Cùng với sự phát triển của xã hội, và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vấn đề y tế, giáo dục trong vùng đồng bào Hmông ở Đăk Nông đang ngày một nâng lên.
Về y tế: Trước kia do đời sống còn khó khăn, khi có người ốm đau, bệnh tật,
bà con thường hay vào rừng tìm thuốc chữa bệnh, cũng có khi mời thầy cúng, hay các thầy lang (thầy thuốc của đồng bào Hmông) về cúng chữa bệnh. Do vậy tỷ lệ người tử vong là khá cao. Giờ đây, đời sống kinh tế của bà con được nâng lên, cùng với sự vận động của chính quyền địa phương về khám chữa bệnh bằng thuốc Tây, nên hiện nay, khi có người ốm đau, sinh nở… bà con thường mang đến trạm y tế xã hay bệnh viện huyện hay tỉnh, nên tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt.
Về giáo dục: Trước kia, việc giáo dục con cái trong vùng đồng bào Hmông
đã được chú trọng, thế nhưng sự chú trọng này chỉ được thực hiện trong phạm vi gia đình, hay một vài gia đình với nhau, nên việc cho con em đến trường ít được quan tâm, nếu có chỉ là để cho các em biết cái chữ là đủ. Hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự giao lưu về kinh tế, văn hóa đang dần đưa các dân tộc xích lại gần nhau, do vậy việc trao đổi qua lại giữa mọi người là cần thiết, nhu cầu nâng cao trình độ văn hóa càng trở nên cấp bách. Mặt khác, theo chủ trương phổ cập giáo dục của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương bà con đã ý thức là học vừa để biết chữ, học tập sẽ phát triển được kinh tế, đồng thời có cơ hội để đi làm việc nhà nước… Ý thức được điều này, hiện nay bà con người Hmông đã đang chú ý tới việc cho con em mình tới trường để học chữ. Hiện nay tỷ lệ người theo học trong vùng người Hmông là khá cao. Theo sự thống kê của BDT tỉnh, số trẻ em đi học ở các cấp là trên 4.000 em, điều này chứng tỏ bà con đã quan tâm lớn tới trình độ văn hóa cho con em mình [ 31 ].