Những biến đổi về kinh tế xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 106 - 110)

Từ khi đến với Đăk Nông, bà con người Hmông không trông chờ ỉ lại chờ đợi nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, mà trái lại họ không ngừng phát triển nền kinh tế của mình, của toàn cộng đồng, do đó đời sống kinh tế- xã hội của bà con đã thay đổi hơn nhiều so với khi trước, và trong chừng mực nhất định so với đồng tộc của họ, cũng có nhiều điểm trội hơn.

Một nền kinh tế nông nghiệp với nhiều loại ruộng khác nhau, cùng với đa dạng giống cây trồng và với kỹ thuật trồng cấy phù hợp, đời sống kinh tế thay đổi nhiều. Không giống như ruộng nương của người Hmông ở phía Bắc, ruộng nương của người Hmông nơi đây phần lớn là đồi, thung lũng và những cao nguyên có độ cao từ 600- 700m so với mực nước biển, nên việc trồng cấy thuận lợi hơn nhiều. Mặt khác ruộng nương lại không sỏi đá cằn cỗi, thay vào đó là những mảnh nương

màu mỡ được khai phá từ rừng hay do Nhà nước cấp, cùng với những mảnh ruộng nước được cấp, trồng cấy thuận lợi, nên giờ đây cuộc sống của bà con ngày một đổi thay. Với những mảnh nương được khai phá từ rừng, với mảnh tốt, ban đầu bà con dùng để trồng lúa nương, cho năng suất trên 2,5 tấn/ha. Sau vụ đầu, bà con mới đưa vào trồng một số loại cây trồng khác như tiêu, điều, cà phê, bobo, mì, ngô… Không giống như đồng tộc của họ ở phía Bắc hay ở một số nơi khác, người Hmông nơi đây do có những mảnh đất nương tốt, đa số bà con đưa cây cà phê vào trồng, năng suất cũng đạt trên dưới 3 tấn/1ha, đã cải thiện rất lớn cuộc sống, đời sống nâng lên rõ nét. Cùng với những mảnh nương là những mảnh ruộng nước được cấp được bà con trồng cấy một hoặc hai vụ/năm. Bên cạnh đó do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều loại giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao cũng được người Hmông đưa vào trồng cấy. Cùng với đó là việc sử dụng các loại phân bón hóa học cho cây trồng. Việc cày bừa bằng trâu hay bò cũng thay dần bằng việc dùng máy móc với các dạng như: máy cày bừa, máy tuốt lúa… thay cho sức người, sức trâu bò. Vì vậy, giờ đây cày bừa bằng trâu bò chỉ được tiến hành trên một số mảnh ruộng bậc thang, hay những mảnh ruộng mà địa hình không thích hợp cho máy móc. Mặt khác trong cuộc sống nông nghiệp ấy, khi mà mỗi nhà tới vụ gieo trồng, thu hoạch hay phát rừng, bà con lại thường hay đổi công cho nhau, cùng nhau sẻ chia sự thiếu thốn nhân lực cho mùa vụ. Với việc đa dạng hóa cây trồng, cùng với áp dụng kỹ thuật chăm sóc và bón phân, đời sống của bà con đang ngày một thay đổi, nhiều gia đình Hmông không những đã đủ ăn trong năm mà còn có nhiều nông sản mang trao đổi. Nghề thủ công hiện nay ít được chú trọng ở vùng người Hmông nơi đây, nhưng thay vào đó, một số hộ gia đình khá giả cũng đã tìm cho mình những nghề khác nhau, như nghề mộc, nghề đan lát, nghề chạy xe ô tô Bắc Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi có tới bốn hộ gia đình có xe chạy tuyến Bắc - Nam.

Đời sống kinh tế của người Hmông có thay đổi nhiều so với trước đã dẫn đến đời sống xã hội cũng thay đổi theo. Do cuộc sống phát triển, nên làng bản của họ cũng thay đổi. Quy mô mỗi làng rộng lớn, không còn phân tán như xưa, được tập trung nơi đường giao thông thuận lợi. Làng bản đã quần tụ nhiều hộ gia đình, mỗi

làng có từ vài chục, thậm chí có làng với trên trăm hộ sinh sống, có làng lên đến vài trăm hộ, như làng của người Hmông ở xã Đăk Ngo huyện Tuy Đức, hay ở xã Đăk Xom, xã Đăk Rmăng huyện Đăk Glong… Cấu trúc bên trong ngôi làng khá bền chặt. Ở đó có cả một hệ thống các tổ chức trong hệ thống chính trị, lại có cả hệ thống luật tục của làng bản (Hội đồng già làng đã xuất hiện ở một vài thôn bản với những luật tục, quy ước vốn có của người Hmông trước kia). Cả hai hình thức này tồn tại song hành làm cho tình hình trật tự trị an vùng đồng bào Hmông thêm phần hiệu quả. Cùng với sự phát triển ấy, dòng họ của người Hmông cũng đã ít nhiều bị phân tán, những người cùng họ không còn tập trung đông đúc như trước mà đã phát triển rộng sang nhiều vùng khác nhau (do nhu cầu đất canh tác), có khi cả các tỉnh khác trên toàn quốc. Mặc dù ở cách xa nhau hàng trăm kilômet, nhưng họ vẫn giữ được mối quan hệ thân thiết với nhau. Một điều dễ nhận thấy nữa khi đến làng Hmông là mỗi làng đang tồn tại nhiều dân tộc sống xen kẽ với nhau một cách hòa đồng, nhưng quan hệ dòng họ vẫn là chi phối quan hệ làng. Chính điều này đã và đang từng bước làm cho quan hệ láng giềng dần dần lấn át quan hệ huyết thống trên một số mặt như: Trao đổi hàng hóa, giao lưu về kinh tế, văn hóa, học hỏi lẫn nhau… cùng phát triển. Một điểm nữa cũng cần chú ý là trong làng Hmông đang dần hình thành hệ thống chợ phiên. Đây chính là nơi trao đổi nông sản và bà con mua những thứ cần thiết cho mình. Đó thực sự là một môi trường mở để mọi người có thể học hỏi, giao lưu kinh tế, văn hóa, như làng Hmông ở xã Đăk Xom, Đăk Rmăng huyện Đăk Glong, Đăk Ngo huyện Tuy Đức. Ở trong mỗi làng ấy cũng xuất hiện những cửa hàng bán tạp hóa vừa và nhỏ, một số cửa hàng may mặc, tiệm bán quần áo, hiệu cắt tóc, tiệm sửa xe… do chính bà con người Hmông tự mở. Việc buôn bán hàng tạp hóa tuy không nhiều, nhưng cũng cho thấy bước đầu bà con có suy nghĩ và làm nghề mới. Chứng tỏ cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi.

Sự biến đổi tiếp theo về xã hội của người Hmông là trong hôn nhân và gia đình. Trong hôn nhân, nếu như trước kia độ tuổi kết hôn của phụ nữ Hmông là 14 - 15 tuổi, nam giới là 16 - 17, thì giờ đây đa số người Hmông dần thực hiện theo Luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước. Phần đông kết hôn kết hôn ở độ tuổi 17- 18

tuổi đối với nữ, 19 - 20 tuổi đối với nam. Cũng có một số kết hôn ở độ tuổi trên 22, thậm chí là 25 tuổi. Việc tổ chức hôn lễ hiện nay của bà con bước đầu đã xuất hiện hình thức tổ chức tiệc cưới tại các nhà hàng (một bộ phận nhỏ). Họ cũng mời anh em họ hàng của hai bên gia đình cùng bạn bè đến chung vui và cùng hát hò trông rất vui vẻ. Phổ biến việc cô dâu chú dể trao nhẫn cưới cho nhau trong hôn lễ. Hiện nay cũng do sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nam nữ thanh niên cũng có sự suy nghĩ lớn trong việc lựa chọn bạn đời. Nữ giới chọn bạn đời có tiêu chuẩn như giàu có, khỏe mạnh, thậm chí có nghề nghiệp ổn định, còn nam giới chọn bạn đời là những người giỏi bếp núc, thạo việc gia đình, biết làm nương… Cũng do sự phát triển và quan hệ giữa các tộc người trong địa bàn, tư tưởng người Hmông không còn bó hẹp mà đã thoáng hơn trước nhiều. Nhiều người Hmông đã có sự kết hôn với người ngoại tộc, như kết hôn với người Dao, Mnông, hay với người Kinh… Sau hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng nhiều khi chưa muốn sinh con ngay, mà đợi khi kinh tế đỡ khó khăn, mới sinh con cái. Trong việc sinh con cái, mỗi cặp vợ chồng sinh từ hai đến bốn người con, rất ít trường hợp sinh con thứ năm hay thứ sáu. Hiện nay, nhiều hộ gia đình người Hmông ở Đăk Nông có suy nghĩ tiến bộ hơn là nên sinh hai đến ba con. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ nhận định trong việc sinh con cái là “sinh hai đến ba con để nuôi dạy và chăm sóc cho tốt” - một tư tưởng tiến bộ (mặc dù là bộ phận nhỏ), nhưng bước đầu cũng cho thấy nhu cầu sinh ít con cái của người Hmông để tập trung phát triển kinh tế. Theo thống kê mới nhất của BDT tỉnh cung cấp, trung bình mỗi hộ người Hmông ở Đăk Nông chỉ có 5,8 thành viên, thậm chí có rất nhiều hộ chỉ có 4 thành viên. Cùng với sự thay đổi về nhận thức, số thành viên trong gia đình, mối quan hệ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và xã hội cũng thay đổi theo. Cha mẹ quan tâm nuôi dạy con cái, con cái ứng xử tốt với cha mẹ, có trên có dưới, có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi tuổi cao sức yếu… Nhu cầu học tập đã được người Hmông quan tâm. Con cái đến tuổi đi học về cơ bản đều được cha mẹ chúng đưa đến trường, về nhà được cha mẹ chúng chỉ bảo thêm… Trong những làng Hmông nơi đây, những gia đình gồm ba thế hệ đang dần nhường chỗ cho thiết chế gia đình hai thế hệ. Đây là kiểu gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân,

kiểu gia đình này đang trở thành loại hình gia đình phổ biến trong cộng đồng người Hmông ở Đăk Nông hiện nay.

Do sự phát triển của nền kinh tế, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng để phục vụ đời sống của dân làng. Nhiều nhà văn hóa của thôn bản được xây dựng làm nơi sinh hoạt chung cho bà con. Một số làng đã có trường mẫu giáo, trường học cấp I, II để phục vụ nhu cầu học tập của con em trong làng. Một số làng đông dân cư bước đầu cũng đã có trạm y tế, và một số làng chưa có trạm y tế, hàng tháng cũng có nhân viên y tế xã xuống tận thôn bản để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và chăm sóc sức khỏe cho bà con. Về điện thắp sáng, qua thực tế với những chuyến điền dã tại vùng đồng bào Hmông, đã có tới 90% số hộ người Hmông đã sử dụng điện lưới quốc gia, một số hộ còn lại (ở địa bàn không thuận lợi) điện lưới chưa tới được, bà con tự sắm cho mình một máy phát điện lợi dụng sức nước để phục vụ cho gia đình. Một số ít hộ còn lại cũng đang trong quá trình tiến tới nguồn điện năng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 106 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w