Với người Hmông, sau khi dựng vợ, gả chồng, việc sinh nở là một trong những việc hệ trọng, nó là sợi dây gắn kết vợ chồng lại với nhau cũng như tăng thêm nhân lực cho gia đình và cho xã hội, đặc biệt việc sinh bé trai càng được coi trọng. Chính vì vậy việc sinh nở luôn được người Hmông quan tâm hết mức, gắn với đó là việc kiêng cữ trước, trong, và sau khi sinh.
Người phụ nữ Hmông khi mang thai kiêng cữ rất nhiều. Khi mang thai, phụ nữ kiêng không được làm việc nặng nhọc, kiêng không được lên nương, vào rừng hay tới chỗ vắng người, kiêng đi xa, kiêng không ăn tim, gan một số con vật như heo, trâu, bò (họ Hàng, Giàng…). Bởi theo họ, nếu mang thai mà không kiêng sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi (thai nhi có thể bị dị dạng dị tật, có thể đẻ non, đẻ muộn…), vì thế việc kiêng cữ rất cần thiết. Đặc biệt phụ nữ mang thai tới tháng thứ tám, thứ chín luôn không được sang nhà hàng xóm, chỉ được đi lại xung quanh nhà, và làm việc nhẹ nhàng, đi lại cẩn thận… có như vậy mới dễ sinh.
Khi sắp sinh, người Hmông thường dành cho vợ một giường riêng. Giường này phải được che màn gió rất kín đáo (do nhà của người Hmông ở Đăk Nông có ba gian, nhưng thường không có vách ngăn cách). Có gia đình khi vợ sắp sinh còn dựng vách để ngăn cách cho kín đáo. Phụ nữ sinh con phải sinh trong khu vực dành riêng đã chuẩn bị (buồng) từ trước. Khi sinh con, người phụ nữ sinh ngồi tựa vào giường và bám vào vai của chồng hoặc chị hay em gái đã lấy chồng và đã có con. Trường hợp khó sinh, gia đình mời bà đỡ. Sau khi sinh xong, sản phụ phải tắm rửa ngay bằng nước ấm cho sạch sẽ và phải lên giường nằm ngay chứ không được đi lại nhiều. Sau khi sinh, đứa trẻ được tắm bằng nước ấm. Việc tắm cho bé phải là người có chồng và đã có con, và là người cùng ma, cùng họ. Sau khi sinh, đứa trẻ được cắt rốn ngay. Người Hmông cắt rốn cho trẻ bằng một thanh cật tre đã được khử trùng. Trước khi cắt rốn, bà con dùng chỉ hay sợi lanh buộc ở chân rốn và tiến
hành cắt. Nốt cắt cách vị trí buộc khoảng 2 - 3 cm. Sau khi cắt rốn và tắm rửa sạch cho trẻ, đứa trẻ được đặt lên giường nằm cạnh mẹ, sau 1- 2 giờ mới cho trẻ bú sữa mẹ.
Sau khi sinh, trong ngày đầu tiên sản phụ chỉ được ăn cơm với trứng luộc. Những ngày sau đó, sản phụ được ăn bồi bổ nhiều chất như thịt, cá…để cho sản phụ nhiều sữa cho con bú, đặc biệt là người ta nấu cháo chân giò cho sản phụ ăn. Cùng với việc tăng cường cá thịt, bà con còn cho sản phụ ăn nhiều rau, đặc biệt là rau mang lại nhiều sữa cho trẻ bú như: rau đắng, rau cỏ sữa, đu đủ xanh nấu với nước luộc gà… vì loại rau này lành, tốt cho sức khỏe, tăng hàm lượng sữa cho con bú. Sau khi sinh, sản phụ không được làm việc nặng nhọc, chỉ được làm việc nhẹ nhàng như giặt giũ, nấu nướng…chỉ sau một tháng, sản phụ mới được làm công việc nặng nhọc như ngày thường. Khi sinh, bà con không cho người lạ vào nhà, và cũng không cho gặp sản phụ trong ba ngày đầu (do chưa làm lễ đặt tên cho trẻ), kể cả người cùng họ. Sau khi làm lễ đặt tên cho bé, mọi người có thể đến chơi, gặp gỡ trẻ cũng như sản phụ. Trong tháng đầu tiên, bà con kiêng không cho sản phụ đi lại ở gian nhà chính, kể cả đi qua cửa chính, sản phụ chỉ được đi lại qua cửa phụ, đồng thời không được đi sang nhà hàng xóm.
Người Hmông kiêng không cho người lạ sinh trong nhà mình, kể cả con gái chưa chồng mà có con cũng vậy. Nếu chưa chồng mà chửa, khi sinh phải sinh ngoài vườn và được dựng lều để sinh. Nếu có người lạ không may sinh ở nhà người khác, cũng phải sinh ngoài lều giành riêng. Sau khi sinh xong, gia đình sản phụ phải làm một lễ cảm tạ gia đình kia và mang sản phụ về nhà. Kể cả con gái đã đi lấy chồng cũng không được sinh trong nhà bố mẹ đẻ, vì đã làm ma nhà khác, và việc đẻ này sẽ làm kinh động ma nhà, ma nhà sẽ trừng phạt gia đình đó, vì vậy mọi phí tổn cúng bái cho ma nhà đó đều do bên có sản phụ đó chi trả.
Việc nuôi dạy con cái là việc hệ trọng. Sinh con ra để con lớn tự nhiên thì dễ dàng, nhưng nuôi con cái trưởng thành lên người mới là khó. Vì vậy, ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ đều đã được cả gia đình chăm sóc và nuôi nấng. Người Hmông ai cũng có nghĩa vụ chăm sóc con cái, cả người bố và người mẹ đều chăm lo cho
con cái từ cái ăn, mặc cũng như đi lại, cho đến việc học hành… Với người con đầu, khi bố mẹ đi làm thường mang con ngay trên lưng, những đứa trẻ ra đời sau thì có anh chị chăm sóc khi bố mẹ vắng nhà.