Lễ đặt tên con và nhận bố mẹ nuô

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 97 - 98)

Sau khi sinh được ba ngày, người ta làm lễ đặt tên cho trẻ, từ lúc này đứa trẻ mới được gọi tên. Việc đặt tên cho bé phải có sự chứng kiến của trưởng họ, chủ nhà và không thể thiếu thầy cúng. Lễ vật để đặt tên bao gồm một đôi gà, vài kilôgam thịt heo, cơm cúng cùng với giấy bản và hương, đặc biệt nhất thiết cha của trẻ phải chọn trước từ hai đến ba cái tên để đặt tên cho trẻ.

Mọi việc chuẩn bị xong, người ta tiến hành làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Sáng sớm ngày thứ ba, trong khoảng thời gian từ 5- 6 giờ, người ta làm lễ đặt tên cho bé. Mở đầu, thầy cúng thắp mỗi ma trong nhà (ma tổ tiên, ma cửa chính, ma cột chính, ma bếp) một nén hương (riêng ma cửa thắp mỗi bên cửa một nén hương), sau đó thầy cúng cho mang tất cả lễ vật dùng để đặt tên cho bé để trước cửa chính với sự chứng giám của tất cả các ma và khấn “nay là ngày thứ ba, gia đình sinh được một đứa trẻ, gia đình làm lễ đặt tên, có chút lễ vật hiến dâng các ma…, mong các ma chấp nhận…”. Sau đó gia đình mang lễ vật đi nấu chín, thái mỗi thứ hai đĩa bày lên mâm và để ở chính giữa gian giữa. Tiếp đó, thầy cúng cho gia đình mang đứa trẻ ra ngồi gần kề thầy cúng, chuẩn bị một bát cơm cùng với quả trứng luộc sẵn. Lúc này thầy cúng tiến hành làm lễ chính thức và lấy vía cho em bé. Ngay lúc ấy, một trong ba cái tên đã chuẩn bị sẵn đặt trên một tờ giấy bản. Thầy tiến hành khấn: “mọi lễ vật đã được nấu chín, mong các ma chứng giám và cho cháu một cái tên…”. Thầy cúng tung cặp âm dương lên, nếu cả hai mặt đều sấp hay đều ngửa là dấu hiệu chứng tỏ các ma không chấp nhận và phải chọn lại tên khác. Cứ làm như thế đến khi nào chấp nhận mới xong. Nếu ngay lần tung đầu tiên, nếu cặp âm dương một sấp một ngửa là tên cháu bé đã được chấp nhận. Khi khấn, thầy cúng còn mời tất cả những người đã chết trong dòng họ về chứng dám cùng với các ma trong nhà. Đến đây mọi công việc làm lễ đặt tên, lấy vía coi như đã xong. Để kết thúc, thầy cúng lại tung cặp âm dương lần cuối cho tới khi một sấp một ngửa là hoàn thành. Gia

đình mang mâm cơm xuống tiến hành ăn uống cùng với sự có mặt của những người lớn trong họ.

Như vậy, lễ đặt tên là một trong ba nghi lễ lớn liên quan tới vòng đời của một con người. Tùy vào điều kiện, gia đình có thể tiến hành làm lễ đổi tên sớm hay muộn, thông thường sau làm lễ đặt tên một năm, các gia đình tiến hành làm lễ đổi tên chính thức cho đứa trẻ. Với việc đổi tên chính thức, đứa trẻ từ đó được mọi người gọi bằng cái tên mới và được đăng ký trong khai sinh sau này đi học. Cùng với việc làm lễ đặt tên và đổi tên, trong quá trình sinh sống, đứa trẻ kém ăn, hay ốm đau, bệnh tật… người ta làm lễ nhận bố mẹ nuôi cho bé. Lễ nhận bố mẹ nuôi được tiến hành vào buổi sáng. Lễ vật là hai con gà, mang đến một quãng đường cách nhà chừng vài trăm mét rồi dừng lại. Nhân lúc không có người, họ làm một cái lán nhỏ và bầy rượu thịt ra. Nếu gặp ai lần đầu tiên, họ ra mời người ấy vào và nhận bố mẹ nuôi cho con mình. Người được mời vào không được từ chối và họ cũng rất hãnh diện về việc này và nhận lời, rượu thịt được tiến hành ăn uống ngay. Có trường hợp người ta gặp phải trẻ nhỏ cũng phải mời vào, đưa cho đứa trẻ ấy một mảnh vải và chở trẻ nhỏ về nhà gặp bố mẹ của chúng để thưa chuyện. Bố mẹ đứa trẻ đó sẽ thay mặt cho con mình và tiến hành nhận con nuôi. Sau khi nhận bố mẹ nuôi, từ đó về sau cũng như khi lớn lên, người con nuôi này phải có trách nhiệm với cả bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi. Khi có việc hệ trọng cũng phải hỏi ý kiến và sự cho phép của bố mẹ nuôi.

Hiện nay với những suy nghĩ tiến bộ, cùng với sự phát triển của kinh tế, sự ảnh hưởng văn hóa lẫn nhau, nhiều hộ gia đình người Hmông theo đạo Tin lành hay Công giáo, sau khi sinh em bé đã không còn những hình thức như trên, thay vào đó sau khi sinh vài ngày, họ tiến hành làm giấy khai sinh cho đứa trẻ và nuôi nấng như người Kinh.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 97 - 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w