Thờ ma cột chính, ma cửa chính, ma bếp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 84 - 86)

Người Hmông luôn quan niệm cột chính là cột linh thiêng, nên không ai được phép động chạm vào cột chính. Hàng ngày, người ngồi không được tựa lưng vào cột, đánh, đập hay gõ vào cột chính. Cột chính là cột ở vị trí giao điểm gian giữa với gian đầu hồi bên trái hoặc bên phải vì kèo của ngôi nhà. Xung quanh cột chính là nơi mà nhau thai người con trai khi sinh ra được chôn tại đây. Đồng thời tại

nơi cột chính theo quan niệm của người Hmông là nơi tập trung hồn của người đang sống, và cũng là nơi trú ngụ của ma tổ tiên. Trên cột chính bà con dán mảnh giấy bản và bôi tiết gà lên thể hiện sự thờ cúng đối với ma cột chính.

Với những quan niệm như vậy, người Hmông luôn tránh không để cho người ngoài động chạm hay có hành động xâm hại gì tới cột chính. Họ tiến hành cúng ma cột chính khi trong nhà có người ốm, hay có người chết. Khi trong nhà có người chết, thi hài được đặt nằm gần cột chính, thợ kèn thổi bài xin ma cột chính cho hồn người chết về đoàn tụ với tổ tiên. Khi trong gia đình có người ốm đau, người ta cũng cúng ma cột chính. Lễ vật cúng ma cột chính thường là ba nén nhang cùng với gà luộc chín. Việc cúng ma cột chính thường do thầy cúng về đảm nhiệm. Như vậy, việc thờ cúng ma cột chính chính là cầu mong sự bình yên, giữ hồn vía cho gia đình.

Cùng với việc thờ ma cột chính là việc thờ ma cửa chính. Người Hmông cho rằng, trong một gia đình luôn có chủ nhà, cũng như ngôi nhà cũng phải có cửa để ra vào. Tuy nhiên nhà của người Hmông chỉ có một cửa chính, một hay hai cửa phụ. Cửa chính luôn ở chính giữa trước nhà. Đây là cửa ra vào cơ bản của ngôi nhà, vì vậy, bà con luôn quan niệm cửa chính như một vị thần hộ mệnh canh giữ hồn vía của mọi người trong nhà cũng như ngăn cản không cho ma ác vào nhà làm hại các thành viên trong nhà, đồng thời ma cửa chính cũng bảo vệ của cải, mùa màng, gia súc… cho gia chủ. Vì thế bà con luôn thờ ma cửa chính. Bàn thờ ma cửa chính được làm đơn giản. Đó là ba mảnh giấy bản được bôi tiết gà rồi dán lên cửa nhà cách mặt đất 1,5m. Thờ ma cửa chính cũng giống như thờ ma cột chính, được tiến hành vào những lúc trong nhà có người chết hay ốm đau. Khi có người chết, thợ kèn thổi bài xin ma cửa cho hồn người chết ra khỏi nhà và về đoàn tụ với tổ tiên. Khi đám tang tiến hành, nhiều người qua lại cửa chính với những hồn vía khác nhau, nên đã đè cho ma cửa chính ngã. Vì vậy, sau khi chôn cất được vài ngày, người ta làm lễ nâng đỡ ma cửa chính dậy để tiếp tục bảo vệ gia đình. Do cửa chính có vai trò khá quan trọng, nên hàng ngày bà con kiêng không được nhấc cửa chính ra khỏi nhà, kiêng không để phụ nữ mới sinh đi qua cửa chính (vì chưa sạch sẽ), kiêng không dựa lưng vào cửa chính…

Trong sinh hoạt thường ngày, con người luôn phải gắn với bếp lửa, nên người Hmông cho rằng bếp lửa là linh thiêng, là một vị ma trong nhà có ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất…vì thế cần được thờ cúng cẩn thận. Vì vậy, bà con kiêng không được dẫm lên bếp, gõ lên bếp, kiêng nướng bánh bị cháy, làm bếp tắt trong ba ngày Tết, kiêng không được di chuyển bếp khỏi vị trí ban đầu… Việc cúng ma bếp được tiến hành khi gia đình có người sinh đẻ, mừng năm mới, có người chết… Cũng như ma cột chính và ma cửa chính, ma bếp cũng được cúng khi có người chết. Ông thợ kèn có nhiệm vụ làm lễ xin ma bếp cho người chết về với tổ tiên. Khi cầu mong được mùa bà con chuẩn bị lễ vật gồm xôi, gà, ba nén nhang để cúng ma bếp. Cúng xong lễ vật được ăn như bình thường, nhưng không cho người ngoài ăn.

Như vậy hệ thống ma trong nhà theo quan niệm của người Hmông có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của bà con Hmông, nên mỗi khi gia đình có việc đều phải tiến hành cúng bái. Bên cạnh hệ thống ma nêu trên, trước kia bà con còn cúng ma buồng, ma bếp lò. Thế nhưng, hiện nay khi làm nhà, bà con rất ít khi làm các gian ngăn cách nhau mà thường làm thông nhau; cùng với khí hậu mát mẻ, ấm áp hơn nhiều ngoài Bắc, nên bà con Hmông ở Đăk Nông đã không còn làm bếp lò hay lò sưởi…để sưởi ấm. Do đó việc thờ cúng hai ma này đã không còn diễn ra.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 84 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w