Trao đổi hàng hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 53 - 55)

Đây là một hoạt động đang trên đà phát triển của người Hmông trên một quê hương mới. Nhiều sản phẩm ngoài việc dùng trong gia đình, bà con còn tiến hành trao đổi ngoài thị trường. Đa số những người Hmông trước khi đến Đăk Nông, là những người nghèo khó, nhiều khi làm không đủ ăn, nhưng sau khi đặt chân lên mảnh đất mới này, bà con đi lên bằng các ngành kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, với những việc khai thác những thứ có sẵn trong tự nhiên… cuộc sống của đa số bà con đã từng bước thay da đổi thịt. Trải qua quá trình sinh sống, từng bước bà con đã có của ăn, của để, không những thế mà họ còn có sản phẩm dư thừa trao đổi ngoài thị trường.

Các sản phẩm bà con trao đổi ngoài thị trường là những sản phẩm từ nông nghiệp, thủ công nghiệp, hay lâm sản. Sản phẩm hàng hóa từ nông nghiệp gồm: Cà phê, lúa gạo, bobo, tiêu, điều, mì; các sản phẩm từ thủ công nghiệp gồm: bàn ghế, gỗ ván, dần sàng, rổ, rá…; thậm chí có cả thịt động vật hoang dã như thịt thú rừng

săn bắn được như nai, lợn rừng, rắn… Bên cạnh đó các sản phẩm từ sông suối như: tôm, cá, cua, ếch, nhái… cũng được bà con mang trao đổi.

Việc trao đổi các sản phẩm từ nông nghiệp như cà phê, tiêu, lúa gạo… thường được bà con mang ra trung tâm của huyện thị, có khi trao đổi mua bán ngay trên địa bàn bà con sinh sống. Sản phẩm bán ở trung tâm huyện thị thì bán hàng lấy tiền, còn trao đổi ngay tại địa phương có khi là hàng đổi hàng, có khi là hàng lấy tiền. Bà con bán hàng và mua về những thứ vật dùng như dày, dép, quần áo, mắm, muối… Các sản phẩm thủ công như rổ, rá, vật dụng đánh bắt cá, thông thường chỉ được bán cho chính những người dân tộc, rất ít bán rộng rãi ngoài thị trường. Ngoài ra, bà con còn bán các sản phẩm như những mảnh gỗ, bàn ghế, tủ…được đồng bào các dân tộc khác như người Kinh, M’nông, Tày, Dao… đón mua. Như thế, các sản phẩm thủ công nghiệp tuy không nhiều, không phải nhà nhà cùng làm, mà chỉ một bộ phận nhỏ người dân làm được đã đáp ứng đủ cho một cộng đồng lớn người Hmông nơi đây nói riêng, các dân tộc sinh sống lân cận nói chung, cũng có nghĩa là sản phẩm họ làm ra bước đầu được nhiều người đón nhận.

Hình 9: Quầy bán quần áo của người Hmông ở xã Đăk Xom huyện Đăk Glong Bên cạnh hoạt động trao đổi mua bán này, hiện nay, trên địa bàn Đăk Nông cũng đã xuất hiện việc buôn bán tạp hóa do chính người Hmông thực hiện. Họ mua hàng hóa như mắm, muối, dầu gội đầu, rượu, chè, thuốc lá, bia, nước ngọt, nước khoáng… về mở quầy tại làng bán lại cho bà con mình. Có cả những trường hợp họ mang đồ ăn đến bán từng hộ gia đình. Tuy nhiên những hộ bán hàng tạp hóa này chưa nhiều, nhưng cũng phần nào đáp ứng được nhu cầu của bà con. Bên cạnh đó còn có những tiệm sửa xe, cắt tóc cũng đang dần mọc lên do đồng bào Hmông thực hiện. Cùng với đó, cũng có một số tiểu thương người Hmông về Bắc mua hàng của đồng bào mình mang vào bán lại. Những hàng hóa này chủ yếu là hàng hóa, vải vóc, trong đó chủ yếu là hàng Trung Quốc. Đồng hành với những tiểu thương ấy là những chiếc xe chở khách của bà con chuyên chạy các chuyến Đăk Nông - Lào Cai, Đăk Nông - Cao Bằng… Theo thống kê của BDT tỉnh, hiện nay trong tỉnh có tới 4

hộ gia đình người Hmông có xe khách chạy các tuyến nói trên, như xe của anh A Vành thuộc xã Đăk Xom chạy tuyến Đăk Nông - Hà Nội - Lào Cai, hay một số hộ người Hmông ở xã Quảng Hòa huyên Đăk Glong cũng có xe chạy tuyến Đăk Nông - Thanh Hóa - Sơn La, Đăk Nông- Thanh hóa - Quảng Ninh.

Hình 10: Xe chạy tuyến Đăk Nông - Thanh Hóa - Lào Cai của người Hmông ở huyện Đăk Glong.

Thông qua những vấn đề trên, có thể thấy một thực tế là cuộc sống mới của bà con nơi đây đang từng bước phát triển, mặc dù cũng còn nhiều hộ gia đình đang khó khăn. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể cuộc sống mới bắt đầu như vậy cũng là những dấu hiệu cho ngày mai tươi sáng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 53 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w