Trước kia, do sinh sống trên một địa hình núi đá cao, phương tiện đi lại của bà con chủ yếu là ngựa, thì khi đến với mảnh đất mới Đăk Nông, không còn địa hình hiểm trở núi đá khó đi, địa hình đồi cao nguyên cũng dễ vận chuyển, đường lại khá bằng phẳng, cũng dễ đi lại và được nâng cấp nhiều. Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Nông, đến giữa năm 2011, hệ thống đường liên thôn vùng người Hmông là 81,2km (loai B- chưa kịp đổ nhựa), và khoảng 30km đường liên thôn đã rải nhựa. Cùng với đó là hàng trăm km hệ thống đường quanh làng, đường do bà con tự san ủi để lên rẫy… Do đường giao thông thông thoáng, đi lại dễ dàng, việc đi lại của bà con chủ yếu dùng xe máy. Cũng theo thống kê của tỉnh, số xe máy bà con người Hmông dùng lưu thông vào đầu 2011 là 2.013 chiếc, và vào đầu 2012 số xe máy còn tăng lên đáng kể, có những gia đình có tới hai chiếc xe máy. Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của bà con, đồng thời xe máy là phương tiện vận chuyển chủ yếu cho việc chở hàng hóa, việc đi mua sắm xa cũng phải dùng đến xe máy. Khi cần ra trung tâm mua vật dụng sinh hoạt, mỗi khi lên nương rẫy, xe máy đều phát huy tác dụng. Xe máy cũng là phương tiện vận chuyển sản phẩm nông nghiệp trên nương rẫy về nhà. Cùng với xe máy, những chiếc máy cày, máy xới, xe kéo được bà con sử dụng nhiều với trên 100 chiếc. Máy cày, máy xới, xe kéo cũng đồng hành cùng bà con lên nương, xuống đồng cũng như vận chuyển sản phẩm thu hoạch và chở một số đồ vật nặng như phân bón, gỗ, đất, đá, củi khô, cây rừng…
Cùng với những phương tiện vận chuyển ấy, trong nhà người Hmông ở Đăk Nông còn có nhiều đồ dùng trong sinh hoạt thường ngày. Họ có nồi nấu cơm bằng gang, lại có nồi nấu cơm bằng điện, xoong, chảo. Đây là những đồ dùng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, 100% số hộ có nồi gang hay nồi nhôm. Nồi cơm điện cũng được bà con sử dụng khá nhiều. Để xào, rán họ dùng chảo. Cùng với nồi và chảo, họ còn có hàng loạt các loại nồi nấu khác, như nồi nấu canh, kho thịt với đủ các kích cỡ to nhỏ. Bên cạnh đó, bà con cũng có một “xê- ri” bát đũa để sử dụng trong mỗi bữa ăn: bát to, bát nhỏ với hai loại như bát sành, sứ như người Kinh. Ở họ còn có loại bát được làm bằng gỗ hay làm bằng lồ ô, tre dùng để đựng và ăn món thắng cố. Trong bữa ăn của họ cũng không thể thiếu
các loại thìa. Có thìa nhôm như người Kinh, còn có loại thìa riêng của đông bào Hmông - đó là loại thìa làm bằng gỗ cũng dùng ăn cơm, dùng cho trẻ nhỏ hay khi ăn thắng cố. Hệ thống chăn chiếu màn nhà nào cũng có, 12% số hộ có ti vi. Một số gia đình khá giả có tủ lạnh, nhưng số lượng rất ít, khoảng 0,5% số hộ [ 31 ].