Trong tự nhiên, các nguồn lợi rất phong phú và đa dạng, đó là các loại rau rừng, các loại măng rừng, các loại thú rừng, thuốc quý, các loại củ rừng, cá, cua… luôn luôn được bà con tiếp nhận dùng làm các món ăn hàng ngày.
Việc lấy rau rừng là công việc thường ngày gắn liền với chị em phụ nữ. Đây là công việc không mấy khó khăn, có những em bé 5- 6 tuổi đã cùng anh chị đi nhặt nhạnh về làm thức ăn. Nguồn rau rừng có nhiều loại như: rau tàu bay, rau dớn, rau bép và các loại rau dùng cho vật nuôi. Cùng với việc lấy rau, bà con còn lấy măng rừng về làm thức ăn, nguồn măng rừng khá nhiều, nhưng khó lấy, nên công việc này thường do người lớn đảm nhiệm, bởi có những gốc măng to và nặng tới vài kilôgam. Sau khi lấy măng về, bà con dùng một phần trong bữa ăn ngay, một phần thái ra, phơi khô để dùng trong những ngày bận rộn, không đi lấy được. Một số hộ
còn mang đi bán đổi lấy các thức ăn khác. Dụng cụ mang theo để lấy rau, măng rừng là những chiếc gùi đeo sau lưng cùng với dao nhíp, cuốc…. Bên cạnh việc lấy rau và măng, họ còn thu lượm lấy các loại củ, quả rừng, như: củ mài, củ từ, củ ấu, chuối rừng… phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Tại những địa điểm lấy rau, hoa quả, sau khi lấy xong, bà con luôn làm những ký hiệu riêng như cắm những chiếc gậy cao chừng một mét, hoặc là chặt một cây nào đó, để lại phần gốc 1m và vạt nhọn để lần sau tới lấy.
Cùng với việc lấy rau, măng, củ quả rừng, bà con còn vào rừng để lấy các loại thức ăn khác như mộc nhĩ, mật ong, các loại nấm rừng về phơi khô dùng trong những bữa ăn hoặc phơi khô hay mang bán. Một loại cây thuốc quý mới được bà con chú ý đó là cây mật nhân. Mật nhân được dùng để chữa các bệnh như đau lưng, đau dạ dày, đại tràng… Cây mật nhân có nhiều trong rừng đang được khai thác và mang lại nguồn lợi lớn, bởi vì 1kilôgam mật nhân bán ngoài thị trường lên tới 40- 60 ngàn đồng.
Một hoạt động khai thác trong tự nhiên nữa là việc săn bắt chim, thú rừng. Đây là một hoạt động tạo ra nguồn thực phẩm lớn trong việc khai thác các nguồn lợi trong tự nhiên. Công việc này thường gắn với người đàn ông, bởi nó đòi hỏi phải nhanh nhẹn, khéo léo, tinh tế, sự phán đoán đúng và kịp thời. Việc đi săn bắt chim thú rừng có khi là một nhóm người, có khi là một cá thể, nhưng thông thường đi săn cá thể nhiều hơn. Săn bắt tập thể thường bắt gặp khi săn những con thú lớn. Tuy nhiên, trong điều kiện tài nguyên rừng ngày một suy giảm, số lượng thú lớn ngày một cạn kiệt, nên hình thức săn tập thể dần dần không còn mà thay vào đó là việc đi săn cá thể. Việc đi săn cá thể thường săn bắt các loại chim, thú nhỏ, với những mảnh lưới đánh bắt chim, hoặc những bẫy thú. Nếu săn tập thể bắt được thú lớn, bà con mang về chia nhau theo nguyên tắc cùng làm cùng hưởng. Tuy nhiên, chủ nhân chính được nhận phần nhiều hơn. Trong việc làm bẫy, họ làm những bẫy bằng cách đào hố, hoặc là những chiếc bẫy tự tạo bằng những cành cây hoặc những dây thép… để dễ dàng tóm lấy con thú. Ngoài những chiếc bẫy mà họ tạo ra để bắt thú rừng, hành trang mang theo người đi săn còn có những chiếc nỏ, cung tên, súng tự
tạo, những chiếc lao… Sản phẩm bà con săn bắt được đó là các loại chim, sóc, nai, mang, chồn, thỏ, chuột, nhím, lợn rừng… Sản phẩm mang về dùng để ăn. Trường hợp được nhiều còn được dùng để trao đổi trong làng.
Do sinh sống ở vùng địa hình chia cắt mạnh, có nhiều sông suối, nên lượng cá, tôm, cua, ếch, nhái… khá nhiều. Hàng ngày bà con không chỉ vào rừng kiếm rau, củ, quả, chim, thú rừng…mà còn đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt này được thực hiện lúc rảnh rỗi, thường vào mùa mưa. Phương tiện đánh bắt gồm chiếc thuyền nhỏ làm bằng gỗ hay tôn (nơi có sông, suối lớn), cùng với các dụng cụ đánh bắt như lưới, nơm, những chiếc dậm, lờ. Ngoài ra họ còn đi câu, hay bắt bằng tay… Ở những nơi có nhiều cá lớn, bà con có khi dùng thuốc để bắt. Thông thường họ dùng “thuốc ngủ” chứ không dùng thuốc bằng lá, hay thuốc độc hại, bởi nếu làm như thế lượng cá tôm dễ bề cạn kiệt. Bà con tuyệt đối cấm đánh bắt cá bằng nguồn điện. Với các hình thức đánh cá như vậy, bà con không chỉ có lượng tôm cá dùng cải thiện bữa ăn, mà còn để cho cá sinh sôi nảy nở thêm.