Phong tục cưới xin

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 98 - 102)

Theo phong tục, trai gái đến tuổi trưởng thành phải được dựng vợ gả chồng, họ được tự do lựa chọn bạn đời, tự do yêu đương, nhưng khi đi đến hôn nhân họ phải được sự cho phép của bố mẹ cũng như trưởng họ đồng ý. Nếu như trước kia

tuổi kết hôn của người Hmông là 14 tuổi, thì giờ đây, tuổi kết hôn đã tăng lên đáng kể, 16-18 tuổi đối với nữ, 18- 20 tuổi đối với nam. Cũng có nhiều trường hợp nam nữ Hmông kết hôn ở độ tuổi trên 22.

Đến tuổi trưởng thành, trai gái thường hẹn hò nhau, thông qua các dịp lễ hội hay gặp nhau ngoài chợ, trong những buổi tối hay đêm trăng thanh… Họ có thể tự tìm hiểu nhau từng bước. Khi cả hai bên “ý hợp tâm đầu” họ phải về thưa chuyện lại với bố mẹ và được sự nhất trí của hai bên gia đình. Để đi đến hôn nhân, mở đầu chàng trai chủ động tới nhà cô gái thưa mọi ngọn ngành về việc mình tìm hiểu và yêu cô gái, xin phép bố mẹ cô gái cho gia đình mình sang dạm hỏi để lấy cô gái về làm vợ. Sau khi được sự cho phép của bố mẹ cô gái, gia đình chàng trai cho người sang dạm hỏi. Ngày sang dạm hỏi phải là ngày tốt (thường là ngày chẵn). Lễ dạm hỏi gồm có một chai rượu và một đôi gà (một trống và một mái), cùng với hai ông mối (một chính và một phụ). Hai người này phải giỏi ăn nói và có sức thuyết phục, là người trong họ, am hiểu phong tục tập quán dòng họ cũng như phong tục tập quán người Hmông. Lễ dạm hỏi phải vào giữa trưa và có sự thông báo trước cho gia đình cô gái biết để chuẩn bị. Chú rể và hai ông mối tới nhà cô gái dạm hỏi, được mời vào nhà (trường hợp không được nhà gái mời vào - là không đồng ý và tiếp tục tìm hiểu thêm để đi đến hôn nhân). Nhà gái cũng chuẩn bị hai ông mối cũng có tài ăn nói và am hiểu không kém hai ông mối bên nhà trai. Hai bên ngồi chuyện trò chừng 20 phút, ông mối bên nhà trai thưa chuyện: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia đình nhà trai sang dạm hỏi cô gái bên này về làm vợ cho con trai… xem ý kiến bên này thế nào”. Ngay lập tức, ông mối nhà gái thưa chuyện và nhất trí và hỏi ý kiến của các cháu “…có đồng ý sống chung với nhau không…”. Cô gái và chàng trai cùng nhất trí thì coi như bước đầu thành công. Liền sau đó nhà gái cho làm thịt gà, cả hai bên cùng ăn uống (mang tính tượng trưng chứ không say), và cùng bàn công việc cho hôn lễ. Cuối cùng, nhà gái đưa ra bản danh sách lễ vật cưới. Thông thường lễ vật cưới gồm 1,5 triệu đồng cùng với khoảng 25kg thịt heo, 10 - 15 lít rượu, và một đôi gà. Với số lễ vật này được đưa ra, nếu nhà trai nhất trí thì hôn lễ sẽ được tiến hành, nếu không nhất trí có thể xin giảm, (thường thì nhà trai

nhất trí). Ngay sau đó cả hai bên ấn định ngày cử hành hôn lễ, hôn lễ cũng được tổ chức vào ngày lành tháng tốt.

Việc dạm hỏi đã xong, nhà trai về và chuẩn bị cho lễ cưới. Lễ cưới được tiến hành trong cùng một ngày và được diễn ra ở cả hai bên gia đình. Khách và họ hàng bên nào, bên đó mời. Đến khoảng giữa trưa, nhà trai sang đón dâu. Đại diện nhà trai gồm có chú rể và một phụ rể, hai ông mối hôm dạm hỏi, một người em gái hay em họ chưa chồng cùng với hai người anh trai hay anh họ đã có vợ, vài người mang đồ sính lễ. Từ nhà trai sang nhà gái, nhà trai phải chuẩn bị mỗi người một con gà và một chai rượu làm đồ ăn dọc đường. Sang nhà gái, ông mối phải cầm một chiếc ô đen, trong đó có bỏ tiền hoặc không. Gia đình nhà trai được mời vào nhà và thưa chuyện “Hôm nay ngày lành tháng tốt, nhà trai gồm có… sang xin phép được đón con gái bên này về làm vợ…”. Sau khi nói xong, ông mối nhà gái cũng như bố mẹ cô gái đồng ý, ông mối nhà trai trao chiếc ô đen cho ông mối nhà gái và ông mối nhà gái cầm ô treo ở bàn thờ tổ tiên. Ngay sau đó, cả hai bên ngồi ăn uống. Ăn xong ông mối nhà trai xin phép được đón dâu. Trước khi đón dâu, chàng rể phải cúi lạy bố mẹ vợ. Ngay tại nhà gái, bà con lối xóm đến ăn uống và mừng cho đôi vợ chồng trẻ. Vật mừng có thể bằng tiền, có thể bằng vật, được nhà gái trao lại toàn bộ cho cô gái mang về bên nhà trai. Mọi việc xong xuôi, nhà trai đón cô dâu về nhà và tổ chức bên nhà trai. Đi theo cô dâu có một phụ dâu và một số người đi cùng mang quà mừng cho cô dâu. Ngoài ra, còn có chị dâu hay chị họ cô gái đã có chồng sang để còn dặn dò cô gái. Khi đưa dâu về, nhà trai cầm lại chiếc ô đen mang về, trên đường về nhà trai, nhà gái cũng chuẩn bị mỗi người một con gà luộc chín và một chai rượu làm bữa ăn trên đường (dù gần xa cũng phải có). Về tới nhà trai, ông mối dẫn cô dâu chú rể đứng trước cửa và xin phép bố mẹ chú rể cho vào nhà. Vào nhà cô dâu và chú rể cúi lạy bố mẹ chú rể, làm lễ nhập ma nhà chú rể. Lễ nhập ma gồm một con gà luộc chín và một chai rượu cùng với một đĩa thịt luộc. Ông mối trao chiếc ô đen lại cho gia đình chú rể. Chiếc ô đen được treo cạnh bàn thờ tổ tiên, chiếc ô có bỏ tiền hoặc không bỏ tiền ở trong, và không ai được mở. Nếu có ai đó mở phải chịu phạt gấp 5 lần số tiền trong đó. Thông thường, nhà gái cố tình mở để

được phạt vạ, vì nhà gái phải kiểm tra xem bên trong có gì không. Nếu không có gì thì nhà trai không thương con dâu, nếu có là biểu hiện thương con dâu cũng như con đẻ mình. Nếu có chịu phạt cũng là biểu hiện nhà gái thương con cái và đóng góp tiền phạt làm của hồi môn cho đôi bạn trẻ sau khi cưới. Trường hợp nhà gái mở ra không có tiền, nhà gái phạt lại nhà trai. Nộp phạt bao nhiêu là do nhà gái bỏ vào đó, sau đó nhà trai nộp phạt gấp 5 lần số tiền nhà gái bỏ vào. Trình ma xong, mọi người tiến hành ăn uống và chúc tụng nhau, cô gái và chàng trai ra ngoài ra mắt trước toàn thể gia đình cũng như bạn bè. Cuối buổi hôn lễ bên nhà trai, mọi người mừng tiền hay vật cưới. Số tiền và lễ vật có được dành cho đôi vợ chồng cả dùng làm vốn cho cuộc sống sau này.

Sau khi cưới xong, ngày hôm sau vợ chồng cùng với bố mẹ chú rể sang nhà gái lại mặt. Lễ lại mặt chỉ có đôi gà, một trống một mái, cùng với chai rượu và hai kilôgam gạo nếp để nấu xôi. Lễ lại mặt là việc để cô gái về nhà tạ ơn bố mẹ đẻ lần nữa, và cũng là xem nhà gái có gì tặng cho con gái cũng như chàng rể hay không. Thông thường, mọi của cải tặng con cái đều được thể hiện trong lễ lại mặt. Ngay sau đó, nhà gái đi chuẩn bị nấu nướng và ăn uống, mọi việc hoàn tất, bố mẹ chú rể trở về nhà. Đôi vợ chồng trẻ ở bên nhà vợ qua đêm mới được về lại bên nhà trai. Sau đó mọi hoạt động được tiến hành như ngày bình thường. Tuy nhiên, sau khi cưới xong, cô dâu phải sống bên nhà chồng, nếu muốn về bên nhà bố mẹ đẻ phải có sự đồng ý của bố mẹ chồng, hoặc có chồng đi cùng, và đặc biệt không được ngủ qua đêm. Nếu muốn ngủ qua đêm phải có sự đồng ý của chồng hoặc của bố mẹ chồng.

Đối với bộ phận người Hmông theo đạo Tin lành, Công giáo, việc dựng vợ gả chồng lại hoàn toàn khác. Trai gái tự do tìm hiểu, yêu đương, khi ưng thuận, cùng với sự cho phép của hai bên gia đình, gia đình cùng đôi nam nữ đến trình diện với nhà thờ Tin lành, Công giáo. Mục sư tiến hành thông báo trước toàn thể bà con tại nhà thờ về đôi nam nữ trên, từ nay họ đã là vợ chồng của nhau. Và cùng với đó, họ đi đăng ký kết hôn và tổ chức đám cưới. Mọi thủ tục trước và sau khi cưới giống như người Kinh theo đạo Tin lành và Công giáo.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 98 - 102)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w