Văn hóa vật chất 1 Nhà cửa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 65 - 69)

3.1.1. Nhà cửa

Ngôi nhà của người Hmông được làm từ những nguyên liệu của núi rừng như gỗ, tre nứa, cỏ tranh, nhưng chủ yếu là làm bằng gỗ, nứa của núi rừng Đăk Nông. Những quan niệm trong làm nhà, những mẫu nhà mang tính truyền thống, và một số ngôi nhà theo kiểu người Kinh, đã tạo dựng thành những ngôi nhà với dạng nhà như dưới đây.

Hình 13: Nhà của người Hmông ở xã Cư KNia huyện Cư Jut

Ngôi nhà được dựng ở những nơi đất chắc, không gây sạt lở. Sau khi định vị mảnh đất cần dựng nhà, nếu mảnh đất chưa bằng phẳng, họ sẽ tiến hành san ủi đều mặt nền. Sau đó họ dội nước cho đất nén chặt và đợi một thời gian sau mới tiến hành làm nhà. Đầu tiên gia chủ đào 3 hố ở ba vị trí khác nhau, hố một ngay tại nơi sẽ đặt bàn thờ tổ tiên, hai hố còn lại đặt tại hai cây cột cái trong nhà. Mỗi hố có độ sâu khoảng 30 đến 40cm, rộng khoảng 10cm. Sau đó ông thả ba hạt gạo hoặc ba hạt ngô cách đều nhau, rồi lấy bát úp lên miệng mỗi hố. Sáng sớm hôm sau, nếu những

hạt gạo không mất hoặc ở nguyên vị trí, hoặc chạm vào nhau thì mảnh đất dựng nhà là tốt, sau này sẽ ăn nên làm ra, con cái khỏe mạnh, vật nuôi chóng lớn; nếu hạt gạo mất hoặc di chuyển ra xa luôn bị coi là xấu, thậm chí là rất xấu đương nhiên sẽ không được phép dựng nhà, nếu cố tình làm sau này cả gia đình đó luôn ốm đau, vật nuôi không lớn…nên phải chọn mảnh đất ở khác.

Để tiến hành dựng nhà, người Hmông còn phải chọn ngày, giờ, tuổi của chủ nhà. Thông thường tuổi chủ nhà cũng giống như tuổi chọn nhà của người Kinh, ngày làm nhà phải là ngày chẵn, giờ làm nhà thường là sáng sớm khi gà cất tiếng gáy đầu tiên, vào 4 hoặc 6 giờ sáng. Ngay tại thời điểm ấy, họ tiến hành làm bộ khung cho ngôi nhà bằng việc chôn những cây cột. Số cột được chôn là 12, 14 hoặc 16 cột ở các vị trí khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu với ngôi nhà 14 cột sau đây: Bốn cột chôn ở hiên nhà (hè nhà, bốn cột này thường thấp hơn những cột khác), bốn cột chôn ở vách hậu, bốn cột chôn ở vách trước, hai cột còn lại là hai cây cột cái giao với hai gian phụ. Hai cột này to hơn những cột đã chôn và là hai cột chính của ngôi nhà, vì vậy hai cột cái này phải cứng cáp, vững chắc, phải được lấy từ những cây gỗ già to, tốt, lấy trong rừng mang về. Tất cả các cột đã chôn phải thẳng hàng nhau, song song nhau. Mỗi cột chôn rất chắc chắn, sâu 40 - 50 cm để gió lớn không bị đổ. Các cây cột cùng vị trí cao bằng nhau, phía trên là bộ khung vì kèo. Ở vị trí cao nhất của nóc nhà, bà con đặt lên đó một cây gỗ xẻ gọi là đòn nóc như người Kinh, được đặt vào chính giữa những rãnh đã đục trước của bộ khung dựng phía trên.. Đòn nóc phải là gỗ tốt, được chọn trong rừng mang về không sâu, gẫy ngọn hoặc không chết trước đó, đặc biệt là từ rừng mang về phải đặt ngay lên đó chứ không được để chạm đất, bởi họ cho rằng đó là nơi sau này người trời về trú ngụ, nghỉ ngơi, cần phải sạch sẽ.

Sau khi các công đoạn trên hoàn thành, họ tiến hành dựng đòn tay đã làm sẵn để tạo mái nhà, với khoảng cách chừng một mét một cây. Mái nhà làm xong, họ tiến hành làm tường nhà. Tường nhà được ghép bằng những mảnh gỗ đã xẻ sẵn (ván), có độ dày từ 1- 2 cm, tùy điều kiện kinh tế của từng gia đình ván gỗ có độ dày mỏng khác nhau. Những mảnh gỗ này có thể được xếp theo chiều ngang hay dọc.

Phần lớn bà con xếp theo chiều ngang và giữ chặt bằng đinh. Ngôi nhà thường có hai mái, mái trước thường dài hơn mái sau. Mái nhà lợp bằng tôn là chính. Một số gia đình còn khó khăn, còn lợp bằng rơm, hay cỏ tranh. Đối với hướng nhà, đa số bà con đến Đăk Nông ở trong khu định cư, nên hướng ngôi nhà phần lớn quay ra mặt đường. Một số hộ còn lấy hướng Đông hoặc Tây cho ngôi nhà mình. Ngôi nhà thường có ba gian hoặc 3 gian hai chái. Gian giữa là gian chính, hai gian bên cạnh là gian phụ. Mái sau trải rộng ra sau khoảng 1m (tính từ vách hậu). Mái trước bao phủ cả hiên nhà (hè trước). Hai chái trải rộng trên 1,5m (tính từ vách hông), cộng với hai mái trước sau, khi mưa các vách khó bị ướt (trừ mưa quá to kèm theo gió lớn).

Ngôi nhà của người Hmông nói chung là thấp, nền được láng xi măng hay đất. Phần lớn là ngôi nhà có một cửa chính và một cửa phụ. Cửa chính luôn đặt ở gian giữa của vách trước. Cửa phụ thường đặt ở hông bên trái hay hông bên phải của gian phụ. Bước qua cửa phụ là bếp và nơi để dụng cụ… Ngoài cửa phụ của gian bếp, gian bếp còn có hai cửa phụ nữa: một cửa phía sau, một cửa mặt trước. Cửa phụ phía sau vừa nhằm lấy ánh sáng, tiện cho việc ra vào khi rửa ráy, giặt giũ, cũng như thông ra chuồng nuôi gia súc và vườn. Cửa phụ mặt trước song song với cửa chính ngôi nhà.

Trước đây bà con quan niệm cửa chính dành cho chủ nhà và khách vào ra, giờ đây điều này đã lùi vào quá vãng. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được phép ra vào bằng cửa này. Một số gia đình, cửa chính thường có ngưỡng (ngạch) cao chừng 10- 15 cm, khách và con cái trong nhà không được dẫm lên đó. Cũng nhiều gia đình không có ngưỡng cửa tiện đưa xe ra vào. Cửa chính luôn luôn là hai cánh và được mở vào trong, cũng có một số hộ mở ra ngoài. Họ không được đưa đồ ăn thức uống, mang vác củi hay lấy các vật dụng thường ngày qua cửa chính. Mọi sinh hoạt thường nhật đều phải đi qua cửa bếp, trừ khi mang thóc lúa khô về nhà cất. Khi cất lúa hoặc nông sản khô, họ đi qua cửa chính và được cất ở nhà lớn. Nông sản khô thường cất vào một góc hay tại vách hậu của hai gian phụ. Các vật dụng khác như dao, quốc, liềm…luôn được cất ở nhà bếp.

Trong ba gian nhà, các gian thông nhau không có vách ngăn cách. Cũng có một số gia đình lại làm vách ngăn giữa các gian. Trong ba gian, gian giữa là gian chính, hai gian bên cạnh là hai gian phụ. Mỗi gian phụ có một cửa sổ cách mặt đất chừng 1m. Ở hai gian phụ này được đặt hai hay ba chiếc giường. Giường thường làm bằng tre, gỗ, một số khá giả nằm phản. Một giường giành cho vợ chồng chủ nhà, một giường giành cho con cái, giường còn lại nếu nhà đông con, các con họ sẽ ngủ ở đó. Giường này cũng có khi dùng cho khách nếu khách ở lại qua đêm, nhưng phải được dọn dẹp sạch sẽ. Đây cũng là giường ngủ của đôi vợ chồng mới cưới (che thêm rèm), nếu chưa có điều kiện ra ở riêng. Vách hậu của gian chính là nơi đặt bàn thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ này làm bằng gỗ phía trên treo di ảnh người quá cố. Di ảnh người lớn tuổi cao hơn, nhỏ tuổi thấp hơn. Bàn thờ cách mặt đất chừng 1,5m. Phía trước gian giữa, đặt bàn ghế để tiếp khách (cũng có khi không bày bàn ghế). Phía trước nữa là nơi ăn uống của gia đình cũng như cho khách. Giữa của mỗi gian phụ thường có một bếp lò hoặc lò sưởi để giữ ấm. Khi mới đặt chân đến mảnh đất mới này, bà con thường làm một hoặc hai bếp ngay trong nhà, vì khi ấy cây cối, rừng còn nhiều, mát mẻ, nhiều khi lạnh lẽo, nhưng hiện giờ do dân số đông, rừng thưa dần, độ lạnh đã giảm nhiều nên bà con không đặt hai bếp này nữa. Trường hợp khách hay người trong gia đình lạnh quá, lửa ở dưới bếp luôn dược giữ.

Cùng với ngôi nhà chính, người Hmông còn làm nhà cho gia súc gia cầm. Là cư dân nông nghiệp, việc chăn nuôi là rất cần thiết. Bà con rất quý vật nuôi, xem vật nuôi như con người, nên phải dựng nhà cho chúng tránh mưa gió. Chuồng trại cho vật nuôi được bà con dựng ở phía sau, bên hông của ngôi nhà chính hay phía sau bếp. Cũng có một bộ phận nhỏ người Hmông làm chuồng cho vật nuôi phía trước nhà. Cùng với việc tạo dựng ngôi nhà, bà con còn làm sân phơi đồ nông sản phía trước nhà. Một số gia đình làm hàng rào bằng lưới thép B40 hay gỗ. Tuy nhiên số đông bà con vẫn chưa dùng hàng rào và cổng. Một số gia đình khá giả đã tự đào cho mình một giếng nước riêng ngay phía sau nhà bếp để tiện sinh hoạt. Đa số bà con còn lại dùng nước suối hoặc giếng nước công cộng.

Hình 14: Chuồng nuôi gia súc của người Hmông

Như vậy, với kết cấu ngôi nhà như trên, nhà của người Hmông ở Đăk Nông khá vững chắc, kiên cố. Tuy nhiên ở đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ làm chưa đủ ăn, nên nhà ở chỉ mang tính tạm bợ, dột nát cần có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đoàn thể để bà con yên tâm làm ăn trên quê hương mới Đăk Nông.

Đối với người Hmông theo đạo Tin lành và Công giáo, việc làm nhà của họ không còn duy trì những nghi thức cúng bái, kiêng kỵ gì, mà họ tiến hành dựng ngôi nhà giống như bộ phận người Kinh theo hai đạo này, với các dạng thức: Một mặt vẫn mang dáng dấp ngôi nhà truyền thống; mặt khác đã xuất hiện những ngôi nhà ống với nhiều gian được bố trí bên trong giống như nhà của người Kinh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w