện pháp luật, mà còn chịu sự điều chỉnh của luật khi có những sai phạm… Ngoài ra, HTND là người cùng sinh sống, hoạt động với cộng đồng dân cư ở địa phương nên họ còn là người tham gia vào việc giải thích, tuyên truyền về pháp luật, giúp người dân hiểu hơn về hoạt động của tòa án, mặt khác cũng là nhịp cầu giúp tòa án

và những người tiến hành tố tụng hiểu hơn về tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của xã hội. Do vậy, trong trường hợp hội thẩm đáp ứng được các yêu cầu đặt ra sẽ phát huy tốt vai trò đại diện của người dân trong xét xử và tố tụng, ngược lại nếu hội thẩm là người không không có trình độ về pháp luật, sự hiểu biết hoặc tắc trách, thiếu công tâm, khi đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng xét xử và các hoạt động tố tụng khác.

Mô hình tổ chức nhà nước nói chung và hoạt động tư pháp, xét xử nói riêng không những phản ánh bản chất của chế độ, nó còn là cơ sở để hoàn thiện và thực thi pháp luật. Đó còn là các căn cứ để mỗi cơ quan, người tiến hành tố tụng, trong đó có HTND xác lập rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Một phần của tài liệu Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay (Trang 61 - 62)